Công trình 'khủng' xuyên qua dãy núi dài bậc nhất hành tinh tại Tân Cương: Kết nối Trung Quốc với Trung Á

Hữu Hiển |

Tân Cương sẽ hoàn thành đường hầm cao tốc dài nhất thế giới vào năm 2025, một phần của dự án củng cố các mối liên kết trong biên giới Trung Quốc cũng như với khu vực Trung Á.

Công trình khủng xuyên qua dãy núi dài bậc nhất hành tinh tại Tân Cương: Kết nối Trung Quốc với Trung Á - Ảnh 1.

Đường hầm cao tốc Tianshan Shengli đang được xây dựng sẽ trở thành đường hầm dài nhất thế giới khi hoàn thành, giúp tăng cường kết nối giữa Trung Quốc và Trung Á. Ảnh: weibo

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), Trung Quốc đang xây dựng đường hầm cao tốc dài nhất thế giới - một dự án sẽ xuyên qua qua một trong những dãy núi dài nhất hành tinh và mở ra những con đường mới để thúc đẩy giao thương giữa khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc và khu vực Trung Á.

Đường hầm cao tốc dài nhất thế giới

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, đường hầm Tianshan Shengli - một đoạn quan trọng của đường cao tốc Urumqi-Yuli - sẽ đóng vai trò là tuyến giao thông then chốt giữa nửa phía nam và phía bắc của Tân Cương.

Đây được coi là dự án lớn nhất và khó khăn nhất mà Trung Quốc từng thực hiện. Khu tự trị Tân Cương hiện đang bị dãy núi Thiên Sơn hùng vĩ chia cắt về mặt địa lý thành phía bắc Tân Cương và phía nam Tân Cương. Một khi đường hầm cao tốc này xây dựng xong, rào cản tự nhiên này sẽ bị vượt qua một lần và mãi mãi.

Đường hầm Tianshan Shengli có tổng chiều dài 22,1km khi hoàn thành và là đường hầm dài nhất thế giới hiện đang được xây dựng.

Dự kiến thông xe vào cuối tháng 10/2025, đường hầm Tianshan Shengli sẽ giảm thời gian di chuyển qua dãy núi Thiên Sơn xuống còn khoảng 20 phút, và hành trình từ thủ phủ Urumqi đến Korla - hai thành phố đông dân nhất Tân Cương - sẽ rút ngắn thời gian từ hơn 7 tiếng xuống còn khoảng 3 tiếng.

Xu Tianchen - nhà kinh tế của đơn vị phân tích nghiên cứu The Economist Intelligence Unit có trụ sở tại Anh - cho biết: "Việc hoàn thành [đường hầm cao tốc] chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho tăng trưởng kinh tế và thương mại ở những vùng kém phát triển của Tân Cương".

Chuyên gia Xu cho biết thêm, khi Trung Quốc xây dựng mối quan hệ ngoại giao và kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Á, khu tự trị Tân Cương sẽ ngày càng trở thành điểm tựa quan trọng vừa là thị trường cuối cùng vừa là điểm trung chuyển, với khả năng phát triển cơ sở hạ tầng nhiều hơn để tăng cường kết nối, bao gồm cả việc xây dựng Đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan.

"Sáng kiến Vành đai và Con đường đang tập trung nhiều hơn vào rủi ro hoạt động và lợi nhuận đầu tư. Theo nghĩa đó, Trung Á mang lại sự kết hợp giữa rủi ro và lợi nhuận hợp lý, đặc biệt là với nguồn dự trữ năng lượng dồi dào và tình hình an ninh ở mức chấp nhận được", chuyên gia Xu nói.

Công trình khủng xuyên qua dãy núi dài bậc nhất hành tinh tại Tân Cương: Kết nối Trung Quốc với Trung Á - Ảnh 2.

Đường hầm Tianshan Shengli xuyên qua dãy núi Thiên Sơn là một đoạn quan trọng của đường cao tốc Urumqi-Yuli ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.

Tương lai trở thành khu vực thương mại tự do

Theo Hải quan Urumqi, trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch ngoại thương của khu tự trị Tân Cương đạt mức cao kỷ lục 287 tỷ nhân dân tệ (tương đương 40,5 tỷ USD), tăng gần 50% so với một năm trước đó.

Theo SCMP, Trung Quốc cũng cố gắng tận dụng các lợi thế địa lý đặc biệt của Tân Cương – đặc biệt là đường biên giới chung với 8 quốc gia, bao gồm Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Pakistan, tất cả đều là hạt nhân trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Peng Peng - Chủ tịch điều hành của Hiệp hội Cải cách Quảng Đông, một tổ chức nghiên cứu có liên hệ với chính quyền tỉnh Quảng Đông - cho biết, mạng lưới giao thông được tăng cường sẽ giúp kết nối cơ sở hạ tầng ngày càng rộng lớn hơn của Tân Cương với Trung Á.

"Hiện đã có rất nhiều tuyến đường sắt, đường cao tốc và hàng không, trong khi việc trao đổi văn hóa như du lịch theo đoàn và du lịch tự túc còn tương đối ít ỏi. Tuyến đường mới có thể giúp đa dạng hóa các phương thức thương mại và thậm chí mở rộng sang trao đổi văn hóa và du lịch hơn nữa", Peng nói.

Vào đầu tháng này, Bắc Kinh cũng tiết lộ kế hoạch thành lập một trung tâm thương mại tự do mới tại Tân Cương.

Theo một thông báo đăng trên trang web của Quốc vụ viện Trung Quốc, một kế hoạch thí điểm sẽ được triển khai ở ba địa điểm trong khu tự trị – Kashgar, Khorgos và Urumqi – và có thể phải mất tới 5 năm trước khi Tân Cương chính thức trở thành khu vực thương mại tự do.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại