Theo tạp chí Gizmag, chiếc đèn pin LED hoạt động dựa trên hiệu ứng nhiệt điện với các tấm tạo ra điện từ sự chênh lệch nhiệt độ. Các tấm này được gắn bên ngoài một ống rỗng để khi cầm trên tay, một mặt của các tấm tạo ra điện được làm nóng bởi nhiệt từ bàn tay, trong khi không khí sẽ đi qua ống rỗng để đảm bảo mặt kia vẫn mát mẻ. Điện được tạo ra từ sự chênh lệch nhiệt độ giữa 2 mặt của các tấm này sẽ làm đèn LED phát sáng.
Makosinski đã tạo ra 2 phiên bản đèn pin khác nhau. Cái đầu tiên sử dụng ống làm từ nhôm, giúp hấp thụ nhiệt nhanh nhờ tính dẫn nhiệt cao, trong khi cái thứ hai thì được làm từ ống nhựa PVC.
Cả 2 mẫu đều làm việc tốt hơn khi sự chênh lệch giữa nhiệt độ xung quanh và nhiệt độ cơ thể càng lớn. Đèn pin sẽ làm việc được khi nhiệt độ không khí khoảng 10°C, nhưng chúng sẽ phát ra ánh sáng mạnh hơn nếu nhiệt độ ở mức 5°C. Tuy nhiên, Ann Makosinski cho biết cả 2 chiếc đèn pin vẫn có thể phát sáng ổn định trong vòng 20 phút, ngay cả trong nhiệt độ ấm hơn.
Chi phí cuối cùng để tạo ra một chiếc đèn pin này là vào khoảng 25 USD, nhưng nếu được sản xuất hàng loạt thì giá cả sẽ xuống thấp hơn.
Makosinski cùng với 14 nhà phát minh trẻ lọt vào vòng chung kết của Hội chợ Google Science Fair sẽ đến hội trại do Google tổ chức ở trụ sở tại Mountain View, California vào tháng 9, nơi các thành viên được chia thành ba nhóm tuổi, và mỗi nhóm sẽ có một người chiến thắng. Một học bổng trị giá 50.000 USD của Google sẽ được trao cho người giành giải thưởng chung cuộc, cùng với đó là chuyến du lịch đến quần đảo Galapagos.
Makosinski nói về thiết kế và giải thích cách thức hoạt động của Hollow Flashlight