Bài viết đáng suy ngẫm về "Những đứa trẻ không hề sợ chó"

"Bây giờ, nhiều đứa trẻ thành thị không còn sợ chó. Nhưng chúng lại có một nỗi sợ khác: sợ một ngày nào đó, chú chó cưng không còn ở nhà nữa, mà có thể đã bị bắt đi, bị làm thịt..."

Thấy gì qua cách biểu thị tình yêu giữa người và thú cưng ở Việt Nam và thế giới? Bài viết đáng suy ngẫm sau đây của nhà báo Trương Anh Ngọc, được gửi từ Ý, sẽ cho chúng ta một cái nhìn khác.

Tôi vẫn nhớ vẻ mặt sợ hãi của con gái tôi khi nhìn thấy một chú chó đang chạy đến gần nó, trong những ngày đầu tiên của chúng tôi trên đất Ý nhiều năm về trước.

Đấy là một ngày cuối thu đẹp trời trong công viên sau nhà, với một rừng cây lớn, những con đường nhỏ, khu vui chơi cho trẻ có xích đu, cầu bật, những chiếc ghế băng cho người đi dạo ngồi nghỉ, và một bãi cỏ rộng xanh mướt chạy tít tắp phía xa.

Người đi dạo bên này hay dắt theo chó, những chú chó đủ các dòng khác nhau, to nhỏ lớn bé chạy tung tăng trên những con đường.

Hồi ấy, con tôi sợ chó. Khi còn ở trong nước, nó luôn co rúm người khi thấy một con chó nào đó chạy rông trên hè.

Nỗi sợ ấy có lẽ bị lây của bố nó, người đã từng bị đưa đi tiêm mấy mũi phòng dại khi bị con chó ở nhà bác ruột cắn, đã từng cùng mẹ ngã xe đạp ở đường quê khi bị một con chó làng đuổi theo định cắn, đã phải hết sức can đảm khi lớn lên và cố gắng giữ một thái độ cứng cỏi trước những con chó hung dữ đi ngoài đường. Nỗi sợ hãi ấy theo con bé đến tận khi sang bên này, khi nó nhìn thấy con chó ấy.

Nhưng người chủ của chú chó, một người đàn ông phúc hậu và có vẻ rất quý trẻ con, đã tinh ý nhìn ra vấn đề. Ông gọi con chó đang chạy lăng xăng lại và tươi cười nói với chúng tôi: "Đừng sợ, những chú chó ở đây không hề làm hại ai đâu".

Ông không hề nói dối. Sự thật là như thế. Công viên ở đây luôn là một nơi an toàn nhất với lũ trẻ. Tôi thấy những đứa trẻ ấy không hề sợ chó, không co rúm người lại khi thấy chúng, mà ngược lại, thích chơi với chúng.

Bởi hoặc bọn trẻ đã có chó như những người bạn ở trong nhà (tỉ lệ người Italia nuôi chó rất cao), hoặc vì chúng đã quá quen với sự có mặt của những con thú cưng như thế ở nơi công cộng, vì luôn có một điều đặc biệt, những con chó ấy luôn ở gần chủ, có thể gắn bó với chủ bằng một sợi dây hoặc chủ nó luôn giữ một khoảng cách nhất định để nó không thoát khỏi tầm kiểm soát.

Chúng chỉ được chủ cho ra đường sau khi đã được luyện một cách cơ bản những kĩ năng cần thiết.

Trong những điều mà người chủ chó phải hiểu và con chó phải được luyện, là nó không được đụng chạm đến người lạ.

Đấy là lí do tại sao những chú chó chạy ở ngoài công viên bên này dù hiếu động đến mấy cũng không bao giờ dám đến gần một ai khác ngoài chủ nó, hoặc người nó quen.

Người ta có thể kiện những người chủ chó nếu họ cảm thấy con chó làm ảnh hưởng đến họ, khiến bị đe dọa.

Đã từng có những vụ kiện như thế xảy ra ở Ý, khi một con chó nhỏ vì quá mải vui đùa mà làm một đứa trẻ bị ngã dập mặt, và một cụ già ngã vì bị chó vấp vào chân. Những vụ như thế, phần thua thường thuộc người chủ chó.

Họ có thể bị tước mất con chó ấy, khi nhà chức trách đưa nó vào các trại và cho người khác nhận nuôi, hoặc họ phải qua một quá trình thử thách cùng chú chó ấy, nếu không muốn mất quyền nuôi chó.

Mà những con chó ấy thì người chủ rất quý, như những người bạn trung thành, những đứa con yêu.

Tôi viết dông dài thế thôi, chỉ để nói đến một câu chuyện về những con chó thả rông hầu như không tồn tại trên những mảnh đất văn minh này.

Những con chó vô chủ sẽ bị bắt về trại, vì người ta sợ nó có mầm bệnh có thể lây sang người. Người ta đưa ra những quy định ngặt nghèo như thế liên quan đến nuôi thú cưng chẳng qua cũng chỉ để bảo vệ con người và chính con vật.

Tình yêu động vật của người Phương Tây không tự nhiên mà có, và nó được bảo vệ bằng luật pháp rất rõ ràng. Bảo vệ động vật cũng chính là bảo vệ con người, theo đúng nghĩa đen của từ này.

Mới rồi, một người sống tại Trento, miền Bắc nước Ý thậm chí đã bị kết án tù giam chỉ vì đã sơ ý để quên chó của mình ở ngoài trời hai ngày liền, không cho ăn, cho uống, khiến con chó kiệt sức, còn hàng xóm thì khó chịu gọi điện cho cảnh sát, bởi tiếng con chó sủa làm cho họ mất ngủ.

Chuyện những con chó được dắt ra đường, và bây giờ, đã được dắt vào một số trung tâm thương mại, được cho phép lên máy bay, các phương tiện công cộng... thực ra cũng là một sự tiến bộ của quyền nuôi động vật.

Nhưng quyền đó chỉ được tôn trọng một khi cả người chủ chó lẫn con chó phải biết cách tôn trọng cộng đồng: họ không được phép làm phiền người khác.

Và một khi cả hai bên đều đã đạt được điều ấy, thì người ta "chiều" nhau cũng là chuyện đương nhiên. Lính cứu hỏa được điều đến để cứu những chú mèo trèo lên cây không chịu xuống vì một lí do nào đó.

Những cú điện thoại khẩn cấp để tìm những chú chó cưng chạy biến đi vì tiếng pháo trong đêm giao thừa.

Cảnh người ta trao cho chủ nhà hoặc bọn trẻ con những con mèo sau khi bắc thang lên cây đưa xuống, những chú chó được tìm thấy đang trốn đâu đó, luôn thật đặc biệt, chẳng khác gì một chiến công lớn của những người hùng trong mắt bọn trẻ.

Đừng nói rằng, ở đây người ta quá rỗi hơi đi cứu một con chó hay một con mèo gặp nạn. Họ làm thế là vì những người đã coi việc sống với những con thú ấy là niềm vui.

Tự dưng lại nhớ đến những con chó thả rông ở nước mình một thời. Chẳng ai kiểm tra chúng xem chúng có bệnh hay không.

Những người chủ cũng mặc kệ chúng và chúng có thể lây dại rồi từ đó làm chết những mạng người. Đấy là thời mà tôi đã từng chạy ngã đến chảy máu đầu gối chỉ vì một con chó nhà ai đó đuổi. Những con chó chạy rông như thế giờ ít hơn.

Cái cảnh dắt chó đi dạo như ở công viên bên này cũng hầu như không thấy nữa. Bởi lũ trộm chó đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với không chỉ chó, mà cả người.

Những cái chết vì chó ở các làng quê, khi những kẻ trộm chó bị dân đánh hội đồng, là một ví dụ tiêu biểu cho thấy, vấn đề không chỉ ở việc bị bắt đi của con chó, một người "lính gác" truyền thống ở mỗi gia đình nông thôn, mà ở việc những giá trị cơ bản của cuộc sống đang bị phá vỡ, không hề được tôn trọng.

Con chó là chuyện nhỏ, nhưng con người sống với nó là chuyện lớn.

Bây giờ, nhiều đứa trẻ thành thị không còn sợ chó. Chúng đã có chó làm bạn trong nhà.

Nhưng chúng lại có một nỗi sợ khác: sợ một ngày nào đó, chú chó cưng không còn ở nhà nữa, mà có thể đã bị bắt đi, bị làm thịt, nướng chín và nằm trong một quán nhậu nào đó rồi.

Theo Trương Anh Ngọc (từ Roma, Italia)

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại