Nghe có vẻ là một ý tưởng bất khả thi nhưng phương pháp biến đổi CO2 thành nhiên liệu mới của các nhà khoa học Mỹ và Canada hoàn toàn có tính khả thi khi áp dụng trong thực tế.
Công ty năng lượng sạch Carbon Engineering (Canada) mới đây đã hợp tác với ĐH Harvard nhằm tìm ra cách hút khí CO2 từ không khí, chuyển đổi thành nhiên liệu sử dụng cho xe hơi và máy bay. Nếu nghiên cứu này thành công và được triển khai trên quy mô lớn, nó sẽ mở ra một chương mới cho ngành công nghiệp năng lượng, góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trong năm 2011, các chuyên gia ước tính số tiền ít nhất phải chi ra để loại bỏ một tấn CO2 khỏi bầu khí quyển là 600 USD (hơn 12 triệu VND). Nếu tính trên tổng CO2 đang có trong bầu khí quyển, chi phí sẽ là một con số khổng lồ và không thể đong đếm.
Tuy nhiên phương pháp mới của các nhà khoa học tại ĐH Harvard và công ty Carbon Engineering hứa hẹn sẽ giúp giảm chi phí xuống chỉ còn 94 USD (khoảng 2 triệu VND).
Điều thú vị ở chỗ, phương pháp tách CO2 khỏi khí quyển và biến thành nhiên liệu không yêu cầu các công nghệ mới đắt tiền mà chỉ cần tận dụng những kỹ thuật đã có, điển hình được áp dụng trong các tháp làm mát và nhà máy giấy.
Kỹ thuật này gồm 3 bước chính. Đầu tiên, không khí bên ngoài sẽ được hút vào bên trong nhà máy. Chúng sẽ được tiếp xúc với chất lỏng dạng kiềm. Không khí sau đó sẽ được biến đổi trở thành một chất lỏng chứa CO2.
Quá trình tiếp tục trải qua một loạt các phản ứng hóa học thường được sử dụng trong các nhà máy giấy. Cuối cùng CO2 được cho phản ứng với Hydro để chuyển đổi thành nhiên liệu lỏng, sử dụng cho xe hơi hay máy bay.
Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm phương pháp tách CO2 khỏi không khí và biến đổi thành nhiên liệu tại một nhà máy ở Squamish, British Columbia, Canada. Hiện nhóm nghiên cứu đang tìm nguồn tài trợ cho dự án xây dựng dây chuyền quy mô công nghiệp để chế tạo nhiên liệu từ CO2.
Chi phí cho việc loại bỏ CO2 khỏi bầu khí quyển có thể tốn trong khoảng 3-5% GDP toàn cầu.
Ken Caldeira - một nhà khoa học cao cấp tại Viện Carnegie Institution khẳng định, con số 3-5% GDP toàn cầu cho thấy sự tốn kém trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Trong khi con người có rất nhiều cách giảm phát thải khí nhà kính không vượt quá 100 USD.
Mặc dù vậy, khi các giải pháp thông thường chưa thể phát huy tác dụng triệt để, công nghệ chuyển đổi CO2 thành nhiên liệu này vẫn có tiềm năng áp dụng đại trà trong tương lai.
Tham khảo Popular Mechanics