Covid-19: Nhật ráo riết chiến lược "khủng", mở thế cờ đoạt lại Quần đảo Kuril khi Nga "sa cơ"

Quang Huy |

Nội các thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã thông báo về chương trình "Cứu trợ và phát triển" với tổng giá trị 110 nghìn tỷ yên (khoảng 1 nghìn tỷ USD), tương đương gần 20% GDP nước này.

Chương trình tái thiết hậu Covid-19 đầy tham vọng của Nhật

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vào đầu tháng 5 thông báo sẽ mua không hạn chế trái phiếu và tăng gấp đôi khả năng trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp và thương phiếu.

"Nền kinh tế đang ở trong tình trạng vẫn còn nhiều khó khăn vì sự lây lan của virus corona ở trong nước và trên thế giới," BoJ nêu trong thông cáo của mình.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến đại dịch Covid-19 từ ngày 6/4, tuy nhiên so với các biện pháp hạn chế gắt gao tại nhiều nước trên thế giới - bao gồm cấm đi lại, giờ giới nghiêm, và chế tài nặng, thì ở Nhật Bản việc tự cách ly là điều hoàn toàn tự nguyện. Nhờ đó mà phần lớn các công ty "hoạt động như bình thường".

Theo Reuters, việc các nhà máy đóng cửa và hoạt động không đủ công suất ở nước ngoài đang tác động hủy diệt đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa của Nhật Bản, mà về phần mình, đang phải cắt giảm hoặc dừng hoàn toàn hoạt động sản xuất.

Nội các thủ tướng Abe đã thông báo về chương trình "Cứu trợ và phát triển" với tổng giá trị 110 nghìn tỷ yên (khoảng 1 nghìn tỷ USD), tương đương gần 20% GDP nước này, trong đó chỉ 113 tỷ USD là chi cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, gồm hỗ trợ các cá nhân và trợ cấp cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Ngân sách còn lại gần 0.9 nghìn tỷ USD được dự kiến sẽ tập trung vào phát triển kinh tế của Nhật Bản.

Báo Svobodnaya Pressa (Nga) cho hay, tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng chi khoảng 26 nghìn tỷ rúp (tương đương 339 tỷ USD) cho tất cả các chương trình quốc gia, và dường như ít có khả năng cải thiện đời sống hay cơ sở hạ tầng như nhiều người mong đợi. Quy đổi theo tỷ giá hiện nay, khoản ngân sách này chỉ chiếm khoảng 40% so với "tham vọng của ông Abe".

Sự khác biệt không nằm ở lộ trình triển khai kế hoạch mà Moskva đề ra là trong 5 năm, so với Nhật Bản là 3 năm, mà ở việc Nhật sẵn sàng triển khai công cuộc hiện đại hóa ngay lập tức sau khi kết thúc tình trạng khẩn cấp - có khả năng ngay sau ngày 31/5 tới.

Covid-19: Nhật ráo riết chiến lược khủng, mở thế cờ đoạt lại Quần đảo Kuril khi Nga sa cơ - Ảnh 2.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters)

Cơ hội để Nhật Bản thoát phụ thuộc Trung Quốc

Tại thị trường ngoài nước, tất cả các phân khúc đã được lấp đầy: Người Trung Quốc, người Đức, người Mỹ và “những con rồng” châu Á sẽ bảo vệ từng cm miếng bánh của mình. Để hất cẳng ai đó ra là điều vô cùng khó khăn, trước tiên, vì cấu trúc phân bổ lao động toàn cầu hiện nay và sự cân bằng chính trị.

Mặt khác, SP đánh giá, những nỗ lực kích cầu tại Nhật Bản có thể sẽ thất bại với tính nhất quán đáng kinh ngạc. Người Nhật không muốn và/hoặc không thể là những kẻ nghiện mua sắm: Có ý kiến cho rằng điều này là do tâm lý, cũng có lý giải rằng giá nhà ở đắt đỏ khủng khiếp tại Nhật không cho phép biến nơi cư trú thành những nhà kho chứa hàng hóa thừa thãi - như ở Mỹ.

Bên cạnh đó, thủ tướng Shinzo Abe - thông qua các gói kích thích khác nhau - vẫn có thể bảo đảm tăng trưởng GDP dù không quá cao của nền kinh tế đang trì trệ gần 2 thập kỷ trước đó.

Theo dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), học thuyết kinh tế của thủ tướng Nhật - được gọi là Abeconomics - được đón nhận khá cởi mở trong và ngoài nước, bảo đảm cho người đứng đầu chính phủ Nhật được cử tri ủng hộ dài hạn. Vấn đề không chỉ nằm ở việc giữ ổn định đồng yên, mà còn trong sự hỗ trợ nhằm vào các lĩnh vực một cách có định hướng.

Vì những tác nhân kể trên, chiến lược của thủ tướng Abe chỉ có thể thành công trong trường hợp nền kinh tế toàn cầu được tái cơ cấu sau đại dịch. Nói cách khác, về bản chất Nhật Bản đang chi 0.9 nghìn tỷ USD cho nỗ lực thiết lập lại trật tự thương mại thế giới.

Trong bối cảnh đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra, Tokyo có thể đặt hy vọng vào thị phần mà Bắc Kinh bị mất đi. Việc rút khỏi sự hợp tác với Trung Quốc đã được nói đến từ rất lâu ở Nhật Bản, nhưng lợi ích và sức mạnh chính trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã kiềm chế các chính trị gia Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh những tranh chấp chủ quyền diễn ra gay gắt giữa hai nước.

Nhưng trong quý cuối cùng của năm 2019, GDP Nhật Bản sụt giảm 7.1% so với cùng kỳ do chịu ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung. Các chuyên gia của IMF nhận định, chính sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhật với Trung Quốc nhằm tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ ở Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trên.

Ngoài ra, tại Mỹ người ta tin rằng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc với tổng trị giá 180 tỷ USD (dữ liệu của năm 2018) đã thúc đẩy sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc, trước tiên trong lĩnh vực công nghiệp xe hơi và sản xuất điện thoại thông minh.

Danh sách những mặt hàng "Made in China", nơi sử dụng các chi tiết từ Nhật Bản, là khá lớn. Trong khuôn khổ chương trình tái công nghiệp hóa của mình người Mỹ dường như muốn nhờ đến Nhật Bản để kiểm soát thị trường tiêu thụ truyền thống Trung Quốc. Ngày nay, công nghệ robot hóa hiện đại đang cho phép Nhật thay thế dần lựa chọn về nguồn nhân công giá rẻ.

"Khi xảy ra động đất tại Fukusima, vụ tai nạn ở nhà máy điện nguyên tử đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng đối với tất cả các nhà sản xuất lớn trên thế giới, bao gồm công ty Apple. Gần như Nhật Bản đột nhiên mất năng lực, cả thế giới cảm nhận những hậu quả của điều này là hết sức đau đớn. Hiện giờ, không có quốc gia nào có thể tồn tại mà không tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Nhưng Nhật Bản, với những lĩnh vực công nghệ cao độc đáo lại là ngoại lệ," ông Ray Ahmed đến từ Đại học Cardiff (Anh) viết hồi năm 2011.

Covid-19: Nhật ráo riết chiến lược khủng, mở thế cờ đoạt lại Quần đảo Kuril khi Nga sa cơ - Ảnh 3.

Quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc đến nay vẫn là điểm khúc mắc then chốt trong quan hệ Nga-Nhật (Ảnh: TASS)

Nga không ổn khi Nhật trở nên hùng mạnh

Trung Quốc hiểu rõ hướng đi của Nhật Bản. 9 năm sau sự cố Fukusima, Trung Quốc gần như hoàn tất chương trình thay thế nhập khẩu, và trong trường hợp đối đầu với Washington và Tokyo cũng không làm cho ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa bị đình trệ.

Mỹ có thể áp đặt các biện pháp đối đầu về thương mại nhằm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, Made in China trong bất cứ tình huống nào sẽ rẻ hơn Made in USA và Made in Japan, bởi vậy kết cuộc của sự tái thiết thế giới mới vẫn khó đoán định.

Dù sao đi nữa, Washington và các đồng minh hoàn toàn kiên định với mục tiêu làm suy yếu và kiềm chế Trung Quốc - báo SP bình luận. Cuộc ẩu đả ầm ĩ này có vẻ đã bắt đầu, và đại dịch Covid-19 sẽ được Mỹ tận dụng tối đa.

Trung Quốc có nguồn dự trữ mạnh mẽ để tiếp tục phát triển mà thậm chí không cần hợp tác với Nhật Bản. Đó là thị trường nội địa khổng lồ với 1.4 tỷ dân. Thậm chí, nếu Mỹ và Nhật Bản sẽ triển khai kế hoạch đề ra, Trung Quốc trong bất cứ trường hợp nào cũng sẽ đứng vững.

Người Mỹ đang thừa nhận điều đó, khi áp dụng cụm từ “too big to fall” (quá lớn để sụp đổ) đối với Trung Quốc ngày nay.

Thế nhưng Nga lại dính “đòn”, thậm chí còn nặng hơn cả Trung Quốc. Là quốc gia phụ thuộc lớn vào thu nhập từ xuất khẩu năng lượng, Nga đang chịu thiệt hại kép từ tác động kinh tế của Covid-19 và giá dầu lao dốc do bất đồng với Saudi Arabia từ trước khủng hoảng.

Trung Quốc nhiều khả năng giảm bớt nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dầu mỏ, trong khi châu Âu từng bước chuyển sang nhập khẩu dầu của Saudi.

Tổn thất của Nga là cánh cửa cho Nhật Bản. SP cho hay, có quan điểm rất mạnh mẽ tại Nhật Bản nói rằng các nội các trước đây không tận dụng tốt "những cơ hội" có được vào đầu và giữa thập niên 1990 - khi Liên Xô tan rã và nền kinh tế nước Nga rơi vào một giai đoạn trì trệ nghiêm trọng, trong khi sức mạnh của Nhật từng ở đỉnh điểm của sự phát triển. Đây được cho là thời cơ tốt để Tokyo giành lại Quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc - địa bàn thuộc quyền kiểm soát của Moskva từ sau Thế chiến II, hiện là điểm nóng tranh chấp chủ quyền trong quan hệ Nga-Nhật.

Quan điểm trên khẳng định Nhật từng có cơ hội lớn để giành thắng lợi trên bàn đàm phán với Nga về vấn đề chủ quyền. Theo SP, có lẽ nội các của ông Abe đã tính tới phương án khi “cơ hội” lại rộng mở lần nữa: Nga lại suy yếu mạnh mẽ, còn Nhật Bản - ngược lại - đột ngột lớn mạnh.

Chiến lược tham vọng của thủ tướng Abe, và khả năng về hậu quả kinh tế mà Covid-19 gây ra cho nước Nga, được cho là đang đem tới viễn cảnh những thay đổi đáng kể trong cán cân đối thoại giữa Tokyo với Moskva.

Covid-19: Nhật ráo riết chiến lược khủng, mở thế cờ đoạt lại Quần đảo Kuril khi Nga sa cơ - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại