Cả thế giới lo sợ nạn mất cắp điện thoại di động

Trộm cắp điện thoại không phải điều hiếm gặp trong xã hội hiện đại song đã được nâng lên một “tầm cao” mới khi đi kèm theo các yếu tố bạo lực.

Tại Nam Phi, Chris Preece bị tấn công bằng rựa. Tại Mỹ, Megan Boken bị bắn hai phát vào ngực và cổ. Tại Anh, Keith Soons bị chọc thủng đầu bằng tuốc nơ vít. Ba người tại ba châu lục trở thành nạn nhân chỉ vì một món đồ duy nhất: điện thoại di động.

“Cậu thanh niên đang ở thời điểm rực rỡ nhất cuộc đời bị bỏ lại đến chết trên đường phố lạnh lẽo, tất cả chỉ vì một chiếc điện thoại”, một viên chức cảnh sát đã phát biểu như vậy sau cái chết của Soons năm 2011.

Khắp thế giới, trộm cắp điện thoại không chỉ gia tăng mạnh mẽ mà còn chuyển thành vấn nạn bạo lực mới, khiến các nhà hành pháp, chính phủ và quan chức ngành đau đầu tìm kiếm giải pháp. Chúng càng có cơ hội ra tay khi hàng ngày hàng giờ, hàng trăm triệu người mang theo những chiếc smartphone giá trị không nhỏ khi đi bộ, đi tàu điện ngầm hay phương tiện giao thông công cộng.

Tại Mỹ, nơi gần một nửa vụ cướp mỗi năm liên quan đến thiết bị di động, phòng cảnh sát đã phải tổ chức đội đặc nhiệm triệt phá thị trường chợ đen điện thoại. Thông thường, sĩ quan mặc thường phục vờ để bị trộm điện thoại rồi lần theo và tóm gọn người mua.

Tại Colombia, nơi 1,6 triệu điện thoại bị đánh cắp năm 2013, chính phủ đưa ra hàng loạt chương trình tuyên truyền mọi người đừng mua thiết bị ăn cắp. Trong một quảng cáo, máu tươi chảy ra từ điện thoại đang sử dụng, theo sau là thông điệp trên màn hình ngụ ý người mua chúng gián tiếp chịu trách nhiệm cho các vụ cướp dã man.

Tại Nga, cảnh sát Matxcova giảm nạn trộm cướp điện thoại bằng một thiết bị cầm tay có khả năng quét điện thoại trong vòng 4,5 mét để kiểm tra có khớp với danh sách đồ bị trộm hay không. Tuy nhiên, mối lo đi kèm lại là chiếc máy này có thể đọc được cả dữ liệu trên điện thoại.

Chính phủ Hàn Quốc cân nhắc luật mới yêu cầu nhà sản xuất điện thoại như Samsung phải tích hợp “công tắc tử thần” trong mọi điện thoại mới để nếu chúng bị đánh cắp sẽ ngay lập tức trở thành “cục gạch”.

Dù vậy, những nỗ lực đó cho đến nay không thấm tháp gì đến tệ nạn tội phạm đường phố vì các quốc gia không hợp tác cùng nhau.

Nhà mạng tại Mỹ, Úc và Anh chia sẻ danh sách đen các điện thoại bị đánh cắp để ngăn chặn chúng được kích hoạt lần nữa. GSMA, hiệp hội nhà mạng quốc tế, cũng giữ cơ sở dữ liệu tương tự dành cho các nhà cung cấp dịch vụ.

Song, nhiều tổ chức trên nhiều nước lại không chia sẻ dữ liệu ngoài biên giới, cho phép bọn tội phạm luân chuyển thiết bị trên toàn cầu trong mạng lưới ngầm trị giá tới 30 tỷ USD/năm.

Cựu chuyên gia bảo mật của Nokia cho hay: phần lớn các nước muốn giải quyết vấn đề trong phạm vi quốc gia. Khi những điện thoại “chạy” vòng quanh trái đất, các giải pháp buộc phải mang phạm vi toàn cầu.

Một vài nước đã bắt đầu làm việc cùng nhau. Chính phủ Mỹ và Mexico năm 2012 đồng ý vô hiệu hóa điện thoại mất cắp tại hai quốc gia để ngăn chặn tệ nạn buôn người xuyên quốc gia. Quan chức Mexico cho biết trùm ma túy Mexico thường sử dụng điện thoại ăn cắp được tại Mỹ để liên lạc với gia đình của nạn nhân buôn người.

Cùng năm này, chính phủ, cảnh sát và quan chức ngành khắp thế giới gặp gỡ tại Colombia để thảo luận về các phương thức chống lại tệ nạn buôn bán điện thoại mất cắp. Quan chức Samsung, Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ đều tham dự. Tuy nhiên, không có giải pháp nào được đưa ra.

Ảnh minh họa

Trách nhiệm của nhà sản xuất và nhà mạng?

Việc smartphone đáng giá cả mạng người còn phản ánh sự khác biệt giữa giá bán lẻ của từng khu vực. Cùng một chiếc iPhone tại Mỹ chỉ có giá 200 USD kèm hợp đồng trong khi tại Hồng Kông hay Brazil giá lên tới 2.000 USD do thuế nhập khẩu cao. Hồng Kông và Brazil lại không phải điểm tiêu thụ điện thoại trộm cắp duy nhất. Hàng ngàn thiết bị bị chuyển sang Nam Mỹ qua các trùm ma túy Colombia.

Nhà chức trách cho biết giải pháp giảm tệ nạn trộm cắp điện thoại không chỉ nằm ở phía cảnh sát mà còn ở ngành công nghiệp. Họ từng yêu cầu các hãng như Apple, Samsung bổ sung công nghệ mới cho phép vô hiệu hóa điện thoại khi bị mất cắp để giảm giá trị của chúng trên thị trường chợ đen.

Mùa hè năm ngoái, Apple và Samsung thông báo chức năng bảo mật mới để người dùng tự do xử lý thiết bị của mình trong trường hợp không may. Song, hiệu quả tính năng mới của Apple còn phải xem xét, trong khi nhà mạng lại chặn “công tắc tử thần” của Samsung để bảo toàn lợi nhuận từ việc bán bảo hiểm điện thoại.

Trong khi đó, tần số trộm cắp điện thoại kèm theo bạo lực càng trở nên trầm trọng hơn. Loại tội phạm này tăng mạnh tại các thành phố lớn trong năm 2013: gần 2.400 điện thoại di động bị mất cắp tại San Fransico (Mỹ), tăng 23% so với cùng kỳ năm 2012. Tại Colombia, 14 người bị giết để cướp điện thoại.

Juan Guillermo Gomez, luật sư 25 tuổi, bị đâm đến chết khi đang đi bộ về nhà từ một quán bar vào tháng 6/2012. Hai thủ phạm bị bắt và bỏ tù, một chịu 44 năm còn một 39 năm tù giam. Đồng phạm khác mới 17 tuổi và bị giam 5 năm tù.

Một năm sau đó, mẹ của Gomez, bà Emilia Ospina, cho biết bà “cảm thấy tiếc” cho những kẻ giết con trai bà. Chỉ vì một vài trăm đồng, chúng đã để mất quá nhiều thứ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại