AFP dẫn lời người phát ngôn David Tavella của viện dưỡng lão ở Toulon (Pháp) cho biết người cao tuổi nhất thế giới, nữ tu người Pháp Lucile Randon, đã qua đời trong giấc ngủ ở tuổi 118.
"Điều này mang đến nỗi buồn to lớn, nhưng bà ấy muốn được đoàn tụ với người anh trai yêu quý của mình. Đối với bà ấy, đây là một sự giải thoát", ông Tavella thuộc viện dưỡng lão Sainte-Catherine-Laboure cho biết.
Nữ tu sĩ Lucile Randon, hay Sơ Andre, sinh ngày 11/2/1904 tại Ales, miền nam nước Pháp. Đây là năm New York khai trương tuyến tàu điện ngầm đầu tiên và giải Tour de France mới tổ chức một lần. Bà lớn lên trong một gia đình theo đạo Tin lành và là con gái duy nhất trong số 3 người anh em.
Sơ André được Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới phong tặng danh hiệu người cao tuổi nhất thế giới ở tuổi 118 - SHUTTERSTOCK
Sau khi bà Kane Tanaka ở Nhật Bản qua đời ở tuổi 119 vào năm ngoái, sơ Andre trở thành người lớn tuổi nhất trên thế giới. Kỷ lục Guinness Thế giới chính thức công nhận điều này vào tháng 4/2022.
Bà Randon từng làm gia sư ở Paris -cho con cái của những gia đình giàu có, và bà xem đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong đời.
Dù bị mù và phải ngồi xe lăn, bà Andrea vẫn luôn quan tâm những người già khác, vì với bà đó chính là niềm vui. Mỗi sáng, bà Andrea đều được nữ tu sĩ Therese, gần 89 tuổi đưa đến nhà nguyện. Sơ Therese nói bà Andre có "sứ mệnh phục vụ người khác" và đức tin đó giúp bà ấy tiếp tục sống thọ.
Thường ngày, sơ Andre thường thực hiện các hoạt động như cầu nguyện, tiếp đón người thăm hỏi, cũng như nhận và trả lời thư của nhiều người gửi tới.
Sơ André đã vượt qua bệnh Cúm Tây Ban Nha năm 1918 và đã kiên cường chống chọi sau khi mắc Covid-19 vào năm 2021, trở thành biểu tượng hy vọng cho mọi người dân trên toàn thế giới.
Đáng nói, khi còn sống, bà luôn từ chối yêu cầu kiểm tra mẫu ADN hoặc mẫu tóc và nói rằng "chỉ có Chúa mới biết" bí mật trường thọ của bà.
Khi nói về bí quyết sống thọ, sơ Andre chia sẻ "người ta nói rằng làm việc gây tổn hại sức khỏe, nhưng với tôi, làm việc giúp tôi sống thọ". Bà từng cho biết vẫn làm việc khi ở độ tuổi 108.
Ngoài ra, món ăn mà sơ yêu thích cũng là một trong những yếu tố giúp sơ duy trì sự dẻo dai. Đó chính là rượu vang và socola.
Có thể nói, sơ Andre là bằng chứng sống, mà một số nghiên cứu trong nhiều năm đã cho thấy, những lợi ích tuyệt vời của việc uống rượu vang và sô cô la ở mức độ vừa phải.
Rượu vang
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng rượu vang, đặc biệt là rượu vang đỏ được làm từ nho sẫm, có được những lợi ích sức khỏe từ chất chống oxy hóa. Những chất chống oxy hóa này làm giảm căng thẳng oxy hóa trong cơ thể - có liên quan đến nhiều bệnh, bao gồm ung thư và bệnh tim. Uống một ly rượu vang mỗi ngày cũng có thể giữ cho tinh thần nhạy bén ở tuổi già.
Rượu vang và sô cô la là hai món ăn được cụ bà yêu thích - Ảnh minh họa
Mặc dù uống rượu có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, nhưng quá nhiều sẽ có hại cho sức khỏe, nhất là gây hại cho tim, vì vậy nên uống vừa phải.
Sô cô la
Sô cô la, đặc biệt là sô cô la đen, cũng là một nguồn chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Đặc biệt, hàm lượng flavonoid phong phú từ ca cao trong sô cô la chính là hoạt chất có lợi cho sức khỏe. Nên sô cô la đen với hàm lượng ca cao cao, thường từ 72% trở lên, là tốt nhất.
Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan giữa việc tiêu thụ sô cô la vừa phải và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường loại 2.
Tuy nhiên, ăn quá nhiều sô cô la đen có thể dẫn đến tăng nhịp tim, tiêu chảy, lo lắng và mất nước. Người nhạy cảm với caffeine hoặc bị huyết áp cao, nên tránh tiêu thụ quá nhiều sô cô la đen.
Điều thú vị là cụ bà Jeanne Louise Calment, người giữ kỷ lục người già nhất từ trước đến nay và cũng là người từng khiến sơ Andre muốn đánh bại cũng rất thích rượu vang và sô cô la. Bà thọ 122 tuổi 164 ngày.