Ý tưởng sử dụng tên lửa phòng không để tấn công tiêu diệt mục tiêu mặt đất, mặt nước không phải gần đây mới xuất hiện. Tiêu biểu cho hình thức chiến thuật trên là những loại đạn đánh chặn RIM-66/67 "Standard Missile" trang bị trên nhiều tàu Hải quân Mỹ.
Nhờ các ưu thế như giá thành rẻ hơn tên lửa chống hạm và thời gian phản ứng rất nhanh, Standard Missile tỏ ra đặc biệt hữu hiệu khi chống lại đối tượng là tàu tấn công nhanh cỡ nhỏ.
Mặc dù không bay bám biển được như tên lửa hành trình chống hạm thực thụ nhưng nhờ tốc độ rất cao mà nó vẫn đủ sức xuyên thủng hệ thống phòng vệ của đối phương.
Điều này đã được chứng minh vào năm 1988, khi 6 tên lửa RIM-66 Standard MR và RIM-67 Standard ER phóng đi từ 2 tàu chiến Mỹ đã làm hỏng nặng chiếc khinh tốc đỉnh Kaman của Hải quân Iran.
Trường hợp trên là chủng loại tên lửa hiện đại đang còn trong trang bị được huy động cho một hình thức "dự phòng". Ngoài ra còn một phương án khác cũng rất phổ biến, đó là tận dụng tên lửa phòng không cũ đã lạc hậu để hoán cải thành tên lửa đạn đạo đối đất, ví dụ như đạn V-750 của tổ hợp SA-2.
Iran là quốc gia đầu tiên tiến hành chương trình này trên quy mô lớn, những quả tên lửa đạn đạo Qaher-1 của họ chính là phiên bản đối đất của V-750.
Nhờ tối ưu hóa đường bay để tận dụng quỹ đạo lý tưởng, tầm bắn của Qaher-1 được báo cáo lên tới 250 km. Mặc dù độ chính xác chưa được kiểm chứng, nhưng với đầu đạn nổ mảnh nặng 200 kg, nếu tập trung bắn theo diện tích thì sẽ tạo ra một cơn bão lửa cực mạnh trút xuống đầu kẻ thù, tốc độ tối đa lên tới Mach 3,5 khiến việc đánh chặn nó không hề dễ dàng một chút nào.
Tên lửa đạn đạo Qaher-1 hoán cải từ đạn V-750 do Iran thực hiện
Và mới hôm qua đã ghi nhận thêm một trường hợp sử dụng tên lửa phòng không để tấn công mục tiêu mặt đất, Quân đội Lybia đã bắn đạn V-600 thuộc tổ hợp S-125 Pechora (SA-3) vào các vị trí của phiến quân Nhà nước Hồi giáo IS ở thành phố Sirte.
Hiện chưa rõ kết quả của cuộc tấn công trên cũng như tầm bay thực tế của quả "tên lửa đạn đạo" bất đắc dĩ này, nhưng có thể dự đoán sức công phá của đầu đạn nổ phá mảnh nặng 60 kg đi kèm lượng nhiên liệu (có thể) chưa cháy hết sẽ không hề nhẹ nhàng.
"Tên lửa đạn đạo" V-600, để ý phần cánh mũi của quả đạn đã được tháo bỏ
Những kết quả thu được trên thực địa sẽ rất hữu ích với Quân đội Nhân dân Việt Nam, khi chúng ta có một lượng lớn các hệ thống phòng không SA-2/3 trong biên chế.
Đối với V-750, sau khi loại biên chúng hoàn toàn có thể được tận dụng làm bia bay hay hoán cải thành tên lửa đối đất khi xác định rõ phương thức dẫn đường phù hợp.
Trường hợp đạn V-600 của SA-3 cũng vậy, nhưng chắc chắn quá trình trên sẽ diễn ra chậm hơn một vài thập kỷ. Trong năm 2015 chúng ta còn mua lại 3 bộ khí tài Pechora-2T từ Nga để nâng cấp lên chuẩn Pechora-2TM, điều đó cho thấy các quả đạn phòng không này vẫn đang là xương sống của lưới lửa bảo vệ bầu trời Việt Nam.