Virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm phổi cấp (COVID-19) có khả năng sống sót sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài, một nhóm nhà khoa học của Pháp kết luận trong nghiên cứu mới được công bố gần đây.
Cụ thể, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), nhóm nghiên cứu của Giáo sư Remi Charrel tại trường Đại học Aix-Marseille, miền Nam nước Pháp, đã thử cho virus SARS-CoV-2 vào môi trường lên đến 60 độ C trong vòng 1 giờ đồng hồ, và phát hiện ra một số chủng vẫn có khả năng nhân bản sau khoảng thời gian này.
Sau đó, các nhà khoa học đã phải tăng nhiệt độ lên gần với điểm sôi thì mới có thể tiêu diệt hoàn toàn loại virus này, theo nghiên cứu được đăng tải trên trang bioRxiv.org hôm thứ 7 tuần trước.
Vật thí nghiệm là tế bào thận của loài khỉ Chlorocebus sabaeus (Khỉ Xanh) - vật chủ tiêu chuẩn trong các thí nghiệm virus. Nhóm nhà khoa học Pháp đã nuôi cấy mẫu virus SARS-CoV-2 được lấy từ một bệnh nhân ở Berlin, Đức trên tế bào này, sau đó đưa vào 2 ống nghiệm biểu trưng cho 2 môi trường "sạch" và "bẩn". Ống nghiệm "bẩn" có chưa một số protein của động vật để mô phỏng môi trường mẫu gạc họng trong thực tế.
Sau khi các nhà khoa học nung nóng ống nghiệm ở nhiệt độ 60 độ C, virus trong ống nghiệm "sạch" đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn; trong khi mẫu virus trong ống nghiệm "bẩn" vẫn sống sót dù khả năng lây nhiễm giảm đi, và một số chủng tiếp tục sinh sôi.
Thông qua nghiên cứu này, các nhà khoa học Pháp đã cảnh báo về việc đảm bảo điều kiện an toàn trong các phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu về virus SARS-CoV-2.
Được biết, thí nghiệm tăng nhiệt lên 60 độ C trong vòng 1 giờ từng được tiến hành tại nhiều phòng thí nghiệm để tìm ra cách vô hiệu hóa nhiều loại virus nguy hiểm, trong đó có virus Ebola.
Đối với virus SARS-CoV-2, nhóm nghiên cứu người Pháp đã phát hiện ra rằng loại virus này cần đến nhiệt độ cao hơn, ví dụ như nung nóng ống nghiệm tới 92 độ C trong vòng 15 phút, thì mới có thể bị vô hiệu hóa hoàn toàn.
Tuy nhiên, nhiệt độ cao có thể làm gãy RNA của virus corona và làm giảm độ chính xác của thí nghiệm. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu cho rằng việc sử dụng các chất hóa học để tiêu diệt virus SARS-CoV-2 sẽ phù hợp hơn so với dùng nhiệt.
Hình ảnh 3D của virus SARS-CoV-2 dưới kính hiển vi. Ảnh: Shutterstock
"Hồi chuông cảnh báo"
Một chuyên gia về sinh vật học đang nghiên cứu về virus corona tại Học viện Khoa học Trung Quốc, thuộc thành phố Bắc Kinh, cho biết các cơ sở xét nghiệm của Trung Quốc đã nhận thức được rủi ro này, và đã trang bị đồ bảo hộ cho các nhân viên phòng thí nghiệm. Các nhân viên phải mặc đồ bảo hộ ngay cả khi virus đã bị vô hiệu hóa.
Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Pháp đã cho thấy hoạt động của virus SARS-CoV-2 có thể phức tạp hơn nhiều so với những kết quả nghiên cứu từng được công bố trước đó. "Loại virus này hoạt động rất khác khi môi trường thay đổi. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tiến hành thí nghiệm để tìm lời giải đáp", theo chuyên gia người Trung Quốc.
Một số chuyên gia từng bày tỏ hy vọng rằng virus SARS-CoV-2 sẽ suy yếu khi thời tiết ở Bắc Bán Cầu nóng lên, tuy nhiên suy đoán này vẫn chưa được kiểm chứng.
Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu Trung Quốc từng báo cáo về một trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 sau khi đến nhà tắm hơi công cộng ở Giang Tô đã khiến 8 người khác, bao gồm 1 nhân viên, từng có mặt ở đó nhiễm bệnh. Môi trường ở nhà tắm hơi thường có nhiệt độ cao hơn 40 độ C và độ ẩm trung bình khoảng 60%
Mặc dù không có bằng chứng hình ảnh cho thấy những người này bị nhiễm bệnh thông qua giọt bắn, tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, đây vẫn là một "hồi chuông cảnh báo" trong cuộc chiến chống COVID-19, theo SCMP.