Covid-19 bùng phát mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ trở thành "nước Ý thứ hai"?

An An |

Bác sĩ Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, trong thời gian tới Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ trở thành "nước Ý thứ hai", thậm chí còn tồi tệ hơn.

Dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành ở Iran và châu Âu, trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia nằm ở giữa cuối cùng cũng xuất hiện ca nhiễm đầu tiên. Trong 20 ngày kể từ khi trường hợp đầu tiên được ghi nhận vào ngày 11/3, số ca nhiễm đã nhanh chóng vượt quá 10.000 và xu hướng gia tăng thậm chí còn mãnh liệt hơn tâm dịch châu Âu - Ý trong cùng thời kỳ.

Theo số liệu của Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, tính đến ngày 1/4, số ca nhiễm được chẩn đoán ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tới 15.679, số ca tử vong đã lên tới 277, tăng 63 trong một ngày, phá vỡ kỷ lục trước đó.

Hiện tại, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu người dân tự nguyện cách ly và cấm các hoạt động tụ tập nhưng chưa đưa ra quyết định phong tỏa toàn diện.

Theo Daily Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ), vào ngày 31/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahredin Koca tuyên bố trên tài khoản mạng xã hội rằng, số ca phát hiện hàng ngày ở nước này đã tăng lên hơn 15.000 trường hợp, năng lực xét nghiệp tăng 25.3% so với một ngày trước đó. Song song với năng lực xét nghiệm cải thiện, số trường hợp được chẩn đoán ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng từ 0 lên hơn 10.000 trong 20 ngày.

Tuy nhiên, Hiệp hội Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng số ca nhiễm trên thực tế trên cả nước còn cao hơn con số được Bộ trưởng Bộ Y tế thông báo và do biên giới chưa thực hiện biện pháp đóng cửa hiệu quả và người nhập cư chưa được kiểm dịch nên dịch bệnh đã lan rộng khắp Thổ Nhĩ Kỳ. Tờ Ahval (Thổ Nhĩ Kỳ) cáo buộc, sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm ở Thổ Nhĩ Kỳ là do nước này không đủ năng lực phát hiện sớm và phản ứng chậm trễ của chính phủ.

"Tỷ lệ gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ (các trường hợp được chẩn đoán) rất đáng kinh ngạc, và dữ liệu gần đây về các ca nhiễm và tử vong cho thấy, tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt khỏi tầm kiểm soát", ông Zeki Kılıçaslan, Giáo sư chuyên ngành phổi tại Đại học Y Istanbul, cảnh báo. "Kể từ thời điểm nguy cơ này bắt đầu phát triển ở Iran, (chính phủ) đã không thực hiện các biện pháp cần thiết".

Một bác sĩ giấu tên làm việc tại một bệnh viện đại học Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, theo quan sát tuyến đầu của ông, "con số thực tế ít nhất cao hơn số ca nhiễm chính phủ công bố 2 đến 3 lần".

"Đây dường như là tuần quan trọng nhất, vì thời gian ủ bệnh của SARS-CoV-2 là khoảng 14 ngày. Trong tuần này, nhiều người sẽ đổ xô đến bệnh viện, với hàng ngàn trường hợp được chẩn đoán và hàng trăm ca tử vong mỗi ngày. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành nước Ý 'thứ hai", thậm chí còn tồi tệ hơn", bác sĩ nói.

Covid-19 bùng phát mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ trở thành nước Ý thứ hai?  - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ trở thành nước Ý thứ hai.

"Bởi vì các biện pháp kiểm soát trước đây không nghiêm ngặt, dịch bệnh đang lan rộng và chưa được kiểm soát một cách hiệu quả", ông Trâu Chí Cường, chuyên gia tại Viện nghiên cứu quốc tế Trung Đông Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải cho rằng, mức độ nghiêm trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể không hề kém cạnh Iran.

"Từ kinh nghiệm của các quốc gia khác và xu hướng phát triển dịch bệnh của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, diễn tiến nhanh chóng dịch bệnh ở Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể được ngăn chặn trong thời gian ngắn."

Người tị nạn khó nhận được điều trị

Lúc này, sức khỏe của hơn 3,6 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Chuyên gia Trâu Chí Cường chỉ ra rằng, do ở Thổ Nhĩ Kỳ có các nhóm người tị nạn quy mô lớn, hơn nữa lại sống rải rác và có tính di động lớn nên khó có thể tránh được sự lây lan của các nhóm người tị nạn, hơn nữa, sự lây lan của dịch bệnh ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng rất đáng lo ngại.

Shahira, một người tị nạn Syria 24 tuổi, đang học tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ với The Paper (Trung Quốc) ngày 1/4 rằng, hiện nay chưa có ca nhiễm nào được ghi nhận trong cộng đồng người tị nạn Syria, nhưng người tị nạn ở các quốc gia khác đã có ca nhiễm. Do lo sợ bị lây nhiễm nên Shahira đã không ra ngoài kể từ một tháng trước.

"Chúng tôi chưa từng nghe về bất kỳ ca nhiễm nào của người tị nạn Syria và không ai đến bệnh viện", Shahira cho biết, một người tị nạn ở Iraq khi xuất hiện các triệu chứng đã tới bệnh viện nhưng cuối cùng cũng không qua khỏi.

Theo chính sách tị nạn của Thổ Nhĩ Kỳ, những người tị nạn Syria đã đăng ký nhập cư hợp pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp miễn phí. Tuy nhiên, do sự cạn kiệt các nguồn lực y tế do đại dịch Covi-19, người tị nạn Syria có thể không được hưởng điều trị y tế như công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Một số người tị nạn không phải người Syria và người tị nạn bất hợp pháp đang gặp khó khăn trong việc điều trị y tế.

Kemal Kirişci, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Brookings, nói: "Nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng, năng lực y tế của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể ứng phó với sự gia tăng mãnh liệt đó, trong khi người dân bản địa vốn đã không hài lòng với người tị nạn. Nếu hệ thống y tế cũng được chia sẻ với người tị nạn trong tình huống này, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn".

Covid-19 bùng phát mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ trở thành nước Ý thứ hai?  - Ảnh 2.

Số ca nhiễm của các quốc gia, theo Financial Times.

Nhân viên y tế không đủ, thai phụ cũng lên tuyến đầu

"So với các nước Trung Đông khác, trình độ y tế của Thổ Nhĩ Kỳ tương đối hoàn thiện", ông Trâu nói.

Tờ Financial Times (Anh) nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ thực sự có một số yếu tố có lợi cho việc chống lại đại dịch: tỷ lệ dân số trẻ cao và hệ thống cải cách y tế do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thúc đẩy trong thời gian qua.

Tuy nhiên, báo Anh cũng chỉ ra rằng, tình hình xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ý rất giống nhau, các gia đình có mối quan hệ chặt chẽ, nhiều thế hệ cùng chung sống là hiện tượng phổ biến. Tình trạng này đã đẩy nhanh sự lây lan từ trẻ sang già. Đặc biệt, giống như ở Ý, do quan niệm phòng dịch nên nhân viên y tế cũng đã có người nhiễm bệnh.

Một bác sĩ Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên nói rằng ba đồng nghiệp của ông trong bệnh viện đã nhiễm bệnh và ông cũng hoài nghi rằng, rất nhiều y bác sĩ khác, bao gồm bản thân cũng đã nhiễm bệnh.

Tạp chí Observe (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 31/3 cho biết, Hiệp hội Y tế Thổ Nhĩ Kỳ (TBB) đã thực hiện một cuộc khảo sát về đánh giá sức khỏe của nhân viên y tế từ ngày 23 đến 29/3. Trong số 630 nhân viên y tế được khảo sát, 50% cho biết đơn vị làm việc của họ không có Phòng khám Sàng lọc Covid-19 độc lập; 44% cho biết họ không nhận được hướng dẫn về cách tự bảo vệ bản thân khi dịch bệnh bùng phát; 50% nói rằng các đơn vị liên quan không được cung cấp về phác đồ điều trị và chẩn đoán cụ thể về bệnh Covid-19; 83% cho biết, họ "rất lo lắng" về tình hình hiện tại.

Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, do không đủ nhân viên, ngay cả nhân viên y tế đang mang thai hoặc mắc các bệnh mãn tính vẫn tiếp tục làm việc ở các bộ phận nguy cơ cao. Hơn nữa, môi trường làm việc của nhân viên y tế cũng tồn tại vấn đề như hệ thống thông gió kém. Họ cũng thiếu các thiết bị bảo vệ cá nhân như khẩu trang y tế, găng tay và quần áo bảo hộ.

"Dữ liệu cho thấy, điều kiện làm việc và bảo vệ cá nhân của nhân viên y tế tồn tại vấn đề nghiêm trọng, điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhân viên y tế mắc bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, khiến họ lo lắng và hoảng loạn", Hiệp hội Y tế Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.

Covid-19 bùng phát mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ trở thành nước Ý thứ hai?  - Ảnh 3.

Người tị nạn khó nhận được điều trị. Ảnh: AL JAZEERA

Đảng cầm quyền phải đối mặt thách thức

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh đóng cửa các trường học, đồng thời áp đặt các hạn chế di chuyển nghiêm ngặt, cấm người già trên 65 tuổi ra ngoài. Nhưng cho đến khi số ca nhiễm trên cả nước vượt quá 10.000, chính phủ vẫn chưa đưa ra quyết định phong tỏa toàn diện, mà chỉ kêu gọi người dân "tự nguyện cách ly".

Cách tiếp cận của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dường như tương tự với lựa chọn "không phong tỏa" trước đây của Iran: Duy trì nền kinh tế và thúc đẩy sinh kế của người dân. Thổ Nhĩ Kỳ vừa trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính do đồng lira sụt giảm vào năm 2018, và nền kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

Theo Financial Times, các nhà kinh tế đã dự đoán rằng nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở nên nghiêm trọng trong quý II năm 2020, điều này sẽ ảnh hượng nặng nề đến mức tăng trưởng GDP 5% đã cam kết của Tổng thống Erdogan.

Về vấn đề này, ông Trâu Chí Cường dự đoán, tình hình dịch bệnh ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ lan nhanh trong tương lai gần. "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp ngăn ngừa, nền kinh tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng." Quan trọng hơn, châu Âu - đối tác kinh tế và thương mại chính của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, điều này càng tác động mạnh đến nền kinh tế "mong manh" của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Financial Times, một số nhà kinh tế và hiệp hội doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi chính phủ phát hành tiền mặt cho người dân và thực hiện kế hoạch duy trì công việc, nếu vậy, nước này có thể vừa duy trì nền kinh tế vừa có thể thực hiện các biện pháp phong tỏa mạnh mẽ hơn.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nỗ lực để duy trì sự cân bằng giữa việc kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ nền kinh tế. Đầu tháng 3, chính phủ nước này đã công bố kế hoạch hỗ trợ kinh tế trị giá 15 tỷ USD. Đến nay, 19.000 công ty đại diện cho 420.000 nhân viên đã nộp đơn hỗ trợ tiền lương.

Vào ngày 30/3, Tổng thống Erdogan đã phát động một chiến dịch gây quỹ quốc gia để giúp đỡ người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và ông cam kết sẽ quyên góp tiền lương 7 tháng của mình. Tổng thống Erdogan cũng kêu gọi tất cả các nghị sĩ và thành viên của các đảng chính trị tham gia vào chiến dịch gây quỹ và cho biết họ sẽ cung cấp 6 tỷ lira để hỗ trợ tiền lương cho nhân viên y tế.

"Dịch bệnh chắc chắn là một đòn giáng mạnh vào chính phủ Erdogan, người luôn muốn thúc đẩy kinh tế, và thậm chí ảnh hưởng đến sự ủng hộ của công chúng", chuyên gia Trung Quốc chỉ ra thực tế, dịch bệnh này là một thách thức nghiêm trọng đối với tất cả các quốc gia, bất kể là đối với nhà lãnh đạo nào.

Covid-19 bùng phát mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ trở thành nước Ý thứ hai?  - Ảnh 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại