Điểm danh các đối thủ của WhatsApp

Facebook vừa tuyên bố đồng ý mua lại dịch vụ OTT WhatsApp với giá 19 tỷ USD bằng tiền mặt và cổ phiếu.

Thông tin này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao Facebook lại sẵn sàng bỏ số tiền nhiều gấp tới 6 lần so với số tiền hãng từng bỏ ra để đề nghị mua lại Snapchat, một dịch vụ nhắn tin cũng rất nổi tiếng khác?

Thời báo Wall Street Journal cho biết, trong một cuộc hội đàm qua điện thoại, Giám đốc tài chính David Ebersman của Facebook đã giải thích số lượng tin nhắn trên WhatsApp gần tương đương với toàn bộ tin nhắn SMS trên toàn cầu.

WhatsApp hiện có khoảng 450 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, và trong số đó, có 320 triệu người đăng nhập vào ứng dụng hàng ngày. Năm 2012, báo South China Morning Post đưa tin, WhatsApp từng được 45% người dân Hong Kong sử dụng.

WhatsApp hiện có trên mọi phiên bản di động, từ iOS của Apple, Android của Google, Windows Phone của Microsoft, BlackBerry và thậm chí cả hệ điều hành đã hết thời Symbian của Nokia.

Trong một thế giới mà các ứng dụng nhắn tin nở rộ như nấm sau mưa, có một số thứ mà WhatsApp nổi bật hơn so với các ứng dụng khác: WhatsApp không đặt quảng cáo trong ứng dụng, không xây dựng bất cứ dịch vụ "cộng thêm" nào như game, dịch vụ định vị hay bán lẻ.

Tuy vậy, WhatsApp lại tính phí 1 USD/năm với người dùng sử dụng dịch vụ. WhatsApp nói thương vụ với Facebook sẽ cho phép họ tiếp tục hoạt động như một doanh nghiệp độc lập và sẽ không có gì thay đổi với người dùng. Trong khi những đối thủ châu Á khác của WhatsApp như Line, Kakao Talk và WeChat đều miễn phí, nhưng đang có xu hướng sử dụng ứng dụng nhắn tin làm nền tảng của một mạng xã hội các trò chơi và các dịch vụ mang lại doanh thu.

Dưới đây là danh sách các đối thủ của WhatsApp tại Mỹ và trên toàn cầu đáng chú ý mà Wall Street Journal ghi nhận:

Line

Do chi nhánh tại Nhật của cổng Internet Hàn Quốc Naver phát triển, Line cung cấp dịch vụ nhắn tin, gọi điện và chia sẻ ảnh, game, sách hài. Line cũng kiếm doanh thu bằng cách bán các sticker mà người dùng có thể "đinh" vào trong các đoạn chat với bạn bè.

Ra đời năm 2011, Line được tải miễn phí và rất phổ biến tại Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan. Line có hơn 340 triệu người dùng đăng ký (số lượng người dùng này khác và cao hơn lượng người dùng hoạt động hàng tháng). Công ty cho biết doanh thu quý 4/2013 tăng hơn gấp 5 lần, đạt 12,2 tỷ yên (120 triệu USD) từ mức 2,2 tỷ yên cách đây một năm. Phần lớn doanh thu của Line đến từ các trò chơi mà người dùng tải miễn phí nhưng sau đó lại bỏ tiền ra để mua các đồ vật trong game.

Kakao Talk

Kakao Talk của Hàn Quốc, ra mắt năm 2010, hiện có 133 triệu người dùng đăng ký. Giống nhiều đối thủ châu Á khác, Kakao Talk được tải miễn phí và cũng phát triển sang mảng game, thương mại điện tử và đọc sách di động. Kakao Talk đang nỗ lực phát triển ra ngoài thị trường Hàn Quốc. Công ty mẹ của Kakao Talk là Kakao Inc cho biết đang có kế hoạch sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của công ty lên sàn chứng khoán, với giá trị hơn 2 tỷ USD. Nguồn thu từ IPO sẽ được dùng để mở rộng Kaka Talk ra các thị trường mới.

WeChat

Tại Trung Quốc, ứng dụng nhắn tin đang thống lĩnh thị trường là WeChat của Tencent Holdings. WeChat cũng miễn phí tải về và hiện có 272 triệu người dùng hàng tháng ở Trung Quốc và nước ngoài. Tuy vậy, phần lớn người dùng WeChat là ở Trung Quốc, dù công ty rất tích cực phát triển dịch vụ ra nước ngoài. WeChat ra đời vào cuối năm 2010. Năm ngoái, hãng đã chi 200 triệu USD cho các chiến dịch quảng cáo ở nước ngoài nhằm đưa WeChat đến nhiều thị trường mới, như Ấn Độ, Nam Phi, Tây Ban Nha và Ý.

iMessage

iMessage của Apple cho phép người dùng iPhone gửi tin nhắn cho nhau mà không phải trả phí SMS cho nhà mạng. Ngoài ra, người dùng iPad, iPod Touch và Mac cũng có thể gửi tin nhắn cho những người dùng Apple khác qua iMessage. Dịch vụ này miễn phí, nhưng chỉ hạn chế trong các thiết bị của Apple, và người dùng phải đăng ký với Apple. Apple không tiết lộ số người dùng iMessage nhưng chắc chắn là rất đông đảo.

BBM

BBM – trước là BlackBerry Messenger – từng là một ứng dụng rất phổ biến với smartphone dành cho các doanh nhân, cho phép gửi tin nhắn bảo mật giữa người dùng BlackBerry với nhau hoàn toàn miễn phí. Nhưng khi thiết bị BlackBerry bắt đầu sa sút, BBM đã được tung ra trên các nền tảng khác. Quyết định này thực sự thành công, hiện nay BBM đã có khoảng 80 triệu người dùng hàng tháng, trong đó có 20 triệu người dùng BBM trên iOS và Android. BBM hiện được dùng để chat nhóm, chia sẻ ảnh và các tin nhắn chứa biểu tượng cảm xúc, thậm chí cả để gọi điện thoại.

Facebook Messenger

Mặc dù Facebook đã mua WhatsApp (tất nhiên còn phải đợi sự thông qua của cơ quan quản lý), nhưng bản thân hãng cũng đã có một vài dịch vụ nhắn tin riêng. Facebook Messenger, trên website và các ứng dụng của Facebook trên di động, cho phép gửi tin nhắn riêng và gửi theo nhóm. Facebook không nói rõ có bao nhiêu người dùng Facebook sử dụng Facebook Messenger hàng ngày, tuy có thể chỉ là một số nhỏ trong tổng số 1,2 tỷ người dùng nhưng rõ ràng là không hề nhỏ chút nào.

Instagram Direct

Instagram, ứng dụng chia sẻ ảnh mà Facebook đã mua lại năm 2012 với mức giá khá cao 1 tỷ USD lúc đó, hiên có 150 triệu người dùng hàng tháng – ít hơn nhiều so với WhatsApp. Sau khi Snapchat từ chối đề nghị mua lại với giá 3 tỷ USD của Facebook, Instagram đã ra tính năng mới trên ứng dụng di động, cho phép người dùng gửi tin nhắn và ảnh cho nhau.

Snapchat

Snapchat là ứng dụng nhắn tin cho phép người dùng gửi tin nhắn cho nhau, gửi ảnh và video có khả năng tự xoá. Snapchat phổ biến nhất tại Mỹ. Tính đến tháng 11/2013, Snapchat đã xử lý 400 triệu tin nhắn tự xoá mỗi ngày. Nhưng dù công ty được xem là hãng đi đầu trong mảng ứng dụng nhắn tin, Snapchat chưa bao giờ tiết lộ số người dùng. Hồi tháng 12, Snapchat cũng từ chối đề nghị mua lại với giá 3 tỷ USD của Facebook, mặc dù Snapchat khởi đầu chỉ với khoản đầu tư 50 triệu USD và đội ngũ kỹ sư chỉ có 15 người.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại