Tuổi thơ khắc nghiệt của đứa trẻ có cha là tội phạm ma túy
Khi còn nhỏ, Peng Lisheng chỉ có những ký ức mơ hồ về cha. Cha anh không ở nhà thường xuyên. Mẹ nói với anh rằng cha đang buôn bán tại một thành phố xa nhà.
Cha trong trí nhớ của Peng chỉ là người đàn ông khiến anh đôi lần giật mình bởi tiếng mở cổng sau và tiếng bước chân lén lút vào những đêm muộn tại căn nhà của gia đình anh ở Đồng Tâm (Tongxin), một huyện nhỏ ở khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, phía tây bắc Trung Quốc.
Cho đến một ngày năm 2001, cậu bé Peng đi học về và thấy mẹ anh đang khóc ròng.
Trên tay mẹ là lá thư từ cha, trong đó viết rằng ông đã bị bắt giam tại một nhà tù ở tỉnh Vân Nam, cách nhà hơn 2000km với tội danh buôn bán ma túy .
Tổ chức của Peng đã giúp đỡ rất nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn khi cha mẹ phải vào tù do liên quan đến ma túy.
Đến lúc ấy, cậu bé mới vỡ lẽ rằng bấy lâu này cha mình từng làm việc cho một trùm ma túy, mang theo heroin từ Vân Nam đến Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông.
Lần đó, cha của Peng vừa lên tàu ở Côn Minh thì cảnh sát bắt giữ khi trong người ông sở hữu hơn 200 gram ma túy. Ông bị kết án 23 năm tù giam vì tội buôn bán ma túy.
Bỗng nhiên, Peng trở thành đứa trẻ mồ côi cha. Giống như rất nhiều đứa trẻ khác, cuộc sống của Peng lúc bấy giờ bị đảo lộn hoàn toàn bởi nạn buôn bán và sử dụng ma túy.
Cuộc sống của Peng khốn khổ đến mức nó ghim sâu vào tâm trí của anh và trở thành động lực sau này thúc đẩy anh thành lập một hiệp hội nhằm giúp đỡ những đứa trẻ có hoàn cảnh giống mình.
Đồng Tâm là nơi mà người Hồi giáo chiếm phần đông dân cư. Nơi đây là khu vực mà Liên Hợp Quốc mô tả vào những năm 1970 là một nơi không phù hợp để định cư bởi sự khắc nghiệt quanh năm hạn hán.
Khi Trung Quốc mở cửa vào những năm 1980, nhiều người mù chữ và nghèo đói, đã rời khỏi khu vực và đi về phía nam đến Quảng Châu để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn trong buôn bán.
Rồi những người đó bắt đầu buôn bán ma túy để có tiền, thậm chí có những người còn không hiểu ma túy là gì.
Đồng Tâm, vùng đất nghèo khó khắc nghiệt.
Tệ nạn ma túy chính thức đến với mảnh đất Đồng Tâm vào những năm 1980-1990. Nó lan rộng như một bệnh dịch và không bỏ sót một gia đình nào trong huyện.
Những người đàn ông đã trở thành tay buôn thuốc phiện, thậm chí còn trở thành con nghiện.
Peng chia sẻ rằng, khi còn nhỏ anh không hiểu thế nào là buôn ma túy, nhưng anh hiểu mập mờ rằng đó là một cách kiếm tiền nhanh chóng.
Sau khi người cha vào tù, Peng bỏ học năm 2004 để kiếm tiền nuôi mẹ và 3 người em. Anh lên một chuyến tàu đến Nội Mông để tìm việc làm.
Sau năm tiếp theo, chàng trai trôi dạt từ thành phố này sang thành phố khác, từ các công trường xây dựng đến các nhà hàng.
Một dịp Tết Nguyên đán nọ, Peng gửi toàn bộ số tiền kiếm được về quê nhà và anh không còn dư lại xu nào để có thể thuê phòng trọ nữa.
Anh nằm trên bậc thềm của một ngân hàng và sử dụng một áp phích đã rách để làm chăn.
Con kẻ buôn ma túy lập tổ chức phi chính phủ
Sau đó, Peng trở thành một thương nhân tại Phố Wall, nhưng vùng đất xa hoa ấy không níu được chân anh. Năm 2015, anh trở về quê và thành lập tổ chức phi chính phủ có tên Tongxin Aid and Assistance (tạm dịch: quỹ Cứu trợ và Giúp đỡ Đồng Tâm) để giúp đỡ những đứa trẻ và gia đình bị ảnh hưởng bởi nạn buôn ma túy.
Không thiếu người để giúp đỡ - chàng trai 30 tuổi nhân hậu cho biết hầu hết mọi gia đình trong huyện đều bị ảnh hưởng bởi buôn bán ma túy.
Một loạt các trường hợp như một người phụ nữ đã kết hôn hai lần và cả hai người chồng của cô ta đều bị bắt vì có liên quan đến buôn bán ma túy.
Nhiều gia đình phá sản vì trụ cột là kẻ dính líu đến thuốc phiện. Những đứa trẻ trở thành mồ côi sau khi cha mẹ chúng bị cảnh sát bắt vì buôn bán heroin không thể tiếp tục đến trường.
Peng giúp đỡ các em nhỏ bằng việc cung cấp sách vở, quần áo và thực phẩm
Thiệt hại mà vấn nạn ma túy để lại thậm chí còn kéo dài hàng chục năm nữa, khi mà những trẻ mồ côi không có sự giám sát của cha mẹ khi lớn lên lại tiếp tục bị dụ dỗ trở thành một kẻ buôn thuốc phiện.
Do vậy, Peng dốc sức giúp đỡ khoảng 50 trẻ nhỏ, hầu hết từ các trường tiểu học và trung học, bằng cách cung cấp cho chúng quần áo, đồ dùng học tập và thực phẩm.
Suo Famai, 52 tuổi và 3 đứa cháu của bà là những người được tổ chức phi chính phủ của Peng giúp đỡ. Hai con trai và một con gái của bà đã bị bắt vì buôn bán ma túy những đứa con của họ còn bé, và để lại chúng cho bà Suo chăm sóc.
Bà dọn dẹp đường phố và thu gom rác, kiếm được khoảng 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,5 triệu đồng) mỗi tháng, nhưng vẫn không thể cho lũ trẻ một cuộc sống no đủ. Các cháu của bà vẫn phải học trên sàn nhà dưới ngọn đèn dầu.
Còn Su Guixiang, một phụ nữ cũng mất chồng vì buôn bán ma túy. Anh ta vào tù hai lần vì sử dụng ma túy, và khi được tại ngoại, anh ta bắt đầu uống rượu và đánh đập cô. Họ ly dị vào năm ngoái và Su giành quyền nuôi hai đứa con của họ.
Bà Suo Famai, 52 tuổi có ba đứa con đều vào tù vì tội buôn ma túy, để lại cho bà 3 đứa cháu nhỏ.
Tuy nhiên, Peng cho biết mối quan tâm lớn hơn của anh là sức khỏe tinh thần cho trẻ em. "Vì tôi đã từng giống chúng, nên tôi biết lũ trẻ cần gì", Peng cho biết. "Vấn đề lớn nhất của chúng là tâm lý.
Một số đứa trẻ sẽ trở nên nổi loạn trong khi số khác sẽ sống khép mình. Chúng sợ phạm sai lầm, vì chúng không có ai ở sau để cổ vũ chúng, giống như khi tôi còn là một thiếu niên".
Và đó là lý do mà Peng thường xuyên tổ chức các chuyến thăm viếng tại trại giam cho những đứa trẻ cho cha mẹ bị bắt vì buôn bán hoặc sử dụng ma túy.
Anh cho rằng mối liên hệ của cha mẹ đối với những đứa trẻ này là rất quan trọng.
Peng bật khóc khi nhớ lại: "Lần đầu đến thăm cha là khi tôi 16 tuổi. Đó là cú sốc mà tôi nhớ đến bây giờ. Cha tôi trông hoàn khác so với lần cuối cùng tôi gặp nhau.
Ông chỉ còn lại da bọc xương trong hình hài ốm yếu, tiều tụy đến đáng sợ. Ông không còn là người đàn ông khỏe mạnh và đạo mạo khi xưa nữa. Người cha của tôi chỉ nhắc đi nhắc lại rằng xin tôi đừng dính líu tới ma túy".
"Khi chúng tôi tổ chức những buổi gặp mặt ở trong tù, mọi người đều bật khóc - cha mẹ, những đứa trẻ, tình nguyện viên, thậm chí là lính canh", anh nói.
Peng cũng cho biết hiện nay tổ chức của anh đang bị thiếu hụt nhân lực trầm trọng khi số tình nguyện viên giảm từ 20 xuống chỉ còn 5 người.
Anh mong muốn giúp đỡ những người phụ nữ có chồng đang ở tù và hi vọng sớm thành lập một doanh nghiệp nhằm giúp những người này có công việc để chăm nuôi con cái.
Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng Peng và tổ chức của mình vẫn sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ những trẻ em mồ côi và những gia đình gặp khó khăn, cũng như tiếp tục truyền tải thông điệp tránh xa tệ nạn ma túy đến những người khác.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Peng tin tưởng việc làm của anh sẽ giúp cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn.
Peng cho biết, nhiều năm gần đây chính quyền địa phương đã đàn áp mạnh tay vào việc buôn bán ma túy, bỏ tù nhiều người như cha anh.
Theo các số liệu gần đây nhất của cảnh sát Đồng Tâm, năm 2004 huyện có dân số là 325.000 người thì có tới 1.721 người buôn bán ma túy và 746 người nghiện, với 200 kẻ bị kết án tử hình.
Tình hình đã thay đổi kể từ năm 2013, khi lãnh đạo phòng Phòng chống Tội phạm Ma túy của huyện này đã tổ chức một chiến dịch nhằm truy quét các tội phạm ma túy.
Ngày nay, mọi thứ đã được cải thiện hơn, từ nhận thức của người dân cho đến việc tố giác tội phạm. Nhiều khách sạn tại Đồng Tâm còn có số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể gọi và tố giác tội phạm.