Bi (21 tuổi, sinh viên, quê Hà Nam)
Tôi giấu diếm vì hạnh phúc của người thân
Bố mẹ tôi chia tay khi tôi 2 tuổi. Tôi sống với bố và bà nội ở quê. Ngày còn bé, tôi tự nhận ra mình khác biệt với những bạn bè cùng trang lứa. Không giống những đứa con gái khác, tôi ghét mặc váy và không thích tham gia văn nghệ.
Tôi chi hay đi chơi cùng mấy đứa con trai được liệt vào dạng “đầu gấu”. Nhưng dù chúng có đánh đấm thì tôi cũng chỉ ngồi ngoài nhìn, gương mặt không cảm xúc. Mọi người bảo tôi lạnh lùng, khó gần và có người cảm thấy sợ tôi.
Càng lớn, tôi càng tò mò hơn về cơ thể mình. Bắt đầu từ học kỳ 2 của năm lớp 10, tôi bước vào cuộc hành trình “giải mã giới tính”. Nhưng ngày đó, tôi thường xuyên thức trắng đêm, miệt mài lên mạng, tìm tòi sách báo, các bài viết về đồng tính nữ, trả lời hàng loạt các câu hỏi trắc nghiệm kiểm tra giới tính.
Và khi những bài test trên mạng đưa ra kết luận đúng theo những gì tôi nghĩ, tôi thực sự hoang mang, lo sợ. Tôi nhận ra, mình không mang một giới tính bình thường như những cô gái khác. Tôi là les – tôi chỉ có thể yêu thương những người đồng giới tính với mình. Từ đó, tôi bắt đầu trăn trở nhiều hơn về con đường mình sẽ đi.
Hai năm trở lại đây, tôi chuyển lên Hà Nội sống cùng mẹ và cha dượng. Tôi biết mẹ rất “tinh” nên thay vì nói thẳng cho mẹ hiểu, tôi bắt đầu vùng vẫy, lột xác để mẹ dần dần tự hiểu ra tôi không giống với những đứa con gái khác.
Tôi cắt tóc ngắn, chuyển hẳn sang gu ăn mặc của con trai. Và đúng là mẹ tôi bắt đầu ngờ ngợ. Mẹ bắt đầu la mắng tôi về chuyện đầu tóc, ăn mặc. Thậm chí, mẹ còn dọa sẽ đuổi tôi ra khỏi nhà nếu còn tiếp tục như thế.
Có một thời gian, tôi bế tắc về gia đình, tình yêu và chìm đắm trong men rượu. Sau khi phục hồi được một phần tinh thần, mẹ bảo tôi, nếu muốn lấy lại lòng tin của mẹ thì hãy thể hiện bằng việc nuôi tóc dài và mặc quần áo nữ tính. Lúc đó, tôi đã hứa nhưng chỉ bản thân tôi mới hiểu, đôi khi lời hứa chỉ mang tính chất làm yên lòng.
Sự thật là tôi không thực hiện được lời hứa ấy. Tôi thu xếp quần áo và ghi cho mẹ mẩu giấy: “ Lần này con lại làm sai nữa. Xin lỗi mẹ! Con sẽ thu xếp quần áo để mai về quê” . Nhưng mẹ đã giữ tôi lại cho đến tận bây giờ.
Rất nhiều đêm, tôi thức trắng trăn trở suy nghĩ xem nên làm cách nào để mọi người hiểu mình. Nhưng từ suy nghĩ đi đến hành động, thật không dễ dàng. Tôi thương mẹ, thương bà nội và thương cho chính số phận của tôi.
Lần ấy, mẹ bảo tôi rằng: “Giờ hai mẹ con mình ngồi đây, chúng ta sẽ trò chuyện thẳng thắn với nhau. Con nói cho mẹ nghe, con có bệnh thì mẹ đem con đi chữa. Còn nếu con đua đòi thì con nên gác lại ngay việc làm ấy”.
Lúc ấy, tôi im lặng khá lâu. Nếu tâm lý của mẹ và bố dượng đang có chuyện không vui, tôi không muốn làm mẹ buồn thêm nữa. Tôi nhìn mẹ và nhả từng chữ một: “Vâng con đua đòi, con sẽ cố gắng để sửa”.
Nói xong câu giả tạo ấy, tôi bỏ nhà đi chơi và suy nghĩ vẩn vơ về mọi thứ. Trong một lúc bột phát, tôi lại cầm điện thoại nhắn tin cho mẹ: “ Mẹ ơi, con nói chuyện với mẹ được không?”. Mẹ nhắn lại hỏi có chuyện gì thì tôi lại không thể nói thêm được gì nữa.
Rồi có bao nhiêu lần tiếp theo như thế, song tôi vẫn chẳng thể cất lời để nói lên gánh nặng đã đè nén trong mình. Mẹ tôi vài lần làm lễ cắt tiền duyên nhưng mọi thứ vẫn đâu vào đấy. Tôi biết mẹ hiểu con gái mẹ, bởi nhiều khi ánh mắt chạm nhau, tôi tin mẹ đã hiểu tất cả. Chỉ có điều, mẹ chưa thể chấp nhận được sự thật và cũng có thể không muốn chấp nhận con gái mình “khác người”.
Khoảng 3 năm trước, mỗi lần suy nghĩ về số phận, tôi thường khóc rất nhiều. Đến giờ, tôi đã không còn nước mắt để khóc. Nhiều khi, cố gắng ép nước mắt ra ngoài để nhẹ ưu tư mà nước mắt chẳng thể rơi.
Ken (23 tuổi, sinh viên, quê Hải Dương)
Tôi từ bỏ tình yêu để cô ấy hạnh phúc
Tôi gặp cô ấy lần đầu tiên ở xóm trọ. Khi đó, tôi đang là sinh viên năm thứ hai. Đầu tiên, chúng tôi chỉ chơi với nhau xã giao nhưng càng ngày càng thân. Về sau, khi người bạn cùng phòng của cô ấy chuyển đi thì tôi dọn vào phòng đó sống cùng. Đó cũng được coi như dạng sống thử. Chỉ có điều chúng tôi là hai đứa con gái sống thử với nhau.
Tôi về nhà cô ấy thường xuyên và được bố mẹ cô ấy rất quý mến. Nhiều người ngoài dèm pha, nói với chị và bố mẹ cô ấy rằng, giữa chúng tôi đang tồn tại mối quan hệ bất thường. Thế nhưng mẹ cô ấy luôn tin rằng, giữa chúng tôi chỉ đơn thuần là tình bạn bè thân thiết. Bác không mảy may suy nghĩ hay nghi ngờ gì.
Bình thường, nhà cô ấy ăn uống rất đơn giản. Mỗi lần tôi về quê chơi, hai bác lại mua rất nhiều đồ ăn thức uống, tưởng như đó là bữa ăn cho 10 người chứ không phải vài ba người. Bác trai còn đề nghị sẽ xin việc cho tôi ở Ninh Bình, nếu sau khi ra trường tôi không tìm được việc.
Chị gái của cô ấy đã lấy chồng. Tiếc rằng, đó là một cuộc hôn nhân khốn khó. Bố mẹ cô ấy rất buồn và đặt dồn niềm tin lên vai người con gái còn lại, chính là cô ấy.
Chúng tôi yêu nhau và tôi hiểu khao khát làm mẹ của cô ấy. Cứ nhìn cách cô ấy mua sắm đồ đạc và chăm sóc cho hai đứa con của người chị gái là tôi hiểu khao khát kia lớn đến mức nào. Tôi đã rất buồn khi nhận ra mình không thể là người đáp ứng và mang lại niềm vui trẻ thơ cho người con gái mình yêu thương.
Đang có một người đàn ông tốt, dù đã được biết sự thực về mối quan hệ giữa chúng tôi nhưng anh này vẫn đứng lên bảo vệ chúng tôi trước dư luận. Cô ấy cũng đến tuổi lập gia đình. Mẹ cô ấy đã chịu nhiều nỗi khổ vì người con gái lớn. Tôi muốn bác ấy được một lần hạnh phúc khi lấy lại được tiếng thơm từ cuộc hôn nhân của đứa con gái thứ hai.
Thân với gia đình ấy, tôi hiểu rõ tính tình và lối suy nghĩ của hai bác. Nếu chúng tôi cứ tiến tới với nhau, chắc chắn, đây là cú sốc quá lớn.
Tôi không muốn làm tổn thương ai khác, từ chính bản thân tôi. Và tôi quyết định chấm dứt cuộc tình vụng trộm này để gia đình ấy có tiếng cười và cô ấy tìm được hạnh phúc thực sự.
Cô ấy khóc lóc vật vã, trách cứ tôi vô tâm. Nhưng cô ấy đâu hiểu rằng, trong lòng tôi là hàng nghìn những nỗi đâu giằng xé. Mỗi lần nhớ đến cô ấy, nhớ đến những năm tháng sống chung là tôi lại tự dằn vặt bản thân. Những “status” đau thương hằng ngày xuất hiện trên Facebook cá nhân chinh là biểu hiện sự quằn quại trong chính trái tim tôi.\