Facebook tuyên chiến với nhà mạng toàn thế giới?

Facebook thâu tóm Whatsapp với giá 19 tỷ USD, nhưng không nhiều người biết rằng con số đó quá nhỏ bé so với 100 tỷ USD mà các nhà mạng toàn thế giới đang thu về từ tin nhắn.

Con số 19 tỷ USD mà Facebook bỏ ra khiến nhiều người sững sờ và cho rằng Facebook đã định giá quá cao một ứng dụng có số lượng người dùng bằng một nửa hãng và khả năng tài chính yếu hơn rất nhiều. Nhưng một con số khác có thể khiến giới công nghệ giật mình là số lượng tin nhắn trên Whatsapp đã vượt tổng lượng tin nhắn trao đổi thông qua các nhà mạng di động trong năm vừa qua.

Vào tháng 1 vừa qua, CEO Whatsapp cho biết mỗi ngày tổng lượng tin nhắn trên Whatsapp là khoảng hơn 50 tỷ, tức là khoảng 18,3 nghìn tỷ tin nhắn mỗi năm. Trong khi đó theo ước tính thì tổng lượng SMS toàn cầu là 8,16  nghìn tỷ trong năm 2013, dù rằng gần như mỗi người trên Trái Đất đều đang sở hữu một thiết bị di động, khi thế giới hiện có 6,8 tỷ thiết bị di động đang hoạt động, theo Infoma.

Thành quả của Whatsapp và các ứng dụng OTT khác đang làm nhà mạng khắp nơi lo lắng. Ở Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng của Viettel cho hay “Viber xuất hiện gây xôn xao Viettel”. Một số nguồn tin khác thì cho rằng nhà mạng Việt đang mất vài trăm tỷ doanh thu mỗi năm (trong tổng số hàng trăm tỷ doanh thu) vì sự xuất hiện của các ứng dụng OTT.

Có một điều lưu ý là tin nhắn SMS bình thường thì sẽ mất phí, dù khá nhỏ. Còn tin nhắn qua OTT thì miễn phí. Vì thế, khi dùng OTT, chúng ta có xu hướng nhắn nhiều tin hơn và không “tiết kiệm từng chữ” như khi nhắn qua SMS. Nhưng không thể phủ nhận rằng OTT đang khiến các nhà mạng toàn cầu lo lắng.

Đối mặt với sự sụt giảm này, các nhà mạng đã tung ra nhiều chiêu bài như “vận động hành lang” chính quyền chặn các OTT như ở Hàn Quốc, thu phí dữ liệu 3G/4G dùng OTT với mức giá cao hơn dữ liệu sử dụng thông thường, tự phát triển ứng dụng OTT riêng hoặc hợp tác với nhau ra mắt thế hệ OTT mới như Joyn của liên minh GSMA. Và cuối cùng là “không đánh được thì đàm” hợp tác chia sẻ doanh thu với các ứng dụng OTT.

Thế nhưng các ứng dụng OTT vẫn phát triển mạnh mẽ: Whatsapp tăng gấp đôi lượng người dùng sau 10 tháng, hay LINE tăng gấp 3 lần lượng cài đặt lên 300 triệu lượt chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm.

Với sự hỗ trợ tài chính từ Facebook và việc thoát khỏi ách quảng cáo của Facebook trong thời gian tới, Whatsapp sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Và giờ các nhà mạng toàn cầu đang đứng trước thế lực lớn của thế giới chứ không chỉ là những mảnh ghép lớn như LINE hay Whatsapp, Kakao Talk khi xưa.

Vậy các nhà mạng có thể làm gì chủ động hơn trong ứng phó với OTT. Đó có thể là việc hoạt động theo mô hình OTT hoặc có hình thức chia sẻ lợi nhuận linh hoạt với các ứng dụng OTT này.

Một dự báo được đưa ra trước đây của hãng phân tích Infoma cho rằng doanh thu tin nhắn và cuộc gọi toàn thế giới sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng tới năm 2016 do mấy nguyên nhân sau: OTT chưa phổ biến ra toàn cầu, người dùng các ứng dụng OTT chưa thể liên lạc với nhau và người dùng OTT vẫn phải gọi cho những người chưa dùng OTT thông qua nhà mạng.

Tuy nhiên, động thái Facebook mua Whatsapp đang đặt cho nhà mạng toàn cầu nhiều bài toán lớn và liệu họ sẽ giải bài toán này như thế nào?

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại