Dư luận đã quá "độc ác" với Chánh Tín

Nhiều ý kiến không đồng tình, thậm chí phê phán hành động kêu gọi ủng hộ của Chánh Tín là làm mất đi tư cách của người nghệ sĩ...

 Thông tin mới nhất về cảnh ngộ của NSƯT CHÁNH TÍN

Dưới đây là bài viết của một độc giả về NSƯT Nguyễn Chánh Tín và những lùm xùm xung quanh hành động kêu gọi ủng hộ của ông.

"Mấy ngày qua, đọc các bài viết, các bình luận của công chúng về diễn viên Chánh Tín mà thấy buồn, đọc đến đâu nhăn nhó đến đó. Nào là chê anh đại gia nước giải khát, bao nhiêu người không có mà ăn lại đi giúp một ông mất nhà tiền tỉ, rồi là sung sướng quen rồi, khổ tí là kêu toáng lên, bao nhiêu người khổ cực vẫn im lặng sống đấy thôi; rồi thì có sức chơi thì phải chịu, bao nhiêu người nghèo phải hi sinh vì con mà có ai giúp đâu; rồi thì chả công bằng gì cả...

Nếu chúng ta khổ sở vất vả mà vẫn im lặng mà sống, mà vượt qua được thì người khác cũng phải vượt qua như chúng ta sao? Hễ cứ khổ là phải nghĩ “nhìn xuống cũng chẳng ai bằng mình” để không được kêu la à? Kêu là không xứng đáng với cái danh nghệ sĩ, kêu sẽ làm công chúng thất vọng về tư cách của người ta ư? Chỉ thấy con người càng sống trong khổ cực càng trở nên độc ác với người xung quanh.

Thấy người nào đó có điều kiện hơn ta được người khác giúp là ta dè bỉu, chê bai người bỏ tiền ra dại dột, mù quáng, sao không giúp chỗ X mà lại giúp chỗ Y? Tại sao tất cả phải khổ như nhau và người khác được cứu thoát trước chúng ta là không được phép? Tại sao không mừng cho họ đã thoát khỏi một mối lo lắng mà với họ là rất đau khổ, rất bế tắc? Sao cứ phải áp quan điểm của mình cho suy nghĩ, hoàn cảnh của người khác?

 1
Vai diễn để đời này của diễn viên Nguyễn Chánh Tín vẫn đọng trong tâm trí của nhiều khán giả Việt

Trên đời này không bao giờ có sự công bằng nên mọi người cứ so sánh còn bao nhiêu người khốn khổ không có ăn còn có người lại đang lo cứu cái nhà 10 tỉ, rồi phê phán luôn cả người ra tay giúp nữa. So sánh giữa những nỗi đau đã là thiếu hiểu biết.

Tôi có thể đau khổ khi con chó của tôi chết và tôi khóc lóc vật vã. Bạn đi qua và bĩu môi: “Con điên, chó chết thì cho riềng mẻ chứ khóc lóc nỗi gì”. So sánh một nghệ sĩ có sức ảnh hưởng đến tâm trí của bao người trong một thời kì nghệ thuật và những người nghèo, có thể so sánh không? Nếu bạn chọn người nghèo để giúp, bạn tốt giống như anh đại gia kia chọn nghệ sĩ nổi tiếng sa cơ lỡ vận để giúp mà thôi.

Nếu chừng nào bạn thấy người xung quanh được tốt hơn mình, hạnh phúc hơn mình, bạn bảo, tốt quá, thế là một người được cứu thoát, mình sẽ cố gắng lên. Nếu chừng nào một đám đông dưới hố có môt người được những người ở dưới công kênh lên để trèo lên miệng hố, bạn hò reo vui mừng chứ không phán xét, chê bai hay muốn nó cũng ở dưới hố như mình, nó tuổi gì mà được lên trước mình, có tài gì, đức gì mà được ngần ấy người đội lên đầu? Nếu chừng nào bạn không suy nghĩ và không thay đổi lối tư duy, bạn đừng bình luận, đừng “ném đá” vào người khác.

Nhân việc lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày Hạnh phúc (20/3), hãy mở lòng để dành tình yêu thương cho những người xung quanh mình. Với tôi, hạnh phúc là được mọi người yêu thương và giúp đỡ chứ hạnh phúc không phải là sự đầy đủ mọi thứ. Vì đơn giản, đã làm kiếp người thì chúng ta không bao giờ thấy mình có đủ cái ta muốn có."

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại