Công cụ duy nhất ngăn Triều Tiên thử bom H bị "đắp chiếu" 20 năm: Nga bức xúc tố Mỹ, Trung

Hải Võ |

Luật pháp quốc tế hiện nay không có điều khoản cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân - tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật Bản) cho hay.

Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT) đã được mở ký tại trụ sở Liên Hợp Quốc ngày 24/9/1996, đến nay đã được 183 nước ký kết và 166 nước phê chuẩn, nhưng vẫn chưa thể có hiệu lực bởi một số quốc gia thuộc Phụ lục II của Hiệp ước (có vũ khí hạt nhân hoặc cơ sở hạt nhân) chưa phê chuẩn, trong đó có CHDCND Triều Tiên và cả... Mỹ, Trung Quốc.

Theo Nikkei, nếu Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân ở Thái Bình Dương, như phát biểu mới đây của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho, thì nước này cũng chỉ vấp phải vấn đề với một số hiệp ước khác ít mang tính đặc thù hơn.

Giáo sư luật Shigeki Sakamoto thuộc Đại học Doshisha, Nhật Bản cho biết, một vụ thử bom nhiệt hạch (bom H) ở Thái Bình Dương sẽ vi phạm Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS), yêu cầu các vùng biển quốc tế "được sử dụng với mục đích hòa bình".

Vào thập niên 1950 và 1960, Mỹ, Anh và Pháp cũng tiến hành các vụ thử vũ khí hạt nhân trên Thái Bình Dương. Người Nhật Bản vẫn chưa quên thảm họa nhiễm xạ đối với 17 thuyền viên trên tàu đánh cá Daigo Fukuryu Maru của nước này vào năm 1954, khi nó vô tình tiến vào 60km cách địa điểm Mỹ thử bom H.

Tham dự Hội nghị lần thứ 10 về thúc đẩy CTBT có hiệu lực, tổ chức tại New York hôm 20/9, đoàn đại biểu chính phủ Nga bày tỏ đáng tiếc khi bất chấp có được hầu hết sự ủng hộ toàn cầu, hiệp ước này vẫn không thể trở thành "một công cụ pháp lý và quốc tế hợp lệ" để ngăn phổ biến vũ khí hạt nhân.

Nhận định của phái đoàn Nga được đăng tải trên website Bộ ngoại giao nước này, cho rằng viễn cảnh 8 nước còn lại - gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel, Ai Cập và Triều Tiên - phê chuẩn CTBT vẫn còn nhiều nhân tố khó xác định.

"Có cảm giác rằng tình hình hiện nay đang làm hài lòng một số quốc gia," phía Nga chỉ trích. "Trong khi một số nước có quyền truy cập dữ liệu của Hệ thống giám sát quốc tế (IMS), họ lại không chịu cam kết với CTBT và không có ý định phê chuẩn nó".

Công cụ duy nhất ngăn Triều Tiên thử bom H bị đắp chiếu 20 năm: Nga bức xúc tố Mỹ, Trung - Ảnh 1.

Đại biểu 150 nước dự Hội nghị lần thứ 10 về thúc đẩy CTBT có hiệu lực, diễn ra ngày 20/9 tại New York (Ảnh: CTBTO)

Nga tích cực ủng hộ CTBT sau khi phê chuẩn hiệp ước vào năm 2000. Moskva coi đây là "hiệp ước duy nhất và phổ quát về cấm toàn diện thử nghiệm hạt nhân, đã được thẩm tra đầy đủ và không thể có lựa chọn khác".

Trong bối cảnh vấn đề hạt nhân Triều Tiên leo thang, dẫn đến nguy cơ xung đột vũ trang bùng nổ giữa Mỹ và Triều Tiên, cùng với việc thỏa thuận hạt nhân Iran vấp phải thách thức từ chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump, Bộ ngoại giao Nga khẳng định hầu hết các bên tham dự hội nghị tại New York "nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải khắc phục tình hình bế tắc về CTBT trong 20 năm qua, kể từ ngày được mở ký".

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc Wang Qun, đứng đầu đoàn đại biểu Trung Quốc dự hội nghị kể trên, nói rằng Trung Quốc ủng hộ nhận thức chung về CTBT.

Ông Wang cho rằng các vụ thử hạt nhân mà Trung Quốc tiến hành "ít nhằm vào các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác nhất", và khẳng định Bắc Kinh đã đóng góp đáng kể cho quá trình chuẩn bị để thực thi CTBT.

"Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy việc phê chuẩn hiệp ước," ông Wang nói.

Hội nghị khép lại bằng tuyên bố chung với một danh sách giải pháp được các nước nhất trí để thúc đẩy CTBT sớm có hiệu lực.

Hiện nay, Triều Tiên được cho là đang bước vào giai đoạn cuối để hoàn thiện vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình. Theo Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, nếu Bình Nhưỡng muốn thử hạt nhân ở Thái Bình Dương, nước này sẽ gắn bom hạt nhân lên tên lửa đạn đạo và nhiều khả năng phóng tên lửa qua vùng trời của Nhật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại