COVID-19: Giới chuyên gia bức xúc, gọi quyết định cắt tài trợ cho WHO của TT Trump là "thiển cận"

Hồng Anh |

Chính Tổng Giám đốc WHO cũng đã từng thừa nhận rằng việc tổ chức này phụ thuộc vào quá ít nhà tài trợ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, theo tạp chí khoa học ScienceMag.

Trong cuộc họp báo ngày hôm qua (14/4) tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ông sẽ ngừng tài trợ ngân sách hoạt động cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong khoảng thời gian 60-90 ngày quá trình đánh giá về phản ứng trước đại dịch COVID-19 của cơ quan này được tiến hành, theo tạp chí khoa học ScienceMag.

Cụ thể, sau khi WHO chỉ trích cách ông Trump phản ứng ở thời điể đại dịch COVID-19 mới bùng phát, nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ra quyết định trên cùng lời cáo buộc rằng tổ chức này đã "quản lý kém và che giấu sự lây lan của virus corona chủng mới", "tất cả mọi người đều biết điều gì đang diễn ra ở đó".

ScienceMag cho biết giới chuyên gia trên thế giới đã rất sốc và bức xúc trước quyết định này. Ông Devi Sridhar, chuyên gia về y tế toàn cầu tại Đại học Edinburgh, Vương quốc Anh, nhận định: "Quyết định thiển cận này sẽ là thảm họa đối với WHO. Hiện tại chúng ta cần WHO hơn bao giờ hết để hỗ trợ cho các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước có thu nhập thấp và trung bình".

Còn ông Jeremy Konyndyk, một nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, đồng thời từng là người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, thì cảnh báo rằng động thái của ông Trump sẽ phản tác dụng và "khiến nước Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung trở nên kém an toàn hơn".

"Đây rõ ràng là cái cớ để chính quyền Mỹ tẩy trắng những yếu kém, thất bại của chính họ" - ông Konyndyk nói.

Tuần trước, sau khi Tổng thống Trump đưa ra lời đe dọa sẽ cắt khoản tài trợ cho WHO, người đứng đầu cơ quan này - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới không chính trị hóa đại dịch: "Sẽ có rất nhiều người phải chết nếu chúng ta không hành xử đúng đắn".

Tổng thống Trump không nêu chi tiết về số tiền ông sẽ cắt giảm của WHO. Trong chu kỳ ngân sách 2 năm 2018-2019, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của tổ chức này và đã góp gần 900 triệu USD trên tổng ngân sách 5,6 tỉ USD của WHO. Nhà trắng có thể hoãn việc giải ngân nhưng sẽ khó lấy lại số tiền đã hỗ trợ cho WHO, theo ScienceMag.

Mặc dù vậy, động thái của ông Trump được nhận định là sẽ gây trở ngại không nhỏ đối với cuộc chiến chống dịch COVID-19 của toàn thế giới.

Theo ông Lawrence Gostin, giám đốc Viện nghiên cứu về Y tế Quốc gia và Toàn cầu của Đại học Georgetown: "Nếu WHO bị buộc tội trong một cuộc khủng hoảng chính trị và ngân sách, thì cơ quan này sẽ không thể tham gia chỉ đạo các nước chống dịch - một vai trò rất cần thiết trong thời điểm chưa từng diễn ra trong lịch sử nhân loại này".

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 12/2019, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã thừa nhận rằng việc tổ chức này phụ thuộc vào quá ít nhà tài trợ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. "Chỉ cần một trong số họ từ chối tài trợ, thì đó sẽ là một cú sốc nghiêm trọng đối với WHO", ông Ghebreyesus cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại