"Nuôi con cái lớn khôn để chúng nó làm chỗ dựa cho mình khi về già" chính là một quan niệm phổ biến của rất nhiều bậc phụ huynh. Con cái trưởng thành báo hiếu cha mẹ chính là đạo lý về "lòng hiếu thảo" mà tất cả chúng ta để được dạy kể từ khi còn thơ bé.
Theo đà phát triển của xã hội hiện đại, khi ngày càng nhiều người có của ăn của để, một bộ phận dần từ bỏ ý định dựa dẫm vào con cái khi về già và mong muốn tự mình tích tiền để có thể chủ động hơn trong cuộc sống sau này. Chúng ta đều biết rằng giới trẻ ngày nay đang phải chịu rất nhiều áp lực đến từ cả công việc lẫn cuộc sống thường ngày, do đó rất khó để chúng có thể thật sự làm tròn trách nhiệm phụng dưỡng chúng ta. Vì vậy, nhóm người này cho rằng việc tự mình tiết kiệm tiền để nghỉ hưu không chỉ có thể giảm bớt áp lực cho con cái mà còn giúp bản thân có khả năng tự chăm lo cho cuộc sống của mình sau này.
Tôi năm nay 72 tuổi, có lương hưu và đồng thời cũng có rất nhiều tiền tiết kiệm. Con trai và con gái tôi đều đã lập gia đình và có công ăn việc làm ổn định. Với nhiều người, đây là một cuộc sống đáng mơ ước. Tuy vậy với tôi, cuộc sống hiện tại chỉ xoay quanh hai từ "khốn khổ".
Mọi thứ bắt đầu từ nhiều năm trước.
Người mẹ đơn thân nuôi 2 con lớn
Khi tôi 45 tuổi, chồng tôi qua đời vì bạo bệnh, để lại một đứa con trai và một đứa con gái vừa mới vào học cấp ba. Dù không phải chăm sóc bố mẹ chồng nhưng một người phụ nữ một thân một mình nuôi hai con cũng đã đủ cực nhọc rồi. Khi đó, tôi phải làm kết hợp 2, 3 công việc để có thể kiếm đủ tiền cho các con ăn học.
Nhận thức được hoàn cảnh của mình, các con tôi không bao giờ để tôi phải lo lắng về việc học. Chúng luôn tự giác chăm chỉ học hành và lần lượt đỗ vào một trường đại học có tiếng. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt và học tập của chúng lại thêm đè nặng lên vai tôi.
Ngôi trường đó danh tiếng nhưng cách xa nhà, do đó không chỉ phí học tập mà phí ăn ở, phí đi lại cũng là một vấn đề lớn . Nhiều người thân, bạn bè xung quanh còn khuyên tôi rằng điều kiện gia đình tôi không đủ ổn định, tại sao phải cố cho chúng học đại học để tự làm khổ bản thân, hơn nữa đẩy chúng ra xa coi chừng sau này chẳng có đứa nào tìm về báo hiếu.
Lúc đầu, tôi cho rằng những người đó vì ghen tị với sự ưu tú của các con tôi nên đã bỏ ngoài tai những lời nói của họ và tận lực cố gắng cho các con đi học Đại học.
Tuy nhiên, sau khi các con tôi tốt nghiệp và đi làm, tôi dần cảm thấy những lời khuyên năm đó đã dần trở thành sự thật: các con tôi bắt đầu không thích về nhà, và chúng tôi cũng ngày càng ít liên lạc với nhau. Có những lúc tôi muốn đi thăm chúng thì hoặc tôi thay đổi quyết định vào phút cuối hoặc chúng lấy cớ bận rộn công việc rồi lại hứa hẹn một dịp khác.
Tình cảm trong gia đình tôi thay đổi có lẽ là từ khi tôi xem thêm tin tức trên TV và phát hiện ra trên cả nước có rất nhiều trường hợp phụ huynh vất vả dùng tiền tiết kiệm nuôi con nhưng đến khi về già lại bị chúng bỏ mặc, sống những tháng ngày cuối đời trong vất vả và cay đắng.
Điều này khiến tôi bàng hoàng, làm sao giới trẻ lại có thể trở nên "vô cảm" như vậy? Dần dần, xung quanh tôi xuất hiện một vài người cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, nên lúc đó tôi bắt đầu lo lắng. Mình là một góa phụ già, nếu những năm cuối đời mà con cái không phụng dưỡng thì cuộc đời mình sẽ đi về đâu?
Để phòng ngừa tương lai tồi tệ đó, tôi đã bắt đầu kế hoạch tiết kiệm tiền để nghỉ hưu cho riêng mình. Tôi cảm thấy chỉ khi có tiền thì mình mới có được sự an toàn và có tiếng nói trong những năm cuối đời của tôi. Thế là tôi trở nên khắt khe với các con. Tôi cho rằng chúng đã đến tuổi tự lập, đã đủ lông đủ cánh để tự chăm lo cho bản thân mình nên từ đó, tôi không bao giờ bỏ ra một xu nào cho chúng, dù cho chúng gặp phải bất kỳ vấn đề gì.
Kế hoạch nghỉ hưu "gay gắt"
Khi ấy hai đứa nó vừa tốt nghiệp, tỏ ra hiểu chuyện và đồng ý rằng đã đến lúc phải bắt đầu cuộc sống tự lập. Nhưng sau vài năm lăn lộn trong công việc, nếm trải cuộc sống, chúng dần thay đổi, cho rằng tôi quá ích kỷ và đã mất đi tình cảm dành cho những đứa con của mình.
Con gái tôi vốn rất độc lập, nên con bé chưa bao giờ cần điều gì hơn là tiêu xài những đồng lương của mình. Nhưng con trai tôi thì khác. Mỗi khi cần tiền, nó đều đến tìm tôi. Khi mới đi làm, nó muốn tôi mua cho một bộ đồ hàng hiệu, một chiếc xe máy để có thể đi làm… Khi tôi từ chối, nó lại than thân trách phận và tự so sánh gia cảnh của bản thân với những nhà khác, luôn mồm hỏi tại sao tôi lại keo kiệt và không hề quan tâm đến con cái của mình.
Nhưng những lời nói của con trai tôi không thay đổi được quyết định của tôi, bởi sau khi nghe quá nhiều trường hợp đau đớn trong những năm cuối đời, thậm chí tận mắt nhìn thấy nó từ những người xung quanh, thêm vào đó là thái độ của các con đối với tôi sau khi chúng bắt đầu đi làm, tôi càng cảm thấy rằng tôi chắc chắn chỉ có thể tự dựa vào bản thân trong những năm tháng sau này.
Vì vậy, tôi rất khắt khe với những đứa con đã trưởng thành của mình, đặc biệt là con trai tôi. Sau khi học xong, đi làm hơn một năm, con muốn tiếp tục học lên liên thông để thi nghiên cứu sinh. Tôi lại cảm thấy việc này quá tốn nhiều chi phí và muốn chọn một phương án khác.Vì vậy, con trai tôi bất đắc dĩ trở thành giáo viên tiểu học theo ý tôi.
Mấy năm sau đó, con trai tôi càng ngày càng ghét tôi. Vì tôi ngăn cản thi nghiên cứu sinh nên giờ con không có đủ trình độ, không thể được đảm nhận chức chủ nhiệm, chỉ có thể làm giáo viên bộ môn, nhận lương theo tiết và có rất ít cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
Nghe những lời này của con trai, tôi cũng cảm thấy vô cùng tức giận: "Con đã lớn rồi thì phải biết tự lo cho cuộc sống của mình. Hồi đó mẹ không bảo lãnh cho con học lên, nhưng bây giờ con đã đi làm hai ba năm và có tiền, sao con không tự học tự thi! Tại sao con lại oán trách mẹ?"
Sau này, con gái tôi kết hôn và gia đình thông gia đã tặng tôi một món quà trị giá 200.000 nhân dân tệ. Khi con trai tôi thấy nhiều tiền như vậy, nó bỗng trở nên hiếu thảo với mong muốn tôi mua cho nó một căn nhà. Nó nói rằng như vậy là để có thể thuận lợi tìm bạn gái rồi kết hôn và sinh con. Và tất nhiên tôi lại từ chối mong muốn ấy.
Vì con trai tôi từ khi đi làm đến nay không mấy khi đưa tiền cho tôi, lại luôn ăn bám tôi, vì vậy tôi chắc chắn sau này mình sẽ không thể dựa nhiều vào nó. Hơn nữa, căn nhà chúng tôi ở lúc đó khá rộng, thậm chí có thể đủ chỗ cho con dâu và hai, ba đứa cháu, tại sao lại phải bỏ ra nhiều tiền như vậy để mua một căn nhà bên ngoài? Thật là lãng phí!
Tôi lạnh lùng nói với con trai mình: "Chuyện đại sự của bản thân, con phải tự mình giải quyết."
Con trai tôi rất giận tôi vì chuyện này. Vì vấn đề tài chính, nó không dám yêu đương và mãi đến 32 tuổi mới có thể kết hôn rồi lập tức chuyển ra ngoài. Sau này, con trai tôi cũng ít liên lạc với tôi. Khoảng cách liên lạc cứ ngày một tăng lên. Một năm hai lần, rồi hai năm một lần, rồi chúng tôi dừng như cắt đứt quan hệ với nhau. Tôi không liên lạc với nó và nó cũng không liên lạc với tôi.
Khi đó tôi vẫn còn cương quyết với quyết định của bản thân. Nếu bây giờ không ích kỷ tiết kiệm tiền thì những năm khi về già tôi sẽ phải nếm trải sự đau khổ cùng cực kém với nỗi bất lực đắng cay.
Cuộc đời dội gáo nước lạnh
Tuy nhiên, nhiều năm sau, tôi cảm thấy như bị cuộc đời dội cho một gáo nước lạnh. Những người xung quanh tuy không nhiều của ăn của để, nhưng họ vẫn sống vô cùng hạnh phúc với sự chu cấp của con hiền cháu thảo. Còn tôi, tuy tiền đầy túi nhưng chẳng có nấy một bóng người bên cạnh, quanh năm suốt tháng chỉ làm bạn với sự cô đơn.
Tôi vẫn ổn với cuộc sống một mình này, cho đến năm 69 tuổi. Tôi không may bị ngã khiến nửa thân dưới bị liệt, suốt quãng đời còn lại phải sống dựa vào người khác. Con trai tôi tuy cũng rất quan tâm đến tôi, nhưng vì phải chăm lo cho cuộc sống của riêng mình, chỉ có thể chăm sóc tôi được vài ngày rồi bảo tôi tự tìm một bảo mẫu về chăm sóc cho mình. Tôi muốn được con cháu mình chăm sóc, thậm chí đề nghị một nửa số tiền tiết kiệm của mình, nhưng nhận lại được câu trả lời:"Không phải mẹ nói rằng mẹ tiết kiệm tiền để nghỉ hưu sao? Chẳng phải đã đến lúc mẹ phải dùng số tiền đó để tự chăm lo cho mình sao?"
Tôi từng nghĩ số tiền tiết kiệm đó đủ để tôi có thể tự lo cho bản thân cho đến cuối đời. Nhưng sau sự cố ấy, tôi lập tức cảm thấy số tiền đó căn bản là quá ít ỏi. Thuê một bảo mẫu ở nhà mỗi tháng tốn 5.000 nhân dân tệ, tương đương 60.000 nhân dân tệ một năm, 400.000 nhân dân tệ tiết kiệm của tôi nhiều nhất chỉ có thể dùng được 7 năm, như vậy là không đủ.
Không còn lựa chọn nào khác, tôi chọn vào viện dưỡng lão và sống cùng một nhóm người già bị liệt. Bởi vì loại viện dưỡng lão này chỉ tốn 4.000 nhân dân tệ một tháng, lại có thể cung cấp thức ăn và chỗ ở. Với tiền lương hưu và tiền tiết kiệm, tôi có thể sống sót ít nhất mười năm.
Mặc dù được đưa vào viện dưỡng lão và cuộc sống vẫn diễn ra bình thường nhưng trong lòng tôi vẫn không hề có một chút hạnh phúc nào. Hàng ngày, tôi phải ăn ngủ đúng giờ, không có cơ hội chuyện trò giao tiếp vì xung quanh cũng toàn là những người già không thể tự chăm sóc bản thân hoặc đang mắc bệnh tật. Cuộc sống tù túng ấy khiến cõi lòng tôi quạnh hiu.
Trong ba năm ở viện dưỡng lão, tôi không khi nào ngưng hối hận về ý định tiết kiệm tiền để nghỉ hưu của bản thân. Nếu có cơ hội làm lại, tôi chắc chắn sẽ không chọn phương án này.
Kết luận:
Ở tuổi già, có tiền cũng quan trọng nhưng việc gắn kết gia đình với con cái cũng quan trọng không kém. Chúng ta có thể học cách tự nuôi sống bản thân khi về già, nhưng chúng ta không nên hủy hoại mối quan hệ của chúng ta với con cái.
Không ai có thể trải qua cuộc đời này một mình, nhất là khi về già, sự bầu bạn của gia đình còn quý hơn tất cả tiền bạc trên thế gian. Có người cho rằng có tiền có thể mua được những dịch vụ chu đáo hơn lòng hiếu thảo của con cái, nhưng sự chăm sóc dựa trên lợi ích vật chất không có tình cảm sẽ chỉ khiến cuộc đời chúng ta trở nên thật vô nghĩa.