Người dân Ba Lan đổ xô mua than non
Cổng thông tin money.pl của Ba Lan đưa tin rằng, người dân nước này đang mua một lượng lớn than non để sưởi ấm cho ngôi nhà của họ vào mùa đông. 7.500 tấn than non đã được đặt hàng trong 10 ngày kể từ khi than non bắt đầu được mở bán.
Lệnh cấm vận đối với than của Nga bắt đầu từ tháng 4 khiến các hộ gia đình Ba Lan lo lắng và đổ xô đi mua than. Ảnh: Getty
Theo trang money.pl, than non kém hiệu quả hơn 3 lần so với than đá thông thường, nhưng gây ô nhiễm nặng hơn và được coi là "một trong những nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất", với hàm lượng lưu huỳnh cao tới 1,5%. Nếu tiêu chuẩn chất lượng than sưởi của Ba Lan còn hiệu lực thì hàm lượng này đã vượt ngưỡng tiêu chuẩn 1,2%, không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mà nguy hiểm nhất là con người khi đốt loại than này có thể bị nhiễm độc.
Hơn nữa, than non không thể được sử dụng trong hệ thống sưởi ấm gia đình thế hệ mới, nó dễ làm hỏng lò sưởi và thậm chí là gây ra sự cố nghiêm trọng. Về vấn đề này, một số công ty cung cấp hệ thống sưởi đã đưa ra tuyên bố về vấn đề an toàn, cho biết rằng họ không chịu trách nhiệm về bất kỳ thiệt hại nào do sử dụng than non và bảo hành của sản phẩm có thể không còn hiệu lực.
Tuy nhiên, bất chấp những nguy cơ về an toàn và vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng, vẫn có vô số người dân Ba Lan quan tâm đến than non. Trang money.pl cho biết, trước đây sản phẩm than non chủ yếu phục vụ nhóm khách hàng có thu nhập thấp, nhưng bây giờ tất cả đều đổ xô đi mua, và đường dây nóng bán hàng của hai nhà sản xuất loại than này luôn trong trạng thái máy bận, và nếu gọi được thì đó là một "phép màu".
Cung chưa đủ cầu
Tiến sĩ Przemyslaw Zaleski - chuyên gia an ninh năng lượng tại Quỹ Pulaski, giảng viên tại Đại học Công nghệ Wroclaw (Ba Lan) - cho rằng, lý do chính khiến chính phủ nước này tạo ra "ngoại lệ" để người dân có thể mua than non là nhằm duy trì an sinh xã hội.
Nghị sĩ Ba Lan Jaroslaw Kaczynski thậm chí từng gợi ý rằng, người dân nước này có thể “đốt mọi thứ, trừ những vật có hại như lốp xe" để giữ ấm. Sau đó, vào tháng 7, chính phủ Ba Lan tuyên bố hủy bỏ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng của than sưởi.
Theo hãng tin Reuters, Ba Lan là quốc gia sản xuất điện than lớn trong Liên minh châu Âu (EU). 80% sản lượng điện của nước này đến từ sản xuất điện than và hơn 3,8 triệu hộ gia đình dựa vào than để sưởi ấm. Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, EU đã áp đặt lệnh cấm vận than đối với Nga, và sản lượng than trong nước của Ba Lan không thể đáp ứng đủ nhu cầu về than của người dân vào mùa đông.
Ngày 21/10, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan Anna Moskwa cho biết, theo ước tính của bộ này, vẫn còn 600.000 đến 700.000 hộ gia đình Ba Lan vẫn chưa có than để sưởi ấm trong mùa đông năm nay.
Bà Moskwa cho biết thêm rằng, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, khoảng 60% hộ gia đình ở Ba Lan dự định sử dụng gỗ để sưởi ấm thay vì than đá. Nguồn cung gỗ trên thị trường cũng rất đầy đủ và sạch hơn than non.
Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan Anna Moskwa: Ảnh: PAP
Theo ước tính trước đây của Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, thị trường Ba Lan vẫn đang phải đối mặt với mức thiếu hụt than khoảng 3 triệu tấn trước khi mùa đông đến.
Để giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng và lệnh cấm vận than Nga, Hạ viện Ba Lan ngày 20/10 đã thông qua dự luật cho phép chính quyền địa phương mua than từ các nhà nhập khẩu với giá ưu đãi lên tới 1.500 zloty Ba Lan (7.9 triệu VNĐ)/tấn và bán lại than cho người dân với giá chiết khấu không quá 2.000 zloty (10,5 triệu VNĐ)/tấn.