Điều đặc biệt ở hầm Dốc Sạn
Cao tốc Bắc Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm đưa vào khai thác từ ngày 19/5/2023 là đoạn cao tốc thi công vượt tiến độ 3 tháng. Đáng nói, trên tuyến có một hạng mục vượt tiến độ tới 6 tháng là công trình hầm Dốc Sạn.
Hầm xuyên núi Dốc Sạn qua tỉnh Khánh Hòa là một trong những công trình quan trọng trên cao tốc thành phần Nha Trang – Cam Lâm thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông.
Hầm Dốc Sạn thuộc gói thầu xây lắp 3 có tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, do Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) là đại diện quản lý nhà nước, giám sát thi công; Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là doanh nghiệp đầu tư và thi công.
Khởi công từ tháng 11/2021, Hầm Dốc Sạn có tổng chiều dài 1.480m, bao gồm hai đường hầm song song mỗi đường dài hơn 700m. Nhằm hoàn thành dự án sớm hơn dự kiến, chủ đầu tư đã mời những nhà thầu giỏi nhất trong lĩnh vực thi công hầm xuyên núi.
Công trường hầm được tổ chức thi công với 4 mũi khoan và gia cố, trong đó có hai mũi dành cho gia cố mái cửa hầm. Các đơn vị thực hiện thi công liên tục "3 ca, 4 kíp", với hiệu suất khoan khoảng 10m hầm mỗi ngày.
Tập đoàn Sơn Hải đã huy động tối đa nguồn lực với hơn 500 thiết bị và 1.500 công nhân, chia làm 3 ca làm việc không ngừng nghỉ, cả ngày lẫn đêm, để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Điểm đặc biệt của Hầm Dốc Sạn là việc Tập đoàn Sơn Hải đã đề xuất với Bộ GTVT về việc thay đổi thiết kế, sử dụng bê tông nhựa cho toàn bộ mặt đường hầm, giúp giảm tiếng ồn khi xe cộ lưu thông và nâng cao mỹ quan.
Hầm Dốc Sạn là hầm duy nhất ở Việt Nam được trải bê tông nhựa hoàn toàn. Theo ghi nhận của Báo điện tử Chính phủ, khi xe đi qua hầm, không còn xuất hiện tiếng "ù ù" như các hầm đường bộ khác.
Công nghệ NATM
Theo thông tin từ đại diện của Tập đoàn Sơn Hải, công ty đã triển khai công nghệ thi công hầm Dốc Sạn bằng phương pháp New Austrian Tunneling Method (NATM) của Áo, được biết đến là công nghệ hiện đại hàng đầu trên thế giới. NATM là phương pháp xây dựng ngầm phổ biến toàn cầu, nổi bật với những đột phá trong công nghệ bê tông phun.
Phương pháp NATM khai thác tối ưu các ưu điểm về khả năng tự chống đỡ của địa hình, được đánh giá là một trong những kỹ thuật kinh tế và hiệu quả nhất trong việc xây dựng hầm. Đồng thời, nó cũng giúp giảm thiểu chi phí về vật liệu, nhân công và rút ngắn tiến độ dự án.
Đặc biệt, NATM cực kỳ hiệu quả trong việc chống chịu áp lực địa chất tại các khu vực có nguy cơ động đất cao. Phương pháp này đã trở thành giải pháp chủ đạo trong việc xây dựng nhiều hầm đường bộ trên khắp thế giới.
Nhóm thi công hầm Dốc Sạn thuộc Tập đoàn Sơn Hải đã kinh nghiệm dày dặn trong việc xây dựng hầm xuyên núi tại nhiều địa điểm khác nhau nên đảm bảo tiến độ thông hầm sớm hơn kế hoạch.
Hơn nữa, đặc điểm địa chất của hầm Dốc Sạn, chủ yếu là đá cứng và không có đất lẫn, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các công nhân trong quá trình khoan thăm dò, nổ mìn, lấy đá và phun bê tông theo đúng quy trình kỹ thuật.
Để hoàn thành công việc này, đơn vị thi công đã triển khai hàng trăm cán bộ, công nhân viên cùng với hàng trăm máy móc, thiết bị hiện đại, làm việc không ngừng cả ngày lẫn đêm. Kết quả là hầm đã được thông vào tháng 5/2022, hoàn thành sớm hơn 6 tháng so với tiến độ dự kiến ban đầu.
Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm có chiều dài hơn 49 km, có điểm đầu tại huyện Diên Khánh, đi qua địa bàn huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa với tổng mức đầu tư 7.600 tỷ đồng, do Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hợp đồng BOT.
Dự án được khởi công vào tháng 9/2021, giai đoạn phân kỳ với quy mô chiều rộng 17 m, 4 làn xe, tốc độ 80 km/h, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai tháng vào tháng 9/2023. Thời gian vận hành khai thác hoàn vốn của dự án là 16 năm 4 tháng. Tuy nhiên, dự án thi công vượt tiến độ 3 tháng, do nỗ lực của chủ đầu tư Tập đoàn Sơn Hải.
Toàn tuyến có 4 trạm thu phí đặt tại các nút giao Diên Khánh, Suối Dầu, Cam Lâm và thành phố Cam Ranh. Hình thức thu phí tự động không dừng ETC, tuy nhiên trước mắt, dự án chưa thu phí theo hợp đồng BOT.
Dự án cao tốc Nha Trang – Cam Lâm hoàn thành đưa vào thông xe sớm góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp.