Chưa đầy 1 tháng, cổ phiếu tăng giá gấp đôi
Trong tuần qua, thị trường chứng khoán trong nước không mấy khả quan khi tình trạng bán ròng xảy ra trên diện rộng. Đã có phiên, chỉ số Vn-Index giảm đến 27 điểm. Kết thúc tuần, VN-Index giảm 23,44 điểm (1,58%) xuống mức 1.458,56 điểm; HNX-Index giảm 15,31 điểm (3,54%) xuống 416,71 điểm và UPCoM-Index giảm 1,48 điểm (1,3%) xuống 112,36 điểm.
Trái với sự sụt giảm, một mã cổ phiếu trong phiên ngày 15/4 đã có mức tăng cực ấn tượng. Cụ thể, mã CMF của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cholimex trong phiên này đã tăng 35.500 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 14,52%, đạt mốc 280.000 đồng/cổ phiếu.
Với mức tăng "khủng" này, CMF vượt mức giá 268.900 đồng của HLB (Công ty Cổ phần Bia và Nước giải khát Hạ Long), trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn UPCoM và cả thị trường chứng khoán.
Điều đáng nói ở đây là mã cổ phiếu này đã tăng nhanh và mạnh, lên cao gấp hơn 2 lần chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, dù trước đó, CMF có cực ít giao dịch. Trước khi chuỗi ngày tăng giá diễn ra, từ 5/1 - 28/3, cổ phiếu này chỉ có 1 giao dịch giảm sàn duy nhất, dừng lại tại mốc 123.100 đồng/cổ phiếu sau khi mất 39,97% (85.300 đồng/cổ phiếu).
Biến động giá cổ phiếu CMF. Nguồn: Cafef.
CMF làm ăn ra sao?
Tháng 4/1981, dựa trên nền tảng từ những thế mạnh tiềm năng của người Hoa ở khu vực Chợ Lớn, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho phép thành lập Công ty Công Ty Hợp Doanh Xuất Nhập Khẩu Trực Dụng trực thuộc quận 5 với tên gọi tắt là Cholimex.
Những ngày đầu thành lập, hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của công ty mang tính tổng hợp đa ngành. Trong đó các bộ phận chuyên ngành thu mua và chế biến các mặt hàng thủy sản nông dược phẩm... nhằm phục vụ cho nhu cầu sống của người dân thành phố cũng như của cả nước.
Tháng 6/1983 UBND Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định 78/QĐUB chia Công ty hợp danh xuất nhập khẩu Trực Dụng quận 5 ra làm 2 tổ chức là Công ty cung ứng hàng xuất khẩu quận 5 và Xí nghiệp chế biến hàng xuất khẩu quận 5.
Năm 1988 để mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, tăng cường lực lượng sản xuất cũng như tiếp nhận thêm cơ sở vật chất, Xí nghiệp chế biến hàng xuất khẩu quận 5 được chuyển thành Xí nghiệp chế biến hải sản và thực phẩm xuất khẩu.
Ngày 20/12/2005 UBND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định số 6437/QĐ-UB chấp thuận Xí nghiệp chế biến hải sản và thực phẩm xuất khẩu Cholimex chuyển đổi hình thức sở hữu thành Công ty cổ phần.
Đến tháng 7/2006, công ty chính thức hoạt động với tên mới là Công ty Cổ phần Thực phẩm Cholimex với các ngành nghề kinh doanh chính: Sản xuất, chế biến, gia công và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, thủy hải sản cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Các mặt hàng tiêu biểu của doanh nghiệp này phải kể đến như: Tương ớt, tương cà, nước mắm, nước tương, gia vị, chả giò, hoành thánh, há cảo...
Địa bàn kinh doanh của công ty chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong nước thông qua hệ thống phân phối trên toàn quốc và xuất khẩu sang các nước: EU (chiếm tỷ trọng 80% doanh số xuất khẩu), Đông Âu, Úc và các thị trường khác.
Một số sản phẩm của Cholimex.
Theo báo cáo kinh doanh của CMF, năm 2021, do ảnh hưởng của Covid-19 nên hoạt động kinh doanh của công ty gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong năm tài chính này, CMF đã xuất sắc hoàn thành vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021.
Tổng doanh thu của công ty đạt 2.513,046 tỷ đồng, đạt 100,5% kế hoạch, tăng trưởng 11,0% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 232,484 tỷ đồng, đạt 101,1% kế hoạch, tăng trưởng 4,1% so với năm 2020.
Tổng tài sản đầu kỳ là 1.011,34 tỷ đồng thì đến cuối kỳ đã tăng lên mức 1.161,85 tỷ đồng (tăng 12,9 %). Tỷ lệ doanh thu thuần trên tổng tài sản năm 2021 là 215,9%.
Đến 31/12/2021, công ty không có nợ phải trả quá hạn. Hệ số thanh toán ngắn hạn năm 2021 là 1,78 >1, tài sản ngắn hạn của Công ty đã đảm bảo được khả năng để thanh toán nợ ngắn hạn.
Năm 2022, Cholimex dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Cùng với đó, tình hình dịch diễn biến phức tạp, giá cả nguyên liệu, đặc biệt là nhiên liệu tăng rất cao, lao động phổ thông khan hiếm là các thách thức lớn đối với các doanh nghiệp cũng là thách thức lớn của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, CMF đã đặt mục tiêu kinh doanh năm 2022 với tổng doanh thu là 3.000 tỷ đồng, tương đương 119,4% kế hoạch của năm 2021. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng lên mức 250 tỷ đồng (107,5% so với năm 2021). Lợi nhuận sau thuế sẽ là 200 tỷ đồng. Công ty cũng dự định tủy lệ chia cổ túc là từ 15% mệnh giá trở lên.
Hiện, CMF có 1.980 lao động. Thu nhập trung bình của người lao động trong năm 2021 là 14,575 triệu đồng/người/tháng.