Nguyên lý hoạt động của thiết bị này tương tự như pin mặt trời, nhưng nó có khả năng thu thập và chuyển đổi các dạng năng lượng khác như tín hiệu vệ tinh, âm thanh, wi-fi thành điện. Để làm được điều này, các nhà khoa học đã sử dụng một loại siêu vật liệu, cho phép bắt lấy nhiều loại sóng năng lượng khác nhau.
Cụ thể hơn, họ gắn một chuỗi 5 bảng mạch với dây dẫn điện được làm bằng đồng và sợi thủy tinh để chuyển sóng vi ba 7.3 vol thành điện. Để dễ hình dung thì các thiết bị sạc USB của các thiết bị di động có năng lượng vào khoảng 5 vol.
Hiện nay thì hiệu suất chuyển đổi của các thiết bị này đạt khoảng 37%, tương đương với hiệu suất của các tế bào quang điện hiện đại. “Cho đến hiện tại thì hầu hết các ứng dụng của siêu vật liệu mới chỉ nằm trên lý thuyết. Chúng tôi muốn chứng minh rằng, với 1 chút nỗ lực thì các vật liệu này sẽ được ứng dụng vào sản xuất và tiêu thụ trên thực tế” Katko – thành viên của đội nghiên cứu phát biểu.
Phát minh mới này mở ra rất nhiều ứng dụng trong cuộc sống thường ngày như giấy dán tường bằng siêu vật liệu giúp chuyển hướng và tái tạo lại 1 phần sóng wifi. Phổ biến hơn, các nhà sản xuất có thể tạo ra một thiết bị sạc không dây tự động được gắn sẵn bên trong điện thoại giúp nó có thể liên tục sạc pin khi không sử dụng bằng các loại sóng xung quanh, thậm chí là từ chính sóng điện thoại của trạm phát sóng gần đó, một lợi thế cực kỳ lớn tại các khu vực hẻo lánh hoặc thiếu thốn điện năng.
Ở tầm cao hơn, hãy thử tưởng tượng các trạm thu sóng từ tín hiệu vệ tinh và chuyển đổi thành nguồn năng lượng dồi dào cho các thiết bị điện tử trên đỉnh núi hoặc giữa sa mạc, giúp chúng có thể hoạt động liên tục và cung cấp thông tin cho việc nghiên cứu khoa học. Với khả năng ứng dụng cao và giá thành sản xuất hợp lý, chúng ta có thể kỳ vọng vào tương lai nơi mọi nguồn sóng xung quanh có thể biến thành năng lượng điện thay vì lãng phí chúng một cách vô hình như hiện nay.
Thành Long
Nguồn: Sciencedaily.com