Vừa qua, tại buổi thảo luận ở tổ, trả lời phóng viên VOV.VN, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc các chuyên gia Nhật Bản triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật là điều đáng mừng, cần phải hoan nghênh và đánh giá cao.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch bước đầu đã có cải thiện. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, cần phải có thời gian để đánh giá công nghệ này có áp dụng được trên thực tế hay không.
Theo ông Hà, sẽ có 3 chỉ tiêu cần đánh giá là: công nghệ, môi trường có cải thiện và chi phí thực hiện.
“Tôi cho rằng, việc đánh giá cần phải đi liền với khâu hết sức quan trọng là kiểm soát và xử lý tại nguồn. Hiện người Nhật mới chỉ thử nghiệm trên 1 đoạn.
Vì vậy, quan điểm là chúng ta phải kiểm soát từ nguồn, xử lý từ nguồn chứ không thể biến dòng sông thành chức năng vận chuyển nước thải”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Được biết, sáng 6/6, Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) đã công bố kết quả thí điểm công nghệ Nano - Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch của Nhật Bản.
Mẫu vật so sánh lớp bùn trước và sau khi xử lý. |
TS Kubo Jun - chuyên gia Nhật Bản cho biết, sau 3 tuần thử nghiệm, công nghệ Nano - Bioreactor cơ bản đáp ứng được yêu cầu, các chỉ số về độ dày bùn, mùi hôi giảm đáng kể và khớp với chỉ số dự kiến trước đó.
Cụ thể, độ dày bùn ở sông Tô Lịch cũng giảm rõ rệt. Cụ thể, tại điểm B cách cầu Hoàng Quốc Việt 50m, độ dày bùn giảm từ 91,3 cm xuống 72 cm.
Tại điểm C cách 110m, độ dày giảm từ 96,7 cm xuống còn 76 cm. Tại điểm D cách 210 m, độ dày bùn giảm từ 87,7 cm xuống còn 79 cm.
Về mùi hôi, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT JVE cho biết, sau 3 tuần triển khai thí điểm, mùi của nước sông giảm đáng kể dựa trên các chỉ số nồng độ NH3 và H2S. Tuy nhiên, kết quả đạt được sẽ rõ ràng hơn sau 2 tháng áp dụng công nghệ này./.
Từ ngày 16/5, Hà Nội triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản.
Đoạn sông Tô Lịch (từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về Cầu Giấy) được thí điểm lắp đặt 4 máy sục khí kèm các tấm vật liệu thiên nhiên.
Sau vài ngày đưa máy vào hoạt động, ở một đố điểm đặt máy, nước sông Tô Lịch bắt đầu chuyển màu từ đen sang trắng đục, lượng khí amoniac (NH3) gây mùi hôi thối giảm nhanh chóng, cùng với đó là lượng bùn giảm.