Thiết bị kích thích dây thần kinh chủ chốt dẫn lên não và có thể được sử dụng rộng rãi không chỉ trong trợ giúp học ngoại ngữ mà cả trong thu nhận kiến thức nói chung.
Tiếng Trung Quốc là một trong những ngôn ngữ khó học nhất trên thế giới. Trong ngôn ngữ này người ta sử dụng sự thay đổi thanh điệu đặc trưng để biểu hiện nghĩa của từ.
Trong nghiên cứu mới, được công bố trên Tạp chí Khoa học Giáo dục (Mỹ), các nhà khoa học đã cải thiện được đáng kể khả năng phân biệt thanh điệu tiếng Trung Quốc cho những người sinh ra ngoài biên giới Trung Quốc.
Họ làm được việc này nhờ áp dụng phương pháp kích thích không xâm lấn, trong thời gian hạn chế đối với dây thần kinh phế vị (thần kinh lang thang) – dây thần kinh dài nhất trong 12 dây thần kinh sọ, kết nối não bộ với phần còn lại của cơ thể.
"Việc kích thích không xâm lấn đối với hệ thần kinh ngoại biên giúp học tốt ngoại ngữ, mở ra hướng mới trong cải thiện khả năng nhận biết trong nhiều lĩnh vực" – ông Fernando Llanos, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu, cho biết như vậy,
"Đây là một trong những chứng cứ cho thấy, kích thích không xâm lấn dây thần kinh phế vị có thể cải thiện khả năng nhận biết, chẳng hạn như khả năng học ngoại ngữ" – Tiến sĩ Matthew Leonard, Trưởng nhóm phát triển thiết bị kích thích hệ thần kinh, cho biết như vậy.
Các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật không xâm lấn, gọi là kích thích thần kinh phế vị qua da (transcutaneous vagus nerve stimulation, tVNS). Phương pháp này dựa trên việc đặt vào trong tai một thiết bị kích thích nhỏ, có khả năng kích hoạt thần kinh phế vị nhờ các xung điện cường độ thấp.
Để thực hiện thí nghiệm với công nghệ mới, các nhà khoa học chọn lựa 36 người nói tiếng Anh để huấn luyện họ nhận biết 4 thanh điệu của tiếng Trung.
Những người tham gia thí nghiệm nhận được các xung điện cường độ thấp nhận biết thanh điệu tốt hơn khoảng 13% và đạt các kết quả nhanh hơn 2 lần so với những người thuộc nhóm đối chứng.
"Có quan điểm cho rằng, mọi người không thể học các mẫu câu âm thanh của ngoại ngữ mới trong tuổi trưởng thành, tuy nhiên công trình nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, điều đó là không đúng.
Các xung điện có thể cải thiện khả năng của não bộ nhanh hơn những gì tôi đã chứng kiến từ trước tới nay" – Giáo sư Bharath Chandrasekaran, đồng tác giả công trình nghiên cứu, cho biết như vậy.
Hiện giờ, các nhà khoa học kiểm tra xem các buổi học kéo dài với xung điện có thể ảnh hưởng tới khả năng phân biệt thanh điệu khó của những người tham gia hay không.
Việc kích thích thần kinh phế vị được áp dụng trong chữa trị bệnh động kinh, trầm cảm, mặc dù các nhà khoa học chưa biết cụ thể việc kích thích này có ảnh hưởng như thế nào đối với cơ thể. Tuy nhiên, phần lớn các phép trị liệu được biết đến đều sử dụng các dạng kích thích xâm lấn cùng máy phát xung điện cấy vào lồng ngực.
Trong tương lai, khả năng gây ra các tác nhân kích thích với việc sử dụng công nghệ đơn giản, không xâm lấn, có thể dẫn tới các ứng dụng an toàn, chi phí thấp.