'Cộng đồng phú dụ' của Trung Quốc có dấu hiệu chững lại

Hà Linh |

Hãng Fox News (Mỹ) đánh giá Trung Quốc dường như đang thoái lui khỏi một trong những sáng kiến chính sách quan trọng nhất là “cộng đồng phú dụ”.

Cộng đồng phú dụ của Trung Quốc có dấu hiệu chững lại - Ảnh 1.

Một góc trung tâm tài chính Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Điều này phản ánh khó khăn trong cải tiến kinh tế và giảm mất cân bằng kinh tế Trung Quốc sau gần một thập niên. Vào năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giới thiệu chương trình có tên “cộng đồng phú dụ” hướng đến tái phân phối hầu hết tài sản tại nước này, trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại rằng giới tinh hoa đã được hưởng lợi không cân đối từ phát triển kinh tế quốc gia.

Trong tháng 1, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ: “Đầu tiên chúng tôi sẽ khiến miếng bánh to hơn và chia đều nó qua các sắp xếp thể chế hợp lý. Nó tương tự như sóng biển nâng mọi con tàu, tất cả mọi người đều được cổ phần công bằng từ phát triển, và thành tựu phát triển sẽ tạo lợi ích cho tất cả mọi người theo cách bền vững, công bằng hơn”. Bắc Kinh đã khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân có thu nhập cao đóng góp nhiều hơn cho xã hội qua cái gọi là “phân phối thứ ba”-từ thiện và quyên góp.

“Cộng đồng phú dụ” phản ánh xu hướng chính sách của ông Tập Cận Bình, bao gồm xử lý những công ty công nghệ được coi là lợi dụng sức mạnh thị trường để tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, khi mảng xử lý các doanh nghiệp công nghệ vẫn tiếp diễn thì những góc khác của chương trình “cộng đồng phú dụ” lại chững lại do Trung Quốc chuyển đổi các ưu tiên trong bối cảnh tăng trưởng bị ảnh hưởng do tác động của dịch COVID-19.

Cộng đồng phú dụ của Trung Quốc có dấu hiệu chững lại - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Fox News

Năm 2021, cụm từ “cộng đồng phú dụ” xuất hiện ở khắp nơi, từ truyền thông đến trường học và các bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong một nghị quyết được thông qua tại cuộc họp của đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa Thu năm 2021, cụm từ “cộng đồng phú dụ” được sử dụng đến 8 lần. Nhưng năm nay, cụm từ này chỉ xuất hiện đúng một lần trong báo cáo về kinh tế dài 17.000 từ của Thủ tướng Lý Khắc Cường vào tháng 3.

Báo cáo ngân sách mới nhất của Bộ Tài chính Trung Quốc không đề ra mục tiêu cụ thể để chính phủ trung ương định hướng các nguồn lực dành cho chương trình “cộng đồng phú dụ”. Tại tỉnh Chiết Giang, vốn là nơi được thí điểm chính của chương trình, các kế hoạch kinh tế mới ít nhắc đến chính sách có thể giúp chuyển của cải đến những hộ gia đình không mấy giàu có.

Bắc Kinh cũng giảm bớt một số biện pháp liên quan đến chiến dịch này. Chính phủ Trung Quốc vào tháng 3 đã hoãn lại kế hoạch mở rộng thuế tài sản mới có thể giúp tăng vốn cho các chương trình phúc lợi xã hội. Thử nghiệm về thuế tài sản mới này mới chỉ được áp dụng tại Thượng Hải và Trùng Khánh.

Các nhà phân tích đánh giá rằng mục tiêu thịnh vượng chung có thể giúp đẩy nhanh tốc độ tái cân bằng kinh tế Trung Quốc hướng đến tăng trưởng từ tiêu dùng để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư. Tuy nhiên, chính sách này có thể gây ảnh hưởng đến tăng trưởng từ các lĩnh vực tư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại