Câu chuyện thứ nhất: Căn bệnh lạ của con trai ông chủ nhà hàng
Có một cậu bé kia sinh ra đã mắc một căn bệnh hiếm. Không giống như những người khác, da của cậu giống như nhiều lớp vảy cá xếp chồng lên nhau, có thể bong tróc bất cứ lúc nào dù không ai chạm vào, khiến cậu bé ngày đêm sống trong đau đớn, không thể có một cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác.
Gia đình cậu bé sở hữu một nhà hàng lớn, rất giàu có và đã cho mời tất cả những bác sĩ nổi tiếng nhất đến để chữa trị cho con trai, nhưng rồi vẫn không có kết quả. Họ không thể tìm ra căn bệnh đó là gì, cũng như cách chữa trị hiệu quả.
Quá tuyệt vọng, người mẹ không còn biết làm cách nào khác, đành lên một ngôi chùa gần đó thắp hương, xin cho con trai mình được tai qua nạn khỏi.
Khi ngồi nói chuyện với vị sư trụ trì của ngôi chùa đó, người mẹ đã buột miệng kể lể tất cả về căn bệnh của con trai, cũng như nỗi thống khổ mà gia đình cô đã phải chịu bấy lâu. Bất ngờ, vị sư trụ trì đó hỏi về nghề nghiệp của bố đứa bé.
Người mẹ nói rằng, chồng mình là chủ nhà hàng, cũng chính là một đầu bếp nổi tiếng khắp vùng, là người chịu trách nhiệm chính cho việc chuẩn bị đồ ăn của nhà hàng, nhất là một món đặc sản giúp cho nơi đây trở nên đắt khách đến như vậy.
Người cha đã khuất đã để lại cho họ nhà hàng này cùng công thức bí truyền của một món cá đặc sản. (Ảnh minh họa)
Nghe đến đây, vị sư trụ trì mới hỏi, vậy món đặc sản đó là món gì.
Không hề nghi ngờ gì, nghĩ rằng vị sư trụ trì hẳn chỉ cảm thấy tò mò nên mới hỏi thôi, bà mẹ mới kể rõ từng chi tiết. Đó là một món ăn đặc biệt mà trong đó, đầu bếp sẽ dùng những con cá còn đang giãy đành đạch, thái chúng thành từng lát mỏng, sau đó chiên chúng lên. Khi món ăn được dọn ra bàn, con cá có thể vẫn còn sống, vì đầu của chúng không hề bị chặt đi, nhiều con thậm chí vẫn còn đảo được mắt, miệng còn đớp đớp.
Cũng theo người phụ nữ, họ được thừa hưởng nhà hàng này, cũng như công thức bí truyền từ người bố chồng đã khuất, làm ăn rất phát đạt. Họ không nhớ được đã từng chuẩn bị bao nhiêu lần món ăn đó cho thực khách rồi.
Tuy nhiên, từ khi cậu con trai nhỏ của họ ra đời và bị căn bệnh hành hạ, vì lo lắng cho con, họ đã không còn tập trung được cho việc kinh doanh như trước nữa.
Vị sư trụ trì không nói gì nhiều, chỉ bảo người phụ nữ trở về đóng cửa nhà hàng, dành thời gian làm từ thiện, bệnh của con trai cô nhất định sẽ thuyên giảm.
Sau khi về nhà, người vợ kể lại tất cả cho chồng. Sau một đêm suy nghĩ, người chồng quyết định làm đúng như vậy. Họ để lại nhà hàng cho người khác, dùng số tiền bán được chuyển sang một công việc khác và làm từ thiện. Thậm chí, họ còn đi mua lại cá của các ngư dân, rồi mang thả xuống biển.
Một thời gian sau, giống như một phép màu xảy ra, căn bệnh của con trai họ đột nhiên không chữa trị cũng tự khỏi. Từng lớp vảy bong tróc đau nhức bỗng dưng biến mất, và cậu bé có thể sống một cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác.
Lời bình: Theo quan điểm của nhà Phật, sát sinh là một tội ác, mỗi một sinh linh trên cõi đời này, dù là con người hay các loài vật, thì đều có quyền được sống. Chính vì vậy, Đức Phật đã đưa việc sát sinh vào giới cấm thứ nhất trong Ngũ giới (5 điều không được làm).
Phật gia có giảng: “Vạn vật hữu linh”, còn trong dân gian lại có câu: “Sinh nghề tử nghiệp”, có người nói chữ “nghiệp” ở đây không chỉ có hàm ý biểu thị nghề nghiệp mà còn có hàm ý là nghiệp lực (ác nghiệp) mà họ gây ra trong chính cái nghề mà mình đang làm, sẽ khiến chính họ, hoặc người thân của họ phải gánh nghiệp.
Câu chuyện thứ hai: Sự hối hận của nhà vua
Ngày xưa ở Ấn Độ có một vị vua tên là Yue Shi. Trong khi đất nước chìm trong chiến tranh, nhà vua đã nhiều lần xông pha nơi chiến trận, từng giết rất nhiều người. Một ngày, có cơ hội được tìm hiểu về Phật pháp, đức vua Yue Shi bỗng nhận ra mình đã gây ra biết bao nhiêu nghiệp chướng và chắc chắn sẽ phải trả giá.
Từ đó, nhà vua luôn sống trong sợ hãi và quyết định sẽ dành phần đời còn lại để làm việc thiện, mong chuộc lại phần nào những lỗi lầm đã gây ra.
Ông cho xây dựng đền chùa, nơi cư ngụ hoặc dừng chân cho các nhà sư, cung cấp đồ ăn, thức uống, thuốc men, quần áo cho những người cần đến chúng, từ những tu sĩ khổ hạnh cho đến những người dân nghèo. Khắp đất nước, dân chúng vừa bất ngờ vừa hân hoan vui sướng trước những sự thay đổi kỳ diệu này.
Những vị quan cận thần thì rất ngạc nhiên. Một trong số đó đã hỏi nhà vua: "Thưa Bệ hạ, xin thứ lỗi cho câu hỏi của thần, nếu nó có mạo phạm đến Bệ hạ. Trước đây Bệ hạ đã giết không biết bao nhiêu người rồi, chỉ có làm chút việc tốt này liệu có thay đổi được điều gì không?".
Khi nghe viên quan cận thần nói thế, đức vua Yue Shi không nói gì, chỉ bảo binh lính hãy chuẩn bị một nồi nước lớn, rồi đun sôi nó liên tục trong 7 ngày 7 đêm. Sau đó, nhà vua ném cái nhẫn vào cái nồi nước sôi đó và yêu cầu các viên quan cận thần hãy lấy chiếc nhẫn ra cho ông.
Nghe thấy mệnh lệnh như vậy, tất cả bọn họ đều sợ hãi mà nói: "Thưa Bệ hạ, lẽ nào người muốn lấy mạng cái mạng hèn mọn của bọn tôi tớ chúng tôi sao? Lấy cái nhẫn trong nồi nước sôi chẳng khác nào là một cái án tử hình".
Nhà vua hỏi lại: "Có đúng là không có cách nào lấy được cái nhẫn mà không bị bỏng tới chết không?".
Tất cả bọn họ quả quyết là không có, trừ một viên quan đứng im lặng từ nãy tới giờ. Người này lên tiếng: "Có. Đó là hãy dập lửa đi, sau đó đổ nước lạnh vào, khi đó có thể lấy chiếc nhẫn ra một cách an toàn".
Đến lúc này, vị vua mới quay lại, nói với tất cả các viên quan cận thần: "Đúng là như vậy. Những việc làm sai trái trước kia của ta cũng giống như việc thêm lửa vào cái nồi nước kia vậy. Còn bây giờ, ta đã nhận ra, mình không những không được thêm lửa vào nồi, mà còn phải dập đi và đổ nước lạnh vào cái nồi kia để có thể an toàn lấy cái nhẫn ra. Đó cũng chính là những việc tốt ta có thể làm".
Lời bàn: Người xưa có câu, "Quay đầu là bờ", từ bỏ những ý nghĩ, những việc làm sai lầm, hướng đến những việc làm thiện lành không bao giờ là muộn. Đó là cách để mỗi chúng ta sống thanh thản và thay đổi được số phận của chính mình.
Theo Buddha Gate