1. Ngợi khen kẻ chiến thắng thì quá dễ. Nhưng những ngợi khen thái quá có thể sẽ biến chúng ta thành nực cười ở tương lai gần. Điều đó hẳn nhiều người đã trải qua, khi họ khen Pep Guardiola hết lời, và bây giờ, kết quả của Man City đang chứng minh ngược lại.
Nói như vậy để hiểu rằng chúng ta có thể ngợi ca Antonio Conte, nhưng đừng ngợi ca thái quá, và nếu nhận thấy Chelsea còn nhược điểm, chúng ta cũng đừng vì những thành tích hiện thời mà không dám nói nhược điểm ấy ra.
Sẽ khó ai dám dè bỉu một Chelsea của Conte sau khi họ lội ngược dòng đánh bại Man City ngay tại Etihad bằng lối chơi thuyết phục hoàn toàn như thế nhưng có thể nói rằng, chiến thắng ấy không phải quá sức đặc biệt như một kỳ công khi thực trạng Man City hiện tại đang rất có vấn đề.
Sau màn khởi động tuyệt vời của họ ở giai đoạn đầu Premier League, dường như Man City không còn làm các đối thủ sợ hãi nữa, mà thay vào đó, kể từ trận thua Tottenham, họ bắt đầu sống “hùng hổ như cọp giấy”.
Hãy nhìn vào chuỗi trận gần nhất của họ, kể từ sau thảm bại trước Tottenham, ta sẽ nhận ra một thực tế rất phũ phàng. Pep và đội bóng của ông đã mất điểm đến 4 trận trên sân nhà (3 hòa, 1 thua) trước Everton, Southampton, Boro và Chelsea.
Và một khi 3 đội bóng trung bình khá kia còn bắt Man City chia điểm ở Etihad, việc Chelsea có 3 điểm không phải kỳ công gì.
2. Hãy nhìn vào hình ảnh của Man City, chúng ta sẽ thấy vì sao chiến thắng của Chelsea chưa phải kỳ tích.
Trong một trận cầu mà cầu thủ chơi ổn định nhất của họ từ đầu mùa tới giờ, là Fernandinho, kìm không nổi tới mức phải bóp cổ Cesc Fabregas, và Aguero, thay vì ghi bàn, lại định “xăm mình” cho Luiz bằng cú kê thẳng gầm giầy với đinh sắc lẹm lên đùi đối phương, rõ ràng Man City đang không chơi bóng.
Đoàn quân của Pep Guardiola mà không chơi bóng thì nó cũng chỉ còn là một đám ô hợp rệu rã mà thôi, kể cả là khi dưới trướng Pep là những hảo thủ của Barca một thời.
Thắng một đội không chơi bóng cho ra trò, điều đó rõ ràng cho thấy kẻ chiến thắng không phải ghê gớm lắm. Khi đối thủ tự thua chính bản thân họ, kẻ chiến thắng chẳng qua chỉ là thứ điểm xuyết thêm trên bức tranh tổng thể vốn dĩ đã quá u ám rồi.
Nhưng nếu chỉ vì đối thủ không tự thắng nổi bản thân mình mà hạ thấp kẻ chiến thắng thì cũng quá bất công. Conte vẫn rất đáng khen, ít ra ở một điểm, điểm mà chính Pep đã từng là người được kỳ vọng nhất.
3. Trước khi bóng lăn lần đầu ở vòng đấu đầu tiên của mùa giải, báo chí Anh đã mong chờ 2016-17 là mùa bóng mà “Premier League cải cách về chiến thuật với sự góp mặt của Pep Guardiola ở Man City và Mourinho ở Man United”.
Người Anh vẫn coi đó là hai HLV bậc thầy về chiến thuật hiện đại và họ nghĩ, hai tay đại kình địch kia sẽ mang lại cuộc cách mạng chiến thuật cho Premier League ngay trong năm nay.
Man City rõ ràng có thay đổi, về chiến thuật, nhưng không rõ nét chút nào, nhất là xét trên hiệu quả. Man United có thay đổi, cũng về chiến thuật, nhưng thay đổi để theo kiểu Mourinho, tức là vô cảm hơn để đảm bảo hướng đến hiệu quả, thay vì duy trì và phát triển sự mẫn cảm vốn có.
Kết quả đến lúc này: Cả hai đội bóng đều không đạt tính hiệu quả lẫn sự thuyết phục ở khâu trình diễn.
Đầu mùa, không ai nghĩ Antonio Conte là nhà cải cách. Nhưng chính ông lúc này mới là nhà cải cách rõ nét nhất. Tận dụng cái mình có, tức là các cầu thủ có sẵn cùng những cá nhân được mua theo ý thích của Emenalo, Conte xoay chuyển để Chelsea tạo ra được tính hiệu quả và xoay chuyển của ông mang tính cách mạng chiến thuật rõ rệt.
Chơi hàng thủ 3 người; tận dụng sức mạnh những cầu thủ đá biên; khai thác triệt để tính quyết liệt của Costa…, một loạt thay đổi Conte tạo ra đều có hiệu ứng tốt.
Và khi nhìn Costa bỏ thói quen cãi vã, đánh người để chơi bóng, ta nhận thấy Conte đúng nghĩa đang là một HLV xuất sắc nhất ở nửa đầu của mùa giải 2016-17 này.
Vậy thì sẽ không quá, và cũng không thiếu, mà là vừa đủ để nhận xét rằng: Conte hiện đang là nhà cải cách đáng được mong đợi nhất.