Bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu sang Trung Quốc của Mỹ, công ty chế tạo máy quang khắc khổng lồ của Hà Lan ASML đã chứng kiến số lượng đơn đặt hàng sụt giảm trong quý 3 và giá cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Amsterdam gần đây đã giảm mạnh.
Theo hãng tin Bloomberg, Washington gần đây đã công bố một số lệnh cấm vi xử lý, hạn chế bán chất bán dẫn và thiết bị sản xuất vi xử lý tiên tiến cho Trung Quốc, cấm người Mỹ giúp Trung Quốc phát triển công nghệ vi xử lý, đồng thời cố gắng thuyết phục các công ty châu Âu bao gồm ASML cùng trừng phạt Trung Quốc.
Toan tính của ASML
Alan Estevez - Cục trưởng Cục Công nghiệp và An ninh, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát xuất khẩu thuộc Bộ Thương mại Mỹ - ngày 27/10 cho biết, Washington đang tham vấn các đồng minh của mình để cố gắng cùng thực hiện các biện pháp hạn chế việc Trung Quốc tiếp cận các công cụ sản xuất vi xử lý cao cấp.
Tờ Wall Street Journal cho biết, ASML vẫn chưa chuyển giao bất kỳ máy quang khắc EUV nào cho Trung Quốc do sự can thiệp của Mỹ. Vào năm 2018, nhà sản xuất vi xử lý lớn nhất Trung Quốc SMIC đã đặt hàng một máy quang khắc cực tím EUV từ ASML để sản xuất vi xử lý từ 7nm trở xuống, dự kiến sẽ được giao vào năm 2019. Tuy nhiên, bộ máy quang khắc chưa bao giờ được bàn giao và ASML tiết lộ rằng công ty đã không có được giấy phép xuất khẩu liên quan.
ASML chiếm hơn 60% thị phần máy quang khắc toàn cầu và là nhà sản xuất duy nhất trên thế giới có thể cung cấp máy quang khắc EUV để chế tạo vi xử lý trên tiến trình 7nm trở xuống. Mặc dù không thể xuất khẩu máy quang khắc EUV sang Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất đối với máy quang khắc DUV của ASML.
Theo thông tin công khai, sự khác biệt chính giữa máy quang khắc DUV và máy quang khắc EUV là bước sóng của tia sáng, yếu tố quyết định tiến trình vi xử lý. Máy quang khắc DUV hiện không thể sản xuất vi xử lý trên tiến trình từ 7nm trở xuống, nhưng có thể sản xuất vi xử lý công nghệ cũ với số lượng lớn hơn.
Theo báo cáo tài chính năm tài khóa 2021 của ASML, Trung Quốc đại lục là thị trường lớn thứ ba của ASML, chiếm khoảng 14,7% doanh thu toàn cầu, và các lô hàng xuất sang Trung Quốc đại lục chiếm 16% tổng lượng hàng toàn cầu của ASML.
Thẩm Ba - Phó chủ tịch cấp cao toàn cầu của ASML, Chủ tịch ASML Trung Quốc – mới đây tiết lộ rằng, kể từ năm 1988 đến nay, ASML đã lắp đặt hơn 1.000 bộ máy quang khắc tại Trung Quốc đại lục và số lượng nhân viên cần thiết để vận hành đã vượt quá 1.500 người.
Do nắm vững các công nghệ quan trọng để sản xuất vi xử lý cao cấp toàn cầu, ASML và chính phủ Hà Lan luôn là mục tiêu chính để Mỹ vận động hành lang, lôi kéo và gây áp lực.
Tháng 7 năm nay, hãng tin Bloomberg dẫn lời những người trong cuộc cho biết, Mỹ đang gây sức ép với chính phủ Hà Lan để mở rộng phạm vi các hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc hiện tại, và cấm ASML xuất khẩu một số máy quang khắc DUV sang Trung Quốc.
Những người trong cuộc cũng cho biết, chính phủ Hà Lan cho đến nay vẫn chưa đồng ý áp đặt thêm bất kỳ hạn chế nào đối với hàng hóa xuất khẩu của ASML sang Trung Quốc, đồng thời cho rằng việc thực hiện các biện pháp mà Mỹ yêu cầu có thể gây tổn hại đến mối quan hệ thương mại giữa Hà Lan với Trung Quốc.
Trước một loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất nhằm vào ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc được Mỹ công bố, Giám đốc Tài chính của ASML Roger Dassen cho rằng, tác động của các quy định mới của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu máy quang khắc của công ty là hạn chế, vì ASML là một công ty châu Âu, và máy móc của công ty sử dụng rất ít linh kiện của Mỹ.
Cần Trung Quốc hơn
Việc “kéo dài thời gian” với Mỹ và những tuyên bố công khai với thế giới bên ngoài cho thấy, giống như các công ty công nghiệp bán dẫn khác trên thế giới, ASML không muốn từ bỏ lợi ích khổng lồ của mình ở Trung Quốc vì lý do chính trị.
Ông Thẩm Ba từng tuyên bố rõ ràng rằng: "Trung Quốc là một phần rất quan trọng trong sự phát triển toàn cầu của ngành bán dẫn."
Sau cuộc khủng hoảng thiếu vi xử lý do đại dịch COVID-19 gây ra, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang phải đối mặt với những thay đổi mới: nhu cầu yếu hơn và dư thừa công suất.
Tờ Nikkei của Nhật Bản ngày 29/10 đưa tin, báo cáo tài chính mới nhất cho thấy, lợi nhuận của các gã khổng lồ trong ngành vi xử lý như Intel đã giảm mạnh trong quý 3.
Ngày 27/10, báo cáo tài chính của Intel cho thấy, lợi nhuận ròng đã giảm 85% so với cùng kỳ năm trước. Sự bùng nổ của ngành công nghiệp bán dẫn trong vài năm qua dường như đang tan biến và những hạn chế xuất khẩu vi xử lý mới của Mỹ nhằm vào Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm vấn đề này.
Nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của Mỹ KLA, có gần 1/3 thị trường là từ Trung Quốc, đã cảnh báo tại hội nghị tổng kết công tác tài chính vào ngày 26/10 rằng, lệnh cấm của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ có tác động tới ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ vào năm 2023.
Theo dự báo mới nhất của Gartner, doanh thu bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ tăng 7,4% vào năm 2022, giảm so với mức 26,3% vào năm 2021.
Các kênh truyền thông Đài Loan (Trung Quốc) cũng đưa tin rằng, nhà máy đúc tấm wafer lớn nhất thế giới TSMC có khả năng ngừng hoạt động một số máy quang khắc EUV vào cuối năm nay.
Nhà sản xuất thiết bị lưu trữ bán dẫn nổi tiếng thế giới của Mỹ Micron cũng thông báo rằng, khoản tiền đầu tư cho thiết bị của họ trong năm tài chính 2023 sẽ giảm khoảng 50%, và hãng đã bắt đầu thực hiện các biện pháp để cắt giảm nguồn cung.
Ngoài ra, công ty bán dẫn SK Hynix của Hàn Quốc cũng chính thức bắt đầu cắt giảm sản lượng.
Cố Văn Quân - nhà phân tích chủ chốt của Xinmou Research - nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu rằng, Trung Quốc là thị trường và nhà nhập khẩu vi xử lý lớn nhất thế giới, và nhu cầu về thiết bị và vật liệu bán dẫn đang tăng lên nhanh chóng. Quy mô thị trường của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng, và vị thế thị trường của nước này càng quan trọng hơn.
Trung Quốc giải quyết thế nào vấn đề "thắt cổ chai"
Theo Thời báo Hoàn cầu, trong 4 mắt xích chính của ngành sản xuất chất bán dẫn là thiết kế, chế tạo, đóng gói và kiểm tra, chế tạo vẫn là một điểm yếu của ngành công nghiệp Trung Quốc, và một số thiết bị chủ chốt như máy quang khắc vẫn là vấn đề “thắt cổ chai”.
Theo thống kê từ Hiệp hội Công nghiệp Thiết bị Chuyên dụng Điện tử Trung Quốc và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Quốc tế, doanh thu năm 2021 của thị trường thiết bị bán dẫn Trung Quốc là 18,72 tỷ USD, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị bán dẫn của nước này chỉ là 20,2%.
Trong những năm gần đây, nhiều công ty Trung Quốc đã cố gắng giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực máy quang khắc. Ví dụ, Công ty Vi điện tử Thượng Hải đã có thể sản xuất thương mại máy quang khắc 90nm, và đang tiếp tục nghiên cứu phát triển để theo kịp trình độ tiên tiến của thế giới, nhưng vẫn cần một khoảng thời gian nhất định.
Nhà phân tích Cố Văn Quân cho biết, các hạn chế của Mỹ đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đi từ việc trừng phạt các công ty bán dẫn Trung Quốc sang hạn chế sự phát triển của các công ty bán dẫn nước ngoài tại Trung Quốc.
Ngày nay, cũng có nhiều ý kiến khác nhau trong nội bộ các công ty quốc tế. Một bên đang xem xét phản ứng về chính sách của Trung Quốc, và hy vọng sẽ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, thậm chí tăng cường đầu tư vào Trung Quốc. Ngược lại, những người khác đang xem xét giảm đầu tư vào Trung Quốc và chuyển sang Mỹ.
Ông Cố cho rằng, trong hoàn cảnh như vậy, giới công nghiệp Trung Quốc cần phải tiếp tục cởi mở. Lợi ích của các nhà sản xuất nước ngoài đã bị tổn hại bởi lệnh cấm của Mỹ; họ có khả năng và động lực để bảo vệ lợi ích của chính mình. Vào thời điểm khó khăn và bị trừng phạt này, một số công ty châu Âu đang tiếp tục đàm phán với Mỹ, nên phải khuyến khích các nhà sản xuất ở Hà Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Trung Quốc.