Bao giờ người Việt mới chịu xếp hàng?

Không xếp hàng, chen lấn, xô đẩy chửi rủa nhau có phải căn bệnh chung của người Việt?

Văn hóa xếp hàng của người Việt đã bị dư luận lên án lâu nay. Sự chen lấn diễn ra trên khắp nẻo đường, con phố, và dường như nó đã trở thành thói quen: chen lấn ở các bến xe, bến tàu, chen lấn khi xếp hàng thực hiện các thủ tục hành chính, khám chữa bệnh ở bệnh viện và nộp hồ sơ vào trường học cho con cái. Đặc biệt, khi có một chương trình khuyến mãi, phát quà miễn phí… người dân lại càng hào hứng chen lấn hơn.

Nhớ lại hình ảnh hàng nghìn người chen lấn xô đẩy nhau để được thưởng thức sushi miễn phí tại Hà Nội khiến dư luận bàng hoàng. Cảnh tượng hãi hùng ấy khiến giao thông tắc nghẽn. Vì miếng ăn, nhiều người bất chấp chửi rủa, dọa nạt nhau để có một phần ăn miễn phí.

Nếu như ở các nước phát triển như Nhật Bản, Singapore…văn hóa xếp hàng trở thành một nét văn hóa, thì đối với người Việt Nam chuyện xếp hàng quả thật khó khăn. Trong những ngày đầu năm vừa qua, dư luận hoảng hồn với những hình ảnh khách hành hương chen lấn, dẫm đạp lên nhau để tranh cướp lộc xuân. Điều này, đã được báo chí phản ánh, phê phán rất nhiều, nhưng gần đây lễ hội đền Hùng vẫn diễn ra với sự lộn xộn, chen lấn của người dân.

“Thật kinh hãi trước hình ảnh chen lấn tại lễ hội, văn hoá xếp hàng thể hiện sự tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình. Người Việt chưa ý thức được sự nguy hiểm khi hòa vào hàng nghìn người chen lấn, chỉ cần đứng không vững là xảy ra tai nạn ngay”, độc giả Gia Bảo bình luận.

Việc nhớ về nguồn cội, tỏ lòng thành kính với đấng tối cao là điều rất đáng kích lệ. Nhưng hàng vạn người chen lấn, tìm kiếm một suất vào dâng hương đã khiến chốn linh thiêng trở nên nhốn nháo. Thậm chí, sự việc chen lấn này diễn ra trước sự chứng kiến của trẻ con, và những hành động quá lố của người lớn, vô tình đã “rèn dũa” cho trẻ cách “xếp hàng chen ngang”.

Chưa hết, dư luận còn ngán ngẩm trước những màn phá bỏ luật lệ, hàng trăm người liên tục đẩy nhau vượt qua tường rào, trèo lên khu vực dâng hương, mong được bề trên chứng giám. Không chỉ có thanh thiếu niên, các em nhỏ cũng tham gia rất nhiệt tình. Hình ảnh người dân bất chấp nguy hiểm hùng hục vượt tường, khiến lực lượng an ninh bất lực.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên nhân sâu sa của thực trạng này là do ý thức của người dân còn quá kém. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho ý thức, một phần lý do là không có ai tạo cho họ môi trường để được tìm hiểu về bản chất của lễ hội. Người dân chỉ biết rằng đến ngày lễ để cầu xin cho bản thân và mong bề trên chứng giám.

Việt Nam là một trong nhiều quốc gia đưa việc xếp hàng vào giảng dạy cho trẻ ngay từ khi còn rất nhỏ. Ở các trường học hầu hết các học sinh đều phải xếp hàng vào lớp. Nhưng thật đáng buồn, khi bước ra khỏi cánh cửa nhà trường thì văn hoá đó cũng chẳng còn chốn dung thân.

Lý giải về vấn đề này, bạn Hồng Hạnh, Hà Nội, chia sẻ: “Việc xếp hàng không phải quá khó, nhưng chỉ cần một người không xếp hàng, là hàng loạt người ghen tỵ, cho rằng mình bị thua thiệt nên chẳng ai chịu nhường ai”.

Thanh Ngọc, Tp.HCM, bức xúc: “Tôi đã từng chứng kiến cảnh những đứa bé chen lấn để mua KFC, khi về đến bàn của mình chúng khoe với bố mẹ là đông lắm con phải chen lấn để có, đáng lý phải khuyên dạy không nên và phải xếp hàng chờ thì ngược lại đứa trẻ lại được khen là con giỏi quá, từ đó hình thành trong suy nghĩ của đứa bé là việc chen lấn giành giật là tốt. Tôi nghĩ đã đến lúc phải xem lại cách giáo dục của nước ta, phải giáo dục tận gốc rễ”.

Vậy bao giờ người Việt mới chịu xếp hàng? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ...

Bạn đọc gửi bài viết, ý kiến bình luận, hoặc thậm chí chỉ là một dòng LINK bài viết từ mạng xã hội (Facebook, diễn đàn...) và bài viết này chưa đăng tải trên báo chí, chúng tôi sẽ cân nhắc ĐĂNG TẢI TRẢ NHUẬN BÚT CHO BẠN TRONG VÒNG 24 GIỜ.

Xem chi tiết chương trình: Trả Nhuận bút trong 24 giờ

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại