Phần mềm nhắn tin, gọi điện miễn phí trên smartphone không còn xa lạ với người dùng Việt Nam. Cuộc chiến giành thị phần của các tên tuổi lớn là tâm điểm của làng công nghệ trong năm 2013. Từ Viber, Line, KakaoTalk đến Zalo đều quảng cáo dịch vụ của họ miễn phí nhưng tốn hàng triệu USD cho quảng cáo. Vậy OTT kiếm tiền bằng cách nào để bù đắp chi phí?
Điều mà mọi người nghĩ đến đầu tiên có lẽ là quảng cáo, tuy nhiên nếu từng sử dụng qua các dịch vụ này có thể thấy, quảng cáo gần như không xuất hiện (không tính các tin nhắn spam mà người dùng gặp phải). Như vậy, quảng cáo có thể là nguồn thu, nhưng không phải nguồn thu chính của các dịch vụ này. Một vài dịch vụ như KakaoTalk, Viber, Tango, Line sử dụng cách kiếm tiền phổ biến khác là bán các sticker ngộ nghĩnh cho phần mềm chat. Người dùng sẽ phải trả một khoản phí để download các sticker này. Ngoài ra, một số thương hiệu muốn quảng bá hình ảnh của mình thông qua sticker cũng có thể được các tên tuổi này phân phối giúp. Phổ biến hiện nay là hình ảnh các nhân vật hoạt hình Despicable Me 2 trên Facebook.
Line là ứng dụng OTT tiêu biểu cho việc biết kiếm tiền nhanh. Hãng này nhanh chóng phát triển nền tảng game để tận dụng lượng người trên phần mềm này tải các trò chơi và mua vật phẩm, bỏ qua các chướng ngại vật để lên level. Biến OTT thành một nền tảng game cũng là mục tiêu mà nhiều ứng dụng khác đang hướng tới.
Nếu như phần lớn các ứng dụng OTT là miễn phí, thì vẫn có những khoản người dùng phải trả phí. WhatsApp là ứng dụng như vậy. Người dùng phần mềm này sau thời gian sử dụng miễn phí sẽ phải đăng ký thuê bao 0,99 USD/năm để sử dụng. WhatsApp là một trong những dịch vụ OTT đầu tiên, cũng là dịch vụ mà không sử dụng bất cứ chiêu chò, hay quảng cáo nhưng vẫn thu hút được cực nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các OTT miễn phí xuất hiện nhiều, cách thức kiếm tiền này được các chuyên gia cho là không khôn ngoan. Người dùng sẵn sàng rời bỏ để chuyển sang dịch vụ khác. Bằng chứng việc WhatsApp chỉ “hot” trong thời gian đầu và hoàn toàn mất hút tại Việt Nam. Thế nhưng không quảng cáo, không trò chơi, không bán vật phẩm, đây dường như là cách thức duy nhất kiếm tiền của công ty này trước khi Facebook mua lại ngày hôm nay.
Ngoài ra, việc quảng bá các thương hiệu lớn, bán hình nền, nhạc… cũng là nguồn thu lớn cho các OTT. Ước tính, với hàng triệu người dùng, chỉ 10% trong số đó sẵn sàng một USD để mua vật phẩm, các OTT này đã thu được hàng triệu USD.
Dẫn đầu thị trường OTT tại Việt Nam với 8 triệu khách hàng, đến nay Viber vẫn chưa có động tĩnh gì trong việc kiếm tiền. Ở thị trường quốc tế, hãng này đã giới thiệu gói Viber Out cho phép gọi điện từ OTT đến số máy bàn với phí rẻ và dịch . Tuy nhiên, sau khi được bán lại cho công ty Nhật Bản với giá 900 triệu USD, chưa công ty này sẽ có những cải tiến cũng như cách kiếm tiền nào cho Viber.
Trong khi đó, tên tuổi nội duy nhất trong cuộc đua OTT là Zalo lại bắt đầu với hướng đi riêng. Đầu 2014, Zalo được McDonald’s chọn là đối tác đầu tiên tại Việt Nam. Theo đó, với 7 triệu khách hàng trẻ, McDonald’s chọn Zalo là kênh quảng bá cho việc xuất hiện tại thị trường Việt Nam cũng như tặng các suất ăn miễn phí trước ngày khai trương.
Không chỉ McDonald’s, Zalo cũng đã kết hợp với CocaCola để quảng bá hình ảnh tới khách hàng trẻ. Nhiều tên tuổi trong lĩnh vực thức ăn nhanh, di động, thời trang như Noir, Maschino, KFC, LG Mobile, Domino’s Pizza cũng đã chọn Zalo để tiếp cận khách hàng.
Zalo không “bắn” thông báo quảng cáo nếu khách hàng chưa bấm quan tâm đến nhãn hiệu mà mình chọn. Do đó, người dùng không bị làm phiền và lượng khách hàng quan tâm đến nhãn hiệu cũng chính xác hơn. Việc kết hợp cùng các nhãn hiệu nước ngoài lớn cũng giúp Zalo giữ đúng tiêu chí miễn phí của mình.
Theo nhiều chuyên gia, hướng đi của Zalo nhắm vào các nhãn hàng thương mại trong thời điểm hiện nay là bước đi thông minh. Theo đó, các tên tuổi có thể nhanh chóng tiếp cận với khách hàng của mình, trong khi người dùng cũng sớm nắm bắt các thông tin mua sắm, khuyến mãi và sử dụng ngay chính Zalo để giao dịch.
Một giả thiết khác cũng hoàn toàn có thể xảy ra, đó là thông tin người dùng. Lý lịch, các cuộc trò chuyện của người dùng trên các dịch vụ này hoàn toàn có thể bị theo dõi bởi nhà cung cấp, sẽ có những đối tượng hoặc các chính phủ sẵn sàng bỏ tiền, thậm chí là số tiền cực lớn cho những thông tin đó. Tất nhiên điều này chỉ là dự đoán, và chẳng công ty nào thừa nhận thông tin này cả.