Vụ Jerusalem: Ông Trump trao "quà" cho Iran, dồn cả thế giới Ả Rập vào chân tường

Hải Võ |

Các nước Ả Rập đang bị buộc phải đưa lập trường và hành động cứng rắn, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ký tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hôm 6/12.

Liên minh chống Iran trước nguy cơ tan vỡ

Báo Times of Israel (TOI) cho hay, các nước Ả Rập Hồi giáo Sunni và Israel chia sẻ mục tiêu chung được công khai, đó là cùng chống lại tầm ảnh hưởng gia tăng của Iran trong khu vực. Mỹ cũng theo đuổi mục tiêu này và xúc tiến một kế hoạch khu vực nhằm đưa các bên xích lại với nhau trong cuộc đối đầu Tehran.

Nhưng quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel mà tổng thống Trump công bố tuần trước đã làm phức tạp quan hệ hợp tác trong "liên minh" chống Iran.

Đối với các nước Ả Rập, việc hợp tác với Israel chống Iran gắn chặt với nhận thức về thành công của lộ trình hòa bình giữa nhà nước Do Thái với người Palestine. Nếu lộ trình này suôn sẻ thì các nước Ả Rập - với phần đông dân số ủng hộ người Palestine - có thể lý giải trước công chúng về việc phát triển quan hệ với Israel và Mỹ. Còn ngược lại, chính quyền Ả Rập khó có thể thuyết phục được dư luận.

Điều này dường như cũng là quan điểm của cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner, con rể tổng thống Donald Trump. Ông Kushner nói hồi tuần trước tại Diễn đàn Saban của Viện Brookings, Mỹ, rằng hòa bình với người Palestine là phương diện cần thiết để tạo dựng một liên minh rộng rãi trong khu vực chống lại Iran.

Vụ Jerusalem: Ông Trump trao quà cho Iran, dồn cả thế giới Ả Rập vào chân tường - Ảnh 1.

Ông Jared Kushner (trái) đang dẫn đầu nhóm xây dựng giải pháp hòa bình Israel-Palestine, nhận được sự ủng hộ của thái tử Salman của Saudi Arabia (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Tuyên bố Jerusalem của ông Trump bị các bên trong khu vực coi là hành động làm tổn hại nghiêm trọng đến tiến trình hòa bình khi ông trao "đặc quyền chưa từng thấy" cho một phía trong tranh chấp về quy chế pháp lý của một trong những điểm nóng nhất trên thế giới.

Cho đến nay, không có quốc gia Ả Rập hay Hồi giáo nào công khai tỏ ra ghi nhận lời khẳng định của tổng thống Mỹ, rằng ông không có ý nêu cụ thể về chủ quyền của Israel đối với Jerusalem, hay ông phản đối thay đổi hiện trạng của thánh địa tôn giáo này.

Thay vào đó, các nước có quan hệ thân cận với Mỹ và đang duy trì liên hệ an ninh với Israel - gồm Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia - đều bác bỏ tuyên bố của ông Trump, chỉ trích bản tuyên bố này làm tổn hại tiến trình hòa bình Trung Đông và "tiếp sức" cho các phần tử cực đoan.

"Quyết định về Jerusalem phức tạp hóa căng thẳng giữa lợi ích chiến lược của việc theo đuổi quan hệ với Israel và lợi ích của các bên về chính trị trong nước, về các giá trị và về cân bằng chiến lược mà các nước đòi hỏi để có thể 'sống vui vẻ'," Hussein Ibish, học giả cấp cao tại Viện các nước Ả Rập Vùng Vịnh tại Washington (AGSIW), Mỹ, đánh giá.

Các nước Ả Rập bị "dồn vào chân tường"

Trong con mắt thế giới Ả Rập, quyết định của ông Trump làm suy yếu khuôn khổ đã được đồng thuận về lộ trình hòa bình Israel-Palestine, mà từ đó đem tới nền tảng để "đặt vấn đề năm 1948 lại phía sau" - Ibish nói, đề cập năm mà nhà nước Israel thành lập và bị tấn công bởi các láng giềng Ả Rập.

Ông Ibish cho biết, các lãnh đạo chính trị Ả Rập theo dòng Hồi giáo Sunni "thất vọng" về quyết định của Mỹ bởi động thái này cản trở tiến trình đạt hai mục tiêu quan trọng: Giải quyết tranh chấp Israel-Palestine và đối đầu Iran.

Vụ Jerusalem: Ông Trump trao quà cho Iran, dồn cả thế giới Ả Rập vào chân tường - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trò chuyện với Quốc vương Salman của Saudi Arabia khi chụp ảnh với các lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập-Hồi giáo-Mỹ tại Trung tâm hội nghị Vua Abdulaziz, ngày 21/5/2017 ở thủ đô Riyadh, Saudi Arabia. (Ảnh: AP Photo/Evan Vucci)

Ghaith al-Omari, nhà nghiên cứu của Viện chính sách Cận Đông Washington, Mỹ, lập luận rằng tổng thống Trump đã đẩy các nước Ả Rập phải lựa chọn lập trường "chống Mỹ và Israel" mà trước đây họ từng không chấp nhận.

"[Mỹ] đã dồn tất cả các nước Ả Rập vào chân tường, bao gồm các nước muốn khởi đầu mối quan hệ với Israel lẫn các đồng minh của Mỹ. Tất cả đều thấy bế tắc và hiện nay phải áp đặt lập trường cứng rắn, trong khi không gian xoay chuyển của họ bị hạn chế," ông al-Omari nói.

Ông chỉ ra, truyền thông Qatar và Iran đã tận dụng tuyên bố của Trump để công kích Saudi về các liên hệ của Riyadh với Mỹ.

Trong các cuộc biểu tình ở Gaza và tại Jordan, đám đông hô lớn những khẩu hiệu bài xích Saudi Arabia.

Tâm lý chống Saudi được thổi bùng bởi những báo cáo nói rằng Riyadh đang gây sức ép với người Palestine để buộc Palestine chấp nhận phương án thỏa thuận hòa bình do Mỹ đề xuất - vốn bị xem là "hoàn toàn không chấp nhận được" đối với Ramallah.

"Lúc này tất cả các bên [trong thế giới Ả Rập] đều cần tỏ ra cứng rắn và ai cũng sợ hành động của mình có thể bị đối thủ chính trị trong khu vực lợi dụng," al-Omari nhận định. "Họ đang phải trả giá vì đã quan hệ thân cận với Mỹ - dù không phải là cái giá đắt, nhưng vẫn có."

Thủ tướng Netanyahu kêu gọi EU công nhận Jerusalem là thủ đô Israel (Nguồn: BBC News)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại