Năm 2016, mức cam kết lợi nhuận tối thiểu 12%/năm cho khách hàng mua căn hộ Condotel trong 8 năm của Tập đoàn Empire (chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng) từng gây xôn xao, bởi thời điểm đó, bất động sản Condotel đang có mức cam kết dao động 8-10%. Ba năm sau, chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng "thất hứa" khi đơn phương ngừng chi trả cam kết lợi nhuận.
Một lần nữa, câu chuyện về tính khả khi của những cam kết Condotel tại Việt Nam lại được rất nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính phân tích. Chia sẻ trải nghiệm thực tế của hai người bạn từng được mời chào vào các dự án "siêu lời", chuyên gia Lâm Minh Chánh đã viết trên Facebook cá nhân những phân tích về đầu tư tài chính, rủi ro nhãn tiền khi dùng lòng tham để lao vào đầu tư, sập bẫy dự án Condotel lừa đảo.
Ông Lâm Minh Chánh cho biết, ông và hai người bạn được đại diện Insider 21 kêu gọi huy động vốn theo mô hình đa cấp cách đây 5-6 năm, với lời mời chào đầu tư bình thường sau 2 năm lấy lại vốn và sang năm 3 trở đi đã có lời 40-50% năm. Chưa kể, nếu giới thiệu cho người khác thì lời lãi cao hơn rất nhiều.
Trong khi hai người bạn tỏ ra hứng thú với đề xuất này thì ông Lâm Minh Chánh đặt câu hỏi về các giấy tờ chứng minh, tính pháp nhân của dự án, cũng như cách Insider 21 có thể tạo ra lợi nhuận.
Ông cũng không quên truy vấn về việc làm sao Insider 21 có thể tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao ngất ngưởng như cam kết. Không chỉ vậy, vị chuyên gia còn chỉ thẳng vào đại diện Insider 21 khi đó và gọi đó là dự án lừa đảo.
"Dự án ngon thế sao không gọi quỹ đầu tư tại Mỹ hay mượn ngân hàng Mỹ mà qua tận Việt Nam bán từng gói đầu tư cho dân Việt, vừa cực, vừa tốn chi phí vậy? Giấy phép chuyển tiền của nhà đầu tư ra nước ngoài như thế nào và các rủi do là gì?", ông Chánh viết.
Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh, người sáng lập Trường kinh doanh BizUni. (Nguồn ảnh: Facebook nhân vật)
Đều là người trong ngành tài chính lâu năm, nhưng "xém chút" bạn của vị chuyên gia đã mua các gói đầu tư của dự án lừa đảo, vì thế, ông đặc biệt lo lắng và dành nhiều ý kiến phản biện, cảnh báo để người dân về rủi ro đầu tư, cũng như bài học đầu tư cơ bản.
"Nguyên tắc chính của đầu tư là lợi nhuận cao thì rủi ro cao. Mọi dự án đều có rủi ro. Hãy hiểu rõ rủi ro rồi ra quyết định đầu tư. Các chủ đầu tư chuyên nghiệp thường không dám đảm bảo tỷ suất lợi nhuận cao hơn ngân hàng. Vì vậy nên thận trọng với các dự án đầu tư có đảm bảo chắc chắn tỷ suất lợi nhuận cao hơn ngân hàng.
Tỷ suất lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng cao. Tỷ suất lợi nhuận được đảm bảo cao hơn ngân hàng nhiều lần thì chắc chắn là cố tình lừa đảo", ông Lâm Minh chánh bày tỏ quan điểm.
"Condotel xịn mà cam kết trả 12% thì người ta sẽ đổ xô mượn tiền ngân hàng dưới 12%, để đầu tư. Hàng tháng có tiền dư ra đút túi, còn tài sản thì lại được tăng giá. Ngon quá chừng há.
Nhưng chủ dự án sẽ vận hành như thế nào để có thể đạt được tỷ suất lợi nhuận trên 12%/ tài sản. Phải lớn hơn 12% để còn trả các chi phí khác, thì mới dư 12% trả cho người đầu tư. Khó. Khó lắm.
Nếu đọc báo cáo tài chính của các doanh nghiệp du lịch lưu trú tại Việt Nam thì chúng ta sẽ thấy họ không thể nào đạt được tài sản cao như vậy. Thế là Game over. Té ra không dễ ăn, ông giáo à", trích Facebook ông Lâm Minh Chánh.
Nhìn lại hai năm qua, nhiều báo cáo công bố gần đây cho thấy xu hướng chững lại của thị trường Condotel. Cụ thể, theo Công ty DKRA Việt Nam, thị trường căn hộ nghỉ dưỡng condotel từ Đà Nẵng đến Phú Quốc trong các tháng 4, 5, 6/2018 có lượng tồn kho rất cao. Toàn thị trường tung ra 2.100 căn, nhưng chỉ tiêu thụ được 850 căn.
6 tháng đầu năm vừa rồi thống kê của Savill cho thấy số Condotel ở Nha Trang bán được chưa bằng 1/4 cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tính pháp lý đối với loại hình bất động sản này vẫn chưa có văn bản nào điều chỉnh, con đường đến "siêu lời", siêu giàu của các nhà đầu tư có vẻ còn khá dài.