Công an bác tin lãnh đạo chi nhánh ngân hàng vỡ nợ bị bắt

Cổng TTĐT Chính phủ |

Công an thành phố Hà Nội cho biết, lãnh đạo chi nhánh PGBank Phú Thuỵ, huyện Gia Lâm vỡ nợ bị bắt là thông tin không chính xác, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín Ngân hàng PGBank và quyền lợi của người dân trên địa bàn gửi tiền tại đây.

Công an bác tin lãnh đạo chi nhánh ngân hàng vỡ nợ bị bắt- Ảnh 1.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước gặp gỡ đối thoại với một số khách hàng. Ảnh Công an thành phố Hà Nội

Công an thành phố Hà Nội cảnh báo tin đồn thất thiệt liên quan đến chi nhánh PGBank Phú Thụy, huyện Gia Lâm

Cụ thể, theo Công an thành phố Hà Nội, chiều 13/9, tại xã Dương Xá và Dương Quang, huyện Gia Lâm (Hà Nội) lan truyền tin đồn thất thiệt về việc lãnh đạo chi nhánh PGBank Phú Thuỵ, huyện Gia Lâm vỡ nợ bị bắt.

Thông tin sai sự thật này đã tác động tiêu cực đến dư luận xã hội. Một số khách hàng đã tập trung về phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng PGBank trên địa bàn quận Long Biên, huyện Gia Lâm để rút tiền gửi.

Liên quan đến thông tin trên, chiều 14/9, Công an thành phố Hà Nội cho biết, đây là thông tin không chính xác, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín Ngân hàng PGBank và quyền lợi của người dân trên địa bàn gửi tiền tại đây.

Tiền gửi của khách hàng tại PGBank đều được bảo đảm đúng quy định

Theo Công an thành phố Hà Nội, hiện tại, mọi hoạt động tại ngân hàng PGBank trên địa bàn quận Long Biên, huyện Gia Lâm vẫn diễn ra bình thường và an toàn tuyệt đối, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Sáng 14/9, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội và ông Phạm Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng PGBank đã gặp gỡ, đối thoại với một số khách hàng và khẳng định tiền gửi của khách hàng tại PGBank đều được bảo đảm đúng quy định.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội khẳng định PGBank đang hoạt động ổn định, các thông tin thất thiệt lan truyền về hoạt động của phòng giao dịch Phú Thụy và Trâu Quỳ của PGBank là không chính xác.

Đại diện lãnh đạo PGBank đã thông tin với khách hàng về tình hình hoạt động của ngân hàng, khẳng định ngân hàng luôn tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như của Ngân hàng Nhà nước.

Mọi giao dịch và hoạt động của PGBank đều đang diễn ra bình thường và an toàn tuyệt đối, đồng thời ngân hàng cam kết đảm bảo đầy đủ quyền lợi của khách hàng.

Công an Hà Nội cho biết, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Phòng An ninh kinh tế phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an huyện Gia Lâm, các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm các đối tượng xấu, cố tình lan truyền thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân thận trọng, cảnh giác khi viết bài, chia sẻ các thông tin không chính xác; tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, ảnh hưởng đến lợi ích của người gửi tiền và hình ảnh, uy tín của ngân hàng.

Các trường hợp chia sẻ thông tin không đúng sự thật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?

Về quy định xử lý hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, Bộ Công an cho biết: Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022), quy định "phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự".

Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân,… thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362)…

Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự 2015, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại