Thương yêu người hàng xóm như anh em trong nhà
Bà Lý (73 tuổi) sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ ở Nam Ninh, Trung Quốc. Kể từ khi lập gia đình, bà được bố mẹ cho mảnh đất ngoài đường lớn. Sau khoảng 10 năm đi ở thuê, cuối cùng vợ chồng bà cũng gom góp đủ tiền để xây dựng được ngôi nhà 3 tầng.
Sau một thời gian, bà Hương Thảo chuyển đến căn nhà bên cạnh. Từ đó, 2 gia đình trở nên thân thiết và coi nhau như anh em ruột thịt.
Theo lời kể của cụ bà 73 tuổi, bà Hương Thảo chỉ có một mình và không có con cái. Thỉnh thoảng, họ chỉ thấy một vài người anh em họ hàng đến hỏi thăm. Không có ai để dựa vào nên mỗi khi đau ốm, người chăm sóc bà chính là vợ chồng bà Lý.
Như thời điểm năm 2020, cụ bà này không may bị trượt chân ngã trong nhà tắm. Người phát hiện và đưa bà đi cấp cứu kịp thời chính là vợ chồng người hàng xóm. Anh em của bà ở xa nên cũng chỉ hỗ trợ được về mặt tài chính. Việc chăm sóc từng bữa cơm giấc ngủ đều do gia đình bà Lý đảm nhận.
“Thậm chí, sau khi ra viện, tôi và ông xã vẫn đều đặn mang cơm sang cho bà cụ. Chiều chiều, tôi lại là người dìu bà đi dạo ở công viên để nhanh phục hồi”, bà Lý kể lại kỷ niệm.
Sau khi gặp phải chấn thương đó, sức khỏe của bà Hương Thảo dần suy yếu. Bà cụ sống thêm được khoảng 2 năm thì qua đời.
Chẳng phải ai giao phó, vợ chồng bà Lý lại tiếp tục chăm lo hậu sự cho người hàng xóm thân thiết. Sau khi lễ tang hôm đó kết thúc, bà nhận được lời mời của luật sư tham gia cuộc họp gia đình nhằm chia tài sản của bà Hương Thảo.
Trong suy nghĩ của vợ chồng bà Lý, hai người chăm sóc người hàng xóm không phải vì bất kỳ lợi ích gì phía sau. Tất cả đều xuất phát từ lòng thương người. Nên họ cũng không hy vọng sẽ nhận được tài sản thừa kế của bà cụ. Hơn hết, sau thời gian gắn bó đủ lâu, bà Lý biết cụ bà Hương Thảo cũng chẳng có tài sản gì quá lớn lao. Nếu có chắc chắn bà ấy sẽ thuê bảo mẫu để hỗ trợ.
Tuy nhiên, khi tham gia vào cuộc họp chia tài sản ngày hôm đó, vợ chồng bà Lý vô cùng ngỡ ngàng khi thấy tên mình trong di chúc. Bà cụ ghi rõ trao tặng cuốn sổ tiết kiệm 1.000 NDT (khoảng 3,5 triệu đồng) cho gia đình người hàng xóm.
Sau buổi ngày hôm đó, vợ chồng bà Lý được luật sư đưa lại cuốn sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, bà chỉ cầm về và cất trong tủ chứ không mở ra kiểm tra bên trong thực sự có bao nhiêu tiền.
Cho đến 1 năm sau, 2023, đến ngày giỗ đầu của bà Hương Thảo, vợ chồng bà Lý mong muốn rút hết số tiền trong sổ tiết kiệm nhằm đóng góp cùng gia đình để lo chuyện cỗ bàn.
Cuốn sổ tiết kiệm với giá trị bất ngờ
Hôm đó, vợ chồng bà đến ngân hàng từ sáng sớm. Ngay khi đến lượt, 2 người yêu cầu giao dịch viên tất toán toàn bộ số tiền trong sổ. Người này vì tò mò nên đặt câu hỏi: “Gia đình 2 bác có việc gì mà phải rút số tiền lớn đến như vậy?”
Bà Lý tỏ ra khó hiểu. Bởi bà vẫn đinh ninh rằng số tiền trong sổ tiết kiệm chỉ có vỏn vẹn 1.000 NDT. Nếu tính cả lãi, số tiền cũng không lớn đến nỗi giao dịch viên này phải ngạc nhiên đến vậy.
Nhận thấy câu chuyện của mình không có gì phải giấu giếm, bà Lý chia sẻ sự thật. Khi bà khẳng định trong sổ tiết kiệm này chỉ có 1.000 NDT, nữ nhân viên ngân hàng đã phải tiến hành kiểm tra lại thông tin một lần nữa. Cô khẳng định trong sổ tiết kiệm này có đến 100.000 NDT (khoảng 350 triệu đồng).
Khi thấy bà Lý hoài nghi, người này đã xác nhận lại toàn bộ thông tin. Cô còn đưa lại cuốn sổ cho bà kiểm tra. Con số được ghi trong sổ là 100.000 NDT chứ không phải 1.000 NDT.
Cho đến lúc này, vợ chồng bà Lý mới ngỡ ngàng và thực sự hiểu về người hàng xóm năm xưa. Sau khi trở về nhà, bà Lý có kể câu chuyện này cho một vài người anh em của bà cụ hàng xóm. Mọi người cho rằng vào thời điểm cuối năm 2022, bà Hương Thảo nhận được tiền đền bù đất. Thay vì bỏ ra tiêu xài, bà đã chia đều số tiền này cho những người anh em thân thiết đã giúp đỡ mình trong lúc khó khăn. Mặc dù nội dung di chúc đề cập mỗi người chỉ nhận được vài nghìn NDT. Song thực tế, số tiền trong những cuốn sổ tiết kiệm của mọi người lại lên đến vài trăm nghìn NDT. Nam luật sư giúp đỡ bà Hương Thảo lập di chúc cho biết đây là ý đồ của bà cụ. Có lẽ, bà cụ cho rằng với số 1 tiền nho nhỏ, mọi người sẽ không cảm thấy ngại ngần khi được nhận. Dù sao, đó là món quà cuối cùng mà bà trao lại cho những người thân đã từng giúp đỡ, ở bên cạnh mình lúc khó khăn, đau yếu.
(Theo Toutiao)