Sự việc liên quan đến NSƯT Chánh Tín đã khiến cư dân mạng một phen dậy sóng. Người bảo được, kẻ bảo không, người thông cảm, kẻ trách móc... tất cả những phản hồi đang đặt lên vai người nghệ sĩ một gánh nặng. Có rất nhiều người cho rằng ông là kẻ ăn mày dĩ vãng, lấy cái vinh hoa xưa để mong mỏi, van xin lòng trắc ẩn của công chúng. Nhưng cũng có người cho rằng dư luận đang quá độc ác với người nghệ sĩ già. Để rộng đường dư luận, BBT xin trích nguyên văn ý kiến của một độc giả.
"Mấy ngày qua, tôi đã theo dõi tin tức trên báo điện tử về việc nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín vỡ nợ, sau đó là những ý kiến của đồng nghiệp kêu gọi giúp đỡ để ông qua cơn hoạn nạn. Đọc được tin những người hâm mộ, bạn bè đang cùng chung tay sẻ chia, nâng đỡ anh, tôi thấy lòng thật mừng, thật xúc động và an tâm. Tôi dùng chữ an tâm ở đây vì hiểu được cảm giác của anh trong lúc này, có lẽ là sự hoảng loạn, bất lực...khi đứng trước viễn cảnh không nhà. Nếu ngân hàng tịch thu nhà như đã hẹn... anh sẽ sụp đổ mất thôi.
Tôi cũng là một trong số những người hâm mộ anh Nguyễn Chánh Tín, kể từ ngày còn bé. Tôi còn nhớ rất rõ cảm xúc khi được xem chương trình văn nghệ của trường Mạc Đỉnh Chi trên chiếc tivi trắng đen, ấn tượng mấy chục năm sau vẫn là hình ảnh anh trong vai Kim Trọng, trong nhạc thơ KIM VÂN KIỀU. Tôi cũng không còn nhớ rõ chị Bích Trâm đóng vai Thúy Vân hay Thúy Kiều, nhưng riêng anh thì tôi không sao quên được. Diễn xuất của Chánh Tín quá tốt, anh đã làm toát lên được vẻ hào hoa, phong nhã của một văn nhân. Rồi sau đó, tôi được nghe anh hát (tôi vẫn nhớ đó là bài "Tìm nhau"). Anh hát rất hay, chất giọng rất đặc biệt đã khắc sâu vào trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ.
Anh Tín ơi, cốt cách anh là một văn nhân, tâm hồn văn nhân, bước vô thương trường khó mà thích ứng nên giờ đây hậu quả quá nặng nề.
Tôi không biết ban đầu thông tin anh sẽ dọn ra khỏi nhà ngày 20.3 và nguyện vọng xin kéo dài thêm 6 tháng anh đã cung cấp cho ai để rồi nó bùng nổ trên mạng, dậy sóng dư luận những ngày qua. Nhưng nếu anh không dám kêu lên, không dám hạ thấp lòng tự trọng, sĩ diện của mình để cầu cứu... điều đó sẽ xảy ra.
Theo như anh nói chuyện xảy ra đã lâu. Anh đã hết khả năng về tài chính, bệnh tật lại bủa vây, cứ nhìn sắc diện cũng đủ hiểu sức khỏe của anh bây giờ ra sao. Nếu không có sự giúp đỡ nào,một người không còn tiền bạc, không có sức khỏe, không nơi cư trú sẽ sống ra sao? Chí ít trong 3 cái đó anh còn có một thì cũng còn cách để xoay sở.
Sẽ có người cho rằng, bệnh tật ai mà chẳng có, tại ngày xưa anh có tiền, nhậu nhẹt...giờ thì bệnh phải rồi, trách chi ai. Thế thì chẳng lẽ đợi khi anh tự sát rồi mọi người mới chặc lưỡi xuýt xoa, thông cảm và thốt lên rằng: "Sao không nói để mọi người giúp đỡ".
Vậy mọi người có hiểu được tình cảnh đó không? Mình còn sức khỏe, còn công việc, còn nhà cửa, không mắc nợ... nói gì nghe cũng dễ, phải đứng trong cảnh này rồi mới biết. Đừng phê phán hay chê trách nữa, hãy để cho anh được bình tâm vượt qua cơn sóng gió cuối cuộc đời.
Thưa tất cả mọi người không đồng tình với việc giúp anh Chánh Tín, hãy yên lặng đừng cay nghiệt nữa, ai thương thì giúp, ai không thương thì không giúp, đừng so sánh .
Chuyện quốc kế dân sinh là chuyện khác nữa, của nhà quản lý, của đoàn thể, của toàn xã hội cùng chung tay.
Mỗi con người khi khó khăn hoạn nạn, nếu sức mình đã hết, thì luôn cần đến sự trợ giúp của mọi người.Bất luận người đó là ai. Miễn khi có tiếng kêu cầu cứu thì sẽ được đồng loại quan tâm chia sẻ, chỉ sợ là mình không kêu, không dám kêu thì không ai tiếp ứng.
Và mỗi hoàn cảnh khó khăn không ai giống ai hết. Đừng phân biệt hoàn cảnh.
Người đã có chút tiếng tăm thì sự tự trọng rất lớn. Khi anh đã không còn giữ được bình tĩnh nữa, có nghĩa là sức anh đã kiệt, xin đừng dồn anh đến bước đường cùng.
Đôi dòng chia xẻ với mọi người.
*Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả