Anh Lê Hữu Đức (Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương), một trong những nạn nhân của hàng “dựng” kể lại: “Theo địa chỉ rao trên mạng, tôi ra một cửa hàng ở đường Trần Phú (quận 5, TP.HCM) mua iPhone 4S. Chủ cửa hàng đưa ra một chiếc iPhone 4S nguyên hộp và khẳng định hàng xách tay mới 100%. Tôi cẩn thận thử up firmware, kiểm tra serial thấy đều trùng khớp và quyết định mua nó và được chủ cửa hàng cam kết bảo hành 3 tháng. Hết hạn bảo hành được vài ngày thì máy liệt phím home. Tôi đem ra tiệm bạn sửa thì bạn tôi phán: 'Mày mua trúng hàng dựng rồi, mainboard đã bị đục'. Tôi đem điện thoại đến cửa hàng tố thì cửa hàng đổ do tôi đem sửa, thợ đục mainboard”.
Chung số phận với anh Đức, chị Thanh Tâm (quận 3, TP.HCM) mua iPhone 4 tại một cửa hàng trên đường 3-2 (quận 10, TP.HCM). Mua về xài chưa được tuần thì đứt dây mic. Chị đem ra cửa hàng bảo hành thì bị từ chối vì cho rằng chị làm rơi nên máy hư. Cãi vã một trận tơi bời, cửa hàng vẫn không đồng ý bảo hành. Chị đem máy ra tiệm sửa chữa thì thợ cho biết đó là hàng “dựng”, loa và mic của máy là hàng đểu.
Ở TP.HCM có rất nhiều tiệm bán điện thoại iPhone dưới dạng xách tay. Một kỹ thuật viên sửa chữa điện thoại khẳng định: “Đa số cửa hàng này đều bán hàng dựng”. Không chỉ ở các thành phố lớn, hàng “dựng” đang tràn về các tỉnh. “Người trong nghề nhiều khi còn bị lừa, người bình thường thì bị các cửa hàng bán hàng 'dựng' qua mặt cái rụp”, anh Nguyễn Anh Phi, kỹ thuật viên của một cửa hàng Apple Store tại TP.HCM cho biết.
Kiểm tra IMEI trên website của Apple là một cách đơn giản tránh mua phải hàng “dựng”.
Cách phân biệt hàng "dựng"
Việc phân biệt hàng “dựng” với hàng thật là một bài toán khó đối với người không có kinh nghiệm. Các chuyên gia trong nghề đã đúc kết một số “chiêu” để mách cho người tiêu dùng. Với hàng “dựng”, vỏ hộp in ấn không sắc nét, số IMEI cũng không rõ ràng, nắp và hộp không khít. Với iPhone 4 và 4S, nếu là hàng dựng, vỏ viền inox thường được sơn lại, do đó cầm không mượt, đưa qua lại không có ánh kim như hàng thật. Giắc cắm sạc nếu quan sát kỹ sẽ thấy thiếu độ tinh vi, đôi khi màu sắc của giắc và vỏ máy không đồng bộ, hai con ốc gắn nắp sau với thân máy không sắc sảo, quan sát kỹ sẽ thấy bị trầy xước và được sơn phủ lên.
Máy dựng thì khay sim cũng lồi lõm không phẳng liền với sườn máy. Với máy dựng, màn hình có độ sắc nét kém so với máy thật. Dùng tay ấn hơi mạnh một chút lên màn hình, máy xịn thường vẫn giữ nguyên chất lượng hình ảnh, trong khi nếu thực hiện tương tự với iPhone 4/4S dựng, hiện tượng loang màu thường hay xảy ra và cũng dễ thấy. Máy thật khi đưa vào tối sẽ kín sáng, máy dựng thường hở nhiều đốm sáng quanh viền màn hình.
Một cách kiểm tra nữa đó là người mua hãy thử chơi nhạc bằng loa ngoài của iPhone 4/4S, sau đó dùng một tay thử bít lần lượt một trong hai lỗ loa của máy. Nếu âm lượng giảm đột ngột thì đó là hàng thật, bởi iPhone 4/4S hàng thật chỉ có một loa, cửa loa còn lại thực chất là mic. Với hàng dựng, thợ đôi khi ráp hai loa, nên nếu bịt lỗ loa thay nhau thì âm thanh vẫn không giảm. Camera của máy iPhone 4/4S xịn khi chụp máy sẽ tự động lấy nét, máy dựng thì người chụp phải chạm tay vào màn hình để lấy nét. Hình chụp máy dựng cũng kém xa máy xịn về độ sắc nét.
“Cách đơn giản nhất để kiểm tra iPhone mua mới 100% là kiểm tra IMEI của máy trên trang chủ của Apple. Người mua mở settings của điện thoại, vào general tra số IMEI. Sau đó vào trang www.apple.com, nhấn vào sevice - check và đánh số IMEI vào rồi check. Nếu là hàng chính hãng mới 100% thì trang web sẽ báo đây là sản phẩm của Apple và yêu cầu kích hoạt để sử dụng. Nếu trang web báo máy này đã kích hoạt rồi thì phải xem xét lại, coi chừng trúng hàng 'dựng' hoặc hàng cũ đã sử dụng”, anh Chu Võ Kim Long - Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Tin học BNI (quận 5, TP.HCM) cho biết.
Cách thức an toàn nhất là mua hàng chính hãng. Hiện tại ở Việt Nam, chỉ có 3 nhà phân phối được phép bán iPhone chính hãng là Viettel, VinaPhone và FPT. Người dùng cần mua phụ kiện chính hãng cũng nên đến các đại lý chính thức được Apple ủy quyền tại Việt Nam để tránh bị lừa.