Trong thời đại thông tin bùng nổ và áp lực thành công ngày càng nặng nề đè lên vai của thế hệ trẻ, phụ huynh của các em cũng vì thế mà lo lắng, áp lực hơn đôi phần. Các bậc cha mẹ thường thể hiện sự quan tâm thông qua việc theo sát từng bước đi của trẻ trong việc học tập, từ việc chọn trường, chọn lớp, cho đến việc lựa chọn và tham gia các lớp học thêm. Tất cả đều với mong muốn con em mình sẽ có được một tương lai tươi sáng và thành công.
Mới đây, một phụ huynh Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện ở lớp của con trai mình. Cụ thể, người mẹ này chia sẻ vì thấy con viết xấu, viết ẩu mà cô giáo trên lớp đã cắt vở của con đi. Điều này khiến chị không khỏi bất ngờ. Vì không thể tìm ra hướng giải quyết nên người mẹ này đăng tải câu chuyện này lên một hội nhóm phụ huynh với gần 330.000 người theo dõi nhằm tìm kiếm lời khuyên trong trường hợp này.
Trước bài đăng của người mẹ, netizen cũng nhiệt tình đưa ra quan điểm. Đa phần cho rằng mỗi học sinh mỗi khác, không phải em nào cũng viết đẹp 10 chữ như 10, mà cũng có cả em chưa viết tốt. Dẫu vậy, giáo viên cũng cần ứng xử khéo léo trong tình huống này bằng cách đưa ra lời khuyên, lời phê bình phù hợp, chứ không nên phạt các con như vậy.
Song song với đó, không ít người hoài nghi về tính xác thực của bài đăng này khi cho rằng đây chỉ là một sản phẩm để "câu like", "câu view". Bởi dù gì đây cũng chỉ là chia sẻ từ một phía, hiếm có cô giáo nào lại bộc phát hành động như vậy.
- Mình không đồng tình với cách phạt học sinh của cô giáo này. Phê bình các em một vài câu thì không sao, đằng này cắt cả sách thì là vấn đề lớn.
- Sao cô lại phản ứng mạnh như thế nhỉ? Hay là do con nhà bác vi phạm nhiều lần quá?
- Cần xem lại tính xác thực của bài đăng này, chứ mình thấy chắc chả ai phạt học sinh đến mức như thế cả.
- Nếu cô phạt con như vậy thì mình thấy không ổn tí nào, mẹ nên nói chuyện với cô.
Giáo viên cần làm gì để phê bình học sinh một cách phù hợp?
Giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người hướng dẫn cho học sinh nhận ra và sửa chữa những sai lầm. Để phê bình học sinh một cách tích cực, giáo viên cần phải thể hiện sự thông cảm và kiên nhẫn, qua đó xây dựng một môi trường học tập đầy khích lệ và an toàn.
Đầu tiên, cần phải nhận diện rõ ràng vấn đề cần phê bình, đồng thời đảm bảo rằng mục tiêu của việc phê bình là hướng đến sự tiến bộ của học sinh, chứ không phải là phát tiết sự bực bội hay thất vọng cá nhân. Phê bình nên được tiến hành một cách riêng tư, tránh làm tổn thương lòng tự trọng của học sinh trước bạn bè và tránh tạo ra áp lực không cần thiết.
Sử dụng ngôn từ tích cực, thay vì chỉ trích, hãy sử dụng những từ ngữ như "cơ hội", "thách thức", "tiến bộ" để mô tả tình hình. Thay vì nói "em làm không đúng", hãy thử "em có thể cải thiện điều này như thế nào?". Đồng thời, nhấn mạnh đến tiềm năng và những thành công đã đạt được trước đó của học sinh, như cách để họ thấy được khả năng vượt qua khó khăn của chính mình.
Tiếp theo, giáo viên cần thực hiện phê bình theo cách xây dựng, bằng cách cung cấp phản hồi chi tiết và cụ thể, giúp học sinh hiểu được điều gì không đúng và làm thế nào để cải thiện. Phản hồi cần kèm theo ví dụ cụ thể và hướng dẫn rõ ràng, thay vì chỉ nêu lên vấn đề.
Một phần quan trọng của việc phê bình tích cực là khuyến khích học sinh tự phản tỉnh. Thay vì giải quyết vấn đề thay học sinh, giáo viên nên đặt câu hỏi mở để học sinh tự tìm ra cách giải quyết và học cách chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Điều này giúp học sinh phát triển tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Cuối cùng, giáo viên cần kiên nhẫn và cung cấp sự hỗ trợ liên tục. Mỗi học sinh tiếp thu và thay đổi ở những tốc độ khác nhau. Việc công nhận và khích lệ mọi bước tiến dù nhỏ nhất cũng là yếu tố then chốt trong việc duy trì động lực và tinh thần học tập tích cực.
Thông qua cách phê bình mang tính xây dựng, giáo viên không chỉ giúp học sinh cải thiện về mặt học vấn mà còn góp phần hình thành nhân cách và sự tự tin, đồng thời khơi dậy niềm đam mê học hỏi không ngừng trong từng em.
Tổng hợp