Công ty bắt nhân viên ăn khổ qua vì không đạt doanh số: Cộng đồng mạng bức xúc; ông chủ nói lý do bất ngờ

Tất Đạt |

Những video cho thấy hình phạt oái oăm tại nơi công sở đang gây ra bức xúc đối với cộng đồng mạng.

Hình phạt ăn khổ qua

Một công ty Trung Quốc đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội trên mạng sau khi có thông tin cho rằng họ ép nhân viên không đạt được mục tiêu hiệu suất phải ăn khổ qua sống.

Công ty giáo dục và đào tạo Suzhou Danao Fangchengshi Information Consulting, có trụ sở tại tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, đã yêu cầu hàng chục nhân viên, mỗi người ăn cả quả khổ qua sống như một hình phạt vì không đủ doanh số. Hình ảnh những nhân viên ăn khổ qua được ghi lại trong một video được đăng tải ngày 15/6 bởi một nhân viên họ Zhong.

Đại diện công ty nói với hãng truyền thông Baixing Guanzhu rằng hoạt động này là một phần của kế hoạch thưởng - phạt được đề xuất, và đã được đồng ý, bởi nhóm nhân viên xuất hiện trong video.

Đại diện này nói: "Con người theo lẽ thường sẽ tránh đau khổ và theo đuổi hạnh phúc. Nếu không muốn ăn khổ qua, họ sẽ làm việc chăm chỉ hết sức mình".

Công ty bắt nhân viên ăn khổ qua vì không đạt doanh số: Cộng đồng mạng bức xúc; ông chủ nói lý do bất ngờ - Ảnh 1.

Đại diện công ty cho biết các nhân viên đã đồng ý với quy định thưởng - phạt do công ty đề ra. Các luật sư cho biết nhân viên hoàn toàn có thể phản đối nhưng ít người làm như vậy vì sợ mất việc.

Trong khi đó, phản ứng của cộng đồng mạng Trung Quốc là kiên quyết đứng về phía nhân viên.

"Tôi thực sự đã bật cười khi nghe đó là 'việc tự nguyện'. Chúng ta đang sống trong thời đại thật quá khó khăn", một người nói.

"Tôi thà bị công ty sa thải còn hơn bị trừng phạt theo cách nhục nhã như vậy", một người khác bình luận.

Nhiều người đã chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về những hình phạt phi lý mà người sử dụng lao động đưa ra, chẳng hạn như bắt ăn mù tạt, ớt hoặc uống các loại nước gây khó chịu.

Tháng 10 năm ngoái, một công ty ở tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc đã gây sốt sau khi phạt những nhân viên không đạt doanh số bán hàng bằng cách bắt họ ăn khổ qua với wasabi. Một nhân viên đã quay lại hình phạt và chia sẻ lên mạng.

Công ty bắt nhân viên ăn khổ qua vì không đạt doanh số: Cộng đồng mạng bức xúc; ông chủ nói lý do bất ngờ - Ảnh 2.

"Vị đắng của trái khổ qua chỉ là nhất thời, nhưng vị đắng của cuộc đời thì tồn tại mãi mãi. Hình phạt của công ty đã thúc đẩy chúng tôi làm việc chăm chỉ hơn", nhân viên giấu tên trong video viết.

Tháng 9 năm ngoái, một nữ nhân viên bán hàng của công ty bất động sản ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, đã rời chỗ làm trong vài phút để đỗ lại ô tô và bị phạt thực hiện 50 lần động tác nhảy ếch trên giày cao gót. Việc này khiến cô bị chấn thương cơ.

Yuan Yayang, luật sư lao động của Văn phòng luật DeHeng, nói với SCMP rằng hình phạt trong video vi phạm luật lao động của Trung Quốc.

Luật lao động cũng quy định rằng nhân viên có quyền đàm phán hợp đồng và các quy tắc mà họ cho là không phù hợp, nhưng nhân viên hiếm khi làm như vậy vì sợ mất việc.

Tác dụng ngược của các hình phạt

Theo CNBC, Katherine Morgan Schafler, nhà trị liệu tâm lý và là tác giả của cuốn sách tâm lý về các hình phạt, cho biết các hình thức phạt nơi công sở không thúc đẩy sự phát triển của nhân viên.

"Trừng phạt không có tác dụng", bà viết trong cuốn sách của mình. "Khi chúng ta trừng phạt ai đó, người đó không học cách thay đổi; họ học cách tránh thứ khiến họ bị phạt".

Công ty bắt nhân viên ăn khổ qua vì không đạt doanh số: Cộng đồng mạng bức xúc; ông chủ nói lý do bất ngờ - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, hình phạt có thể bị nhầm lẫn với những thứ như: kỷ luật, trách nhiệm cá nhân và nhân quả. Cụ thể:

- Trừng phạt và kỷ luật: "Trừng phạt khiến con người chịu đau khổ. Kỷ luật giúp cải thiện hành vi". Theo đó, trừng phạt là để kiểm soát và ngăn cản hành vi tiêu cực trong khi kỷ luật là cách thúc đẩy và tăng hành vi tích cực.

- Trừng phạt và trách nhiệm cá nhân: Trách nhiệm cá nhân là thừa nhận sự thiếu sót của bản thân để tìm ra giải pháp. Trong khi đó, hình phạt sẽ không mang lại một kế hoạch nào khác ngoài đổ lỗi cho những người bị phạt.

- Trừng phạt và nguyên tắc nhân quả: Trừng phạt dùng nỗi sợ hãi để khiến con người thay đổi, nhưng nhân quả dựa sẽ giúp con người hiểu các lựa chọn để làm những thứ tốt hơn - cho dù đó là thứ mà họ không thích. Thay vì sợ hãi hành động, nhân quả có thể khuyến khích con người hành động theo cách sẽ mang lại kết quả tích cực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại