Bà lão 79 tuổi, chưa rõ danh tính, được xác định ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Mỗi ngày, vào khoảng 10 giờ, bà đều đặn tới một nhà ga đường sắt ở Hàng Châu để xin tiền.
Bà cụ 79 tuổi đều đặn tới một nhà ga đường sắt ở Hàng Châu để xin tiền. Ảnh: SCMP
Ban quản lý nhà ga này đã cảnh báo các hành khách rằng: “Bà lão xin tiền đang sống trong một gia đình giàu có và mọi người đừng tin vào câu chuyện của bà ấy”.
Người tiết lộ sự thật chính là con trai của bà. Hôm 28/10, anh này đã trả lời phỏng vấn của hãng tin Qianjiang Evening News rằng, người mẹ 79 tuổi của anh đang có một tài khoản trong ngân hàng gần nhà ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang.
Anh cũng cho biết thêm, gia đình mình đang sở hữu một nhà máy, sống trong một ngôi biệt thự 5 tầng, có tầng 1 được cho thuê vớI giá 7.200 USD (khoảng 170 triệu đồng/năm).
Biệt thự 5 tầng - nơi bà cụ đanh sinh sống cùng các con. Ảnh: SCMP
Tuy vậy, mẹ của anh vẫn không muốn dừng công việc ăn xin của mình vì bà luôn mong muốn mỗi ngày được đến nhà ga ăn xin để tiết kiệm tiền thuê một người giúp việc cho sau này, Qianjiang Evening News đưa tin
Trong đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội, cụ bà nói: “Tôi chỉ muốn bán bản đồ tại nhà ga, nhưng họ không cho tôi. Tôi chỉ muốn có một chút tiền”.
Trên trang blog Weibo, nhiều người cho biết, họ đã thấy thông báo của ban quản lý nhà ga và đây là thông báo rất hữu ích.
Một số người còn chỉ trích bà lão vì không biết xấu hổ và không biết trân trọng cuộc sống tốt đẹp của mình.
Cũng theo con trai của bà lão, vào lúc 10 giờ mỗi ngày bà đều đặn tới nhà ga và nói với con cái rằng đi bán bản đồ, nhưng anh đã bất ngờ phát hiện ra thực tế, người mẹ của mình đang đi ăn xin.
Sau khi phát hiện sự thật, anh này muốn gửi mẹ về quê nhà Thặng Châu, cách Hàng Châu khoảng 1 giờ lái xe nhưng anh vẫn phân vân vì sợ không có ai chăm sóc bà.
Theo thống kê, 1/4 dân số Trung Quốc dự kiến sẽ ở độ tuổi trên 60 vào năm 2030, khi tỷ lệ sinh và tỷ lệ hôn nhân tiếp tục giảm.
Mặc dù chính sách một con đã kết thúc vào năm 2016, nhưng 17,58 triệu trẻ em được sinh ra ở Trung Quốc năm 2017 - so với 241 triệu người trên 60 tuổi vẫn là một sự chênh lệch rõ ràng.
Vì thế, dân số già cũng là thách thức đối với các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi của Trung Quốc, đặc biệt đối với những người từ 80 tuổi trở lên có các chứng bệnh về sa sút trí tuệ.