CPTPP: Dùng chất bù cho lượng và bỏ ngỏ cánh cửa "chờ" Mỹ trở về

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Thỏa thuận TPP đã được định đoạt trong kì APEC vừa qua dưới cái tên CPTPP, đánh dấu bước chuyển mình của các nền kinh tế, dần vươn lên thế tự chủ hơn là phụ thuộc vào nước lớn.

Hội nghị cấp cao APEC Đà Nẵng vừa qua không chỉ định hướng hoạt động và phát triển cho khuôn khổ diễn đàn này trong tương lai mà còn quyết định số phận của thoả thuận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ không còn tham gia nữa. 

Sau nhiều năm đàm phán, TPP được 11 nước và Mỹ ký kết năm ngoái nhưng chưa có hiệu lực chính thức. Ba ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút nước Mỹ khỏi TPP, đặt 11 nước kia trước sự lựa chọn giữa tiếp tục hay huỷ bỏ TPP. 

Huỷ bỏ thì dễ chứ duy trì TPP mới là chuyện lớn và khó. 

Thêm rượu mới nhưng không bỏ rượu cũ

Bên lề hội nghị cấp cao nói trên tại APEC, 11 nước này đã nhất trí duy trì ý tưởng và nội dung cơ bản của TPP, làm định hướng và cốt lõi cho thoả thuận mới về mậu dịch tự do và liên kết châu lục với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Bình mới không chỉ để đựng rượu cũ mà còn cho cả rượu mới.

Rượu cũ ở đây là những nội dung cơ bản nhất của TPP cũ. Rượu mới ở đây là một số điều chỉnh nhằm vừa nâng cao chất lượng của thoả thuận vừa tạo điều kiện cho việc thích ứng hoá với tình thế mới là không còn có sự tham gia của Mỹ nữa. 

Ở đây bộc lộ rất rõ chủ ý và quyết tâm của 11 nước này là tiếp tục kiên định thúc đẩy quá trình tự do hoá thương mại, hợp tác và liên kết ở châu lục, kể cả khi không có sự tham gia của Mỹ. 

CPTPP: Dùng chất bù cho lượng và bỏ ngỏ cánh cửa chờ Mỹ trở về - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại APEC Đà Nẵng 2017

Nhưng đồng thời, các nước cũng muốn tạo điều kiện để Mỹ có thể trở lại bất kỳ lúc nào mà không bị coi là yếu thế và cảm nhận bị mất thể diện. Tóm lại là, vừa không để phụ thuộc vào Mỹ vừa để ngỏ cho sự tham gia trở lại của Mỹ. 

Cách tiếp cận và định hướng như thế là đúng đắn và cần thiết, rất nguyên tắc mà đồng thời linh hoạt chứ không cứng nhắc. 

Qua những phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump ở Tuần lễ Cấp cao APEC Việt Nam liên quan đến vận dụng phương châm và khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, chính trị và an ninh với bên ngoài, có thể dự liệu được rằng một khi thấy CPTPP có lợi cả cho Mỹ thì Mỹ sẽ lại tham gia. 

Ngoài ra, nếu muốn "Giấc mơ Ấn Độ - Thái Bình Dương" trở thành sự thật thì đối với ông Trump việc tham gia hoặc ít nhất có mức độ và hình thức hợp tác nào đấy với CPTPP sẽ có lợi hơn nhiều so với đứng ngoài hoặc đối nghịch với CPTPP.

Luồng sinh khí mới có tên CPTPP

Ở Đà Nẵng, CPTPP mới được khởi xướng và 11 thành viên còn lại phải gấp rút hoàn thành nhiều công chuyện để thoả thuận có thể được sớm chính thức ký kết. 

Không còn có sự tham gia của Mỹ, 11 thành viên này đương nhiên không thể duy trì TPP như đã được thoả thuận. 

CPTPP: Dùng chất bù cho lượng và bỏ ngỏ cánh cửa chờ Mỹ trở về - Ảnh 2.

Nguyên thủ các quốc gia trong bức ảnh kỉ niệm tại tuần lễ cấp cao APEC

CPTPP là thoả hiệp giúp những bên tham gia vừa có thể tự do giao thương với nhau vừa không bị cản trở hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương của từng bên với Mỹ trong thời gian tới. 

Đó chính là điểm cái mấu chốt buộc các bên phải có "bình mới" và phải có cả "rượu mới lẫn rượu cũ". Chọn bình mới là chuyện dễ còn pha thêm rượu mới mà không làm hỏng rượu cũ mới là chuyện khó. 

Không có gì là khó hiểu và cũng không thể phê trách được gì khi các nước tham gia CPTPP trong quá trình đàm phán luôn phải để ý đến lợi ích riêng trong quan hệ hợp tác với Mỹ và Trung Quốc.

Không có sự tham gia của Mỹ, CPTPP đương nhiên không thể bằng TPP cũ về phạm vi địa lý, quy mô thị trường, tiềm lực kinh tế và khối lượng trao đổi thương mại. 

CPTPP: Dùng chất bù cho lượng và bỏ ngỏ cánh cửa chờ Mỹ trở về - Ảnh 3.

Chính vì thế, CPTPP phải dùng chất bù cho lượng, dùng hiệu quả thiết thực lâu bền cả trong tương lai, cân đối cho những hạn chế hiện tại, không phải là thay thế TPP đơn thuần mà là sự phát triển TPP lên tầm vóc mới với chất lượng mới.

Giống như APEC, CPTPP sau khi có hiệu lực và được triển khai thực hiện hiệu quả sẽ tạo động lực mới và trở thành chiếc "hàn thử biểu" mới cho mức độ hợp tác và liên kết châu lục. 

Không ít người trên thế giới cho rằng với việc rút khỏi TPP, Mỹ đã đẩy các đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ra xa Mỹ và gần về phía Trung Quốc. 

Sự ra đời của CPTPP cho thấy không phải hoàn toàn như vậy mà đúng hơn là đã đẩy các đối tác vào tình thế phải tự tin và vững tâm hơn trong việc tự quyết định lấy tương lai của họ, nỗ lực hơn để gây dựng các mối quan hệ hợp tác bình đẳng và cùng có lợi chứ không phải bị lệ thuộc và chi phối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại