Thông tin này xuất hiện trong tài liệu mà Công ty China Mobile đăng trên trang Weibo của mình. China Mobile cho biết theo yêu cầu của chính quyền địa phương, một giám đốc của công ty ngày 2.12 đã đi khảo sát 5 địa điểm tại Cát Lâm để xem liệu có cung cấp dịch vụ mạng internet cho những nơi này hay không.
Địa điểm được chọn nằm tại 3 làng thuộc huyện tự trị dân tộc Triều Tiên Trường Bạch và 2 thị xã Đồ Môn, Hồn Xuân ở Cát Lâm. Theo tài liệu của China Mobile, vì tình hình biên giới Trung-Triều thời gian qua có vẻ căng thẳng, nên chính quyền phải lên kế hoạch lập 5 điểm tị nạn trên.
Trang Straits Times cho biết Đồ Môn, Hồn Xuân là những nơi đã nhận nhiều người chạy từ Triều Tiên sang Trung Quốc trong 20 năm qua, và họ sau đó tiếp tục đến Hàn Quốc hoặc Đông Nam Á.
Straits Times dẫn lời một thương nhân giấu tên tiết lộ địa điểm được chọn xây trại tị nạn đều là đất nhà nước, và tại một số điểm đã xây một số căn nhà tạm.
Thị xã Hồn Xuân, một trong 5 chỗ được chọn xây trại tị nạn - Ảnh: SCMP
Khi được hỏi, ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 11.12 không phủ nhận sự tồn tại của những trại tị nạn đang được xây ở Cát Lâm, nhưng ông cho biết mình không biết về kế hoạch xây trại tị nạn này. Phía giới chức huyện Trường Bản và đại diện China Mobile hiện từ chối bình luận chuyện này.
Tỉnh Cát Lâm nằm ở phía đông bắc Trung Quốc, có đường biên giới dài 1.200km với Triều Tiên và cũng gần với điểm thử hạt nhân Punggye-ri của Bình Nhưỡng. Vào tuần trước, tờ Nhật báo Cát Lâm, báo địa phương của tỉnh, đã dành cả một trang để đăng bài viết hướng dẫn độc giả Trung Quốc cách tự vệ, trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công hạt nhân.
Theo ông Trương Liễm Quế, giáo sư nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Trường đảng trung ương Trung Quốc, khi căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên đang gia tăng thì chuyện Cát Lâm cho xây trại tị nạn là hoàn toàn hợp lý.
Giáo sư Trương cho biết: “Xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên đang có nguy cơ xảy ra cao. Những gì mà Trung Quốc làm ở đây là chuẩn bị bất cứ tình huống nào”.
Ngoài Cát Lâm, tỉnh Liêu Ninh cũng đã có động thái bất thường. Chính quyền địa phương thông báo đóng cầu Hữu nghị Trung-Triều nối thành phố Đan Đông của tỉnh này với thành phố Sinuiju của Triều Tiên trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 11.12. Lý do đóng cầu được đưa ra là để phía Bình Nhưỡng tiến hành sửa chữa.
Đồng thời với thông báo đóng cầu, hải quan thành phố Đan Đông, đơn vị chịu trách nhiệm xử lý hơn 70% hoạt động thương mại Trung-Triều, cũng được yêu cầu tạm ngừng làm việc, trang The Japan News cho biết.
Theo nhiều nhà quan sát, bằng cách hạn chế thương mại và giao lưu tại Liêu Ninh, Trung Quốc đang gửi đi cảnh báo đến Triều Tiên.
Trang The Japan News dẫn một nguồn tin hiểu rõ quan hệ Trung-Triều cho biết Bắc Kinh trước đó đã báo cho Bình Nhưỡng rằng sẽ đóng cầu Hữu nghị vào cuối tháng 11, nhưng do phía Bình Nhưỡng gửi văn bản phản đối nên kế hoạch bị dời đến tháng 12.