Mới đây, thông tin về việc, trong danh sách 2.587 ca khúc được Cục NTBD cấp phép phổ biến, không có bất cứ sáng tác nào của nhạc sĩ Văn Cao đã thực sự khiến dư luận vô cùng ngạc nhiên, khó hiểu.
Theo đó, trên website chính thức của Cục NTBD, ở danh mục các bài hát sáng tác trước năm 1975 được cấp phép phổ biến, không xuất hiện bất cứ sáng tác nào đề tên nhạc sĩ Văn Cao. Riêng bài Tiến Quân ca (Quốc ca), do đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhà nước, nên đương nhiên không cần phải có đơn vị nào cấp phép.
Điều khó tin hơn, trong danh sách này, có tới 7 ca khúc là sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao nhưng lại xuất hiện trong bảng danh mục trên với tư cách tác phẩm của… một người khác, nhạc sĩ Văn Chung.
Nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Tư liệu
Cụ thể đó là những ca khúc: Buồn tàn thu, Chiều buồn trên bến Bạch Đằng, Cung đàn xưa, Đàn chim Việt, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi. Cả 7 ca khúc này được chú thích là “Quyết định cấp phép theo thông báo số 01, ngày 15/10/1989”, tên tác giả là nhạc sĩ Văn Chung, trong khi trên thực tế đó đều là sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao.
Căn cứ theo bản danh mục các ca khúc sáng tác trước năm 1975 được Cục NTBD cấp phép và công khai trên website của Cục thì rõ ràng, nhạc sĩ Văn Cao chưa có sáng tác nào được phép lưu hành và phổ biến rộng rãi.
Trao đổi với PV VOV.VN, họa sĩ Văn Thao, con trai cả của nhạc sĩ Văn Cao, người nắm giữ nhiều nhất những tư liệu về sự nghiệp và cuộc đời cha mình, cho biết ông không quan tâm đến việc ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao có được hay không được cấp phép.
Họa sĩ Văn Thảo chia sẻ: “Tôi không hiểu người ta cấp phép rồi sao lại ngừng cấp phép? Những sáng tác của NS Văn Cao đã được cất lên gần một thế kỷ nay rồi, đã trải qua những thăng trầm của lịch sử, tại sao lại phải đo đếm, nâng đặt với những nhạc phẩm ấy? Việc cấp rồi lại không cấp phép cho những sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao là một cách gây bão dư luận".
Chia sẻ về những ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao bị nhầm lẫn là của nhạc sĩ Văn Chung, họa sĩ Văn Thao cười buồn. Ông nói: “Người đưa ra những thông tin này chứng tỏ không biết một chút gì về nhạc sĩ Văn Cao. Đó là điều hết sức đáng buồn”.
Nếu nhìn vào danh mục các ca khúc được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác trước năm 1975 được cơ quan quản lý văn hóa có thẩm quyền cấp phép phổ biến thì hai tác phẩm bất hủ của vị nhạc sĩ tài ba này là “Tiến về Hà Nội” và “Trường ca sông Lô” cũng chưa được cấp phép lưu hành và phổ biến rộng rãi. Đây đều là hai tác phẩm có giá trị về cả mặt âm nhạc lẫn lịch sử.
Trong đó, “Trường ca sông Lô” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1947 còn được giới chuyên môn đánh giá là đỉnh cao của nhạc kháng chiến nói riêng và của nền tân nhạc Việt Nam nói chung.
Riêng bài "Quốc ca" đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao quyết định hiến tặng lại cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam nên không có trong danh mục các ca khúc cần phải cấp phép từ Cục NTBD mới có thể lưu hành và phổ biến. Bản hiến tặng ca khúc này đã được đại diện gia đình ông trao lại cho Quốc hội vào ngày 15-7-2016.
Theo họa sĩ Văn Thao, không chỉ gia đình ông mà số đông công chúng sẽ rất bất bình nếu có chuyện gì đó xảy ra với các ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao trong vấn đề cấp phép. “Đó chỉ là vấn đề hành chính, vì sao lại phải làm khó với những ca khúc đã gắn liền với sự nghiệp cách mạng dân tộc, đã có những cống hiến lớn lao trong tiến trình phát triển nền âm nhạc đất nước”, họa sĩ Văn Thảo chia sẻ./.
Theo họa sĩ Văn Thao, cuối những năm 1930, nền tân nhạc Việt Nam ra đời. Ở Hải Phòng khi đó tập trung nhiều nhạc sĩ tiên phong như Đinh Nhu, Lê Thương, Hoàng Quý... Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận... và bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay là "Buồn tàn thu" vào năm 16 tuổi.
Cùng nhóm Đồng Vọng, Văn Cao còn sáng tác một số ca khúc hướng đạo vui tươi khác như "Gió núi", "Gò Đống Đa", "Anh em khá cầm tay".
Cũng trong thời gian ở Hải Phòng, Văn Cao làm quen với Phạm Duy, khi đó là ca sĩ trong gánh hát Đức Huy. Phạm Duy chính là người đã hát "Buồn tàn thu", giúp ca khúc trở nên phổ biến. Năm 1940, Văn Cao có một chuyến đi vào miền Nam. Ở Huế, Văn Cao đã viết "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế", được coi là bài thơ đầu tay.
Còn ca khúc "Đàn Chim Việt" là phiên bản thứ hai của ca khúc Bến Xuân, do nhạc sĩ Phạm Duy chắp bút viết thêm trên nền ca khúc Bến Xuân.
Bài hát "Bến Xuân" là một trong những nhạc phẩm hay nhất trong cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao và của nền tân nhạc Việt Nam. Ra đời đã hơn 70 năm, cho đến hôm nay, ca khúc này vẫn không hề cũ mà vẫn vẹn nguyên chất lãng mạn, thơ mộng, mới mẻ qua giọng hát của nhiều thế hệ nghệ sĩ.
"Bến Xuân" là cái tên đầu tiên được tác giả đặt cho nhạc phẩm. Sau này, vì những lý do khác nhau, ca khúc được thay đổi tên gọi, thêm lời. Nhiều người đều nghĩ đây là sáng tác chung của nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Phạm Duy.
Tuy nhiên, khẳng định mới nhất của họa sĩ Văn Thao, con trai cả nhạc sĩ Văn Cao, người nắm giữ nhiều tư liệu nhất về tác giả Quốc ca cho thấy, bài hát này hoàn toàn do NS Văn Cao sáng tác từ trước khi ông và NS Phạm Duy gặp nhau.
Nhưng một điều thú vị là bài hát này đã chắp cánh cho một tình bạn nghệ sĩ, kết nối hai tâm hồn âm nhạc như một định mệnh, dù cuộc đời họ có những ngã rẽ khác nhau.
Bài hát "Suối mơ" là một tác phẩm thuộc dòng nhạc tiền chiến, do hai nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy đồng sáng tác.
Theo họa sĩ Văn Thao, bài "Suối mơ" được sáng tác với cảm hứng từ dòng suối bên đền Cấm, ở thị trấn Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn. Thị trấn Đồng Mỏ là 1 thị trấn sầm uất, là nơi nhiều văn sĩ thời tiền chiến lên chơi. Khu vực quanh dòng suối ở đền Cấm ngày xưa là nơi yên tĩnh, mát dịu, đã khơi gợi cảm hứng cho rất nhiều nhà thơ, nhạc sĩ.
Cùng với "Suối mơ", "Thiên thai" cũng là một bài hát trữ tình của nhạc sĩ Văn Cao. Ông viết bài hát này vào năm 1941, khi mới 18 tuổi, phỏng theo thơ của Hoàng Thoại.
Bản "Thiên thai" dài tới gần 100 khuôn nhạc, là một trường ca với nhiều nhạc cảnh biến đổi tuần tự giống như một bản giao hưởng hay một vở opera.
Văn Cao viết "Thiên Thai" từ những ám ảnh về dòng sông Hương xứ Huế mà ông có dịp tới thăm vào mùa thu năm 1940, ấn tượng khi đi thuyền trên sông Phi Liệt (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) và cảm xúc từ việc nghe ca trù năm 1941.
Năm 1944, Văn Cao đã viết lời tựa cho bài "Thiên Thai", trong đó có câu: "Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người Sông Ngự đã lạc cảm xúc rồi...".