Tối 27/4 tới, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, người yêu nhạc sẽ có cơ hội chìm đắm trong đêm nhạc "Thiên thai" với những tuyệt khúc bất hủ của các nhạc sĩ kỳ tài gồm: Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Đêm nhạc được dàn dựng bởi nhạc sĩ Nguyễn Quang, giám đốc sản xuất là ca sĩ Ngọc Châm. Các ca sĩ góp mặt trong đêm nhạc là những người sở hữu giọng hát đẹp như NSND Đức Long, Hồ Quỳnh Hương, Phạm Thu Hà...
Lý giải về việc quyết định kết hợp các sáng tác của cố nhạc sĩ Văn Cao và Đoàn Chuẩn - Từ Linh trong một đêm nhạc, giám đốc sản xuất – ca sĩ Ngọc Châm cho biết: "2 cố nhạc sĩ đều có những điểm chung nhất định. Đây là 2 nhạc sĩ cùng thời, Văn Cao (1923 - 1995) và Đoàn Chuẩn - Từ Linh (1924 - 2001) có cùng giai đoạn sáng tác và có những sáng tác bất hủ từ 1939 - 1970.
2 nhạc sĩ đều là những cây đại thụ tài hoa và nổi tiếng của nền tân nhạc Việt Nam, những nhạc phẩm của các vị nhạc sĩ trên đều đầy tính triết lý, triết học nhưng bay bổng lãng mạn, rất sang trọng quý phái, đặc biệt là những nhạc phẩm trữ tình...".
Chia sẻ thêm về việc lựa chọn "Thiên thai" làm tên liveshow, Ngọc Trâm cho biết, ekip mong muốn khán giả gác lại những bộn bề cuộc sống, được thư giãn hoàn toàn trong âm nhạc. Thiên thai - theo cố nhạc sĩ Văn Cao - "là một cõi đất hứa, không ai tìm được trên thế gian này, tôi tìm mãi trong hoài niệm của tuổi thanh niên, chỉ nhớ rằng có lần tìm ra được".
Trước khi được biết đến là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc kháng chiến với những ca khúc mang âm hưởng hào hùng như Tiến Quân Ca, Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội… Văn Cao là một trong những gương mặt tiên phong, nổi bật nhất của trào lưu lãng mạn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
So với nhạc sĩ Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh sáng tác ít hơn, chỉ chung thủy với nhạc tình. Ông sáng tác hơn 20 bài, nhưng ca khúc nào cũng khiến giả nằm lòng, được mệnh danh là "ông hoàng nhạc tình", "nhạc sĩ của mùa thu Hà Nội".
Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Có người cho rằng, Từ Linh là người bạn tri kỷ của Đoàn Chuẩn, người viết nhạc, người viết lời và ký tên chung.
Nhạc sĩ Đoàn Đính - con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - chia sẻ cùng ekip đêm nhạc "Thiên thai" đã đưa ra một luận điểm khác: "Người ta nói bài Tình nghệ sĩ năm 1948 là sáng tác đầu tay của Đoàn Chuẩn nhưng không phải thế. Sáng tác đầu tay của bố tôi là Ánh trăng mùa thu, sáng tác năm 1947, chỉ in hai mươi bản, tác giả giữ bản quyền không tái bản.
Năm ấy, ông đã lấy bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh rồi. Bài Đường về Việt Bắc viết cho mẹ tôi cũng đề Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Làm sao có ai lại nhờ người khác viết hộ lòng nhớ thương vợ mình, nhất là trong đó có những cái rất riêng như "Những chiều gió thu qua mành the, thầm nhắc anh về".
Một lần, nhạc sĩ Guitar Văn Vượng có nói với tôi: "Đính ơi, bố em nói với anh, "Từ Linh" là tên đầu tên cuối của chữ Thanh Hằng (T-H). Thanh Hằng là người con gái ông yêu sâu đậm, có thể ông đã dùng cách đó hợp thức hoá tên người yêu".
Những chuyện đó bố tôi không nói với tôi. Nhưng dù sao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh đã là cái tên rất đẹp rồi, mọi người đừng đi sâu tìm Đoàn Chuẩn là ai, Từ Linh là ai nữa. Bố chỉ nói với chúng tôi: Các con ạ, tất cả sáng tác của bố là nhật ký tình yêu của bố".
Nhắc đến Thanh Hằng, nàng thơ một thuở của cha mình, Đoàn Đính kể thêm hai giai thoại gắn liền hình ảnh người đẹp này với các sáng tác của cha ông. "Cha tôi yêu mẹ tôi và sống với bà cả đời nhưng chỉ viết cho bà hai bài hát, trong khi ông yêu một ca sĩ nổi danh xinh đẹp Hà thành lúc đó tên là Thanh Hằng và viết đến 6 bài hát tặng nàng.
Mẹ tôi hay chuyện đang ở Hải Phòng lập tức đi ô tô lên Hà Nội. Ai cũng tưởng sẽ có cuộc đánh ghen lớn, nào ngờ mẹ tôi nhẹ nhàng hỏi: "Chị hỏi thật em, em có yêu anh Đoàn Chuẩn không?". Thanh Hằng trả lời rằng "có". Bà nói tiếp: "Em yêu anh Chuẩn 1 thì chị yêu anh Chuẩn 10, chị sẵn sàng nhường anh Chuẩn cho em. Em trót yêu anh Đoàn Chuẩn nhà chị thì em cố yêu nốt sáu đứa con của anh ấy nhé".
Thế là Thanh Hằng tỉnh mộng trả mẹ tôi tất cả thư từ của hai người và xé những bài hát cha tôi tặng. Vì thế cha tôi mới viết tác phẩm Bài ca bị xé. Sau này được tin Thanh Hằng đi lấy chồng, cha tôi viết và gửi cho bà ấy ca khúc Lá đổ muôn chiều. Nhận được bài hát của cha tôi, bà ấy khóc không đi lấy chồng nữa".
Đoàn Đính còn kể, cha ông là tay chơi Bắc Kỳ có hạng, trong nhà có sáu ô tô, trước cửa có cây xăng riêng để phục vụ ông. Trong nhà, ông thuê thợ xây một phòng riêng thả đầy bóng bay lên trần, quả nào xì hơi bắt người nhà đi mua thả bù làm phòng tiếp bạn bè. Khách đến thoải mái uống rượu ngoại, ăn hoa quả…