Con trai của Gia Cát Lượng là người như thế nào?

PV |

Gia Cát Chiêm (217–263), tự Tử Viễn, là tướng lĩnh nhà Thục Hán trong thời kỳ Tam quốc. Ông nổi tiếng vì là con trai của Thừa tướng Thục Hán Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng (181 – 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là thừa tướng, công thần khai quốc nổi tiếng của nhà Thục Hán thời Tam quốc. Gia Cát Lượng được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất thời đại ấy. Trí tuệ của ông thể hiện ở rất nhiều mặt như mưu lược dùng binh, tài tiên tri, lý số, kỳ môn độn giáp…

Tuy nhiên, ít người biết rằng ông cũng là một người rất có trách nhiệm với gia đình, rất quan tâm đến chuyện dạy dỗ con cái.

Con trai của Gia Cát Lượng là người như thế nào? - Ảnh 1.

Gia Cát Lượng.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Gia Cát Lượng lấy vợ từ trước khi theo Lưu Bị. Vợ Gia Cát Lượng là Hoàng Nguyệt Anh, con gái của danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn. Vợ chồng ông sinh được 3 người con, trưởng nam là Gia Cát Chiêm, sinh năm 217. Sau Gia Cát Chiêm là 2 em gái tên Hoài và Quả.

Ngay từ nhỏ, Gia Cát Chiêm đã sớm cho thấy tư chất thông minh, được kỳ vọng sẽ trở thành người kế thừa cơ nghiệp của cha. Nhưng điều đáng nói, dù Gia Cát Lượng nhận thấy con trai mình là kẻ có tài năng nhưng ông lại lo nhiều hơn là mừng.

Trong Tam quốc chí của Trần Thọ có chép rằng, năm 225, khi Gia Cát Chiêm mới lên 8 tuổi, Gia Cát Lượng khi đó ở huyện Vũ Công từng viết thư gửi anh trai mình là Gia Cát Cẩn ở Đông Ngô, nhận xét về con trai cả như thế này: "Chiêm nay đã tám tuổi, thông tuệ khải ái, hiềm là nó sớm chín, sợ rằng chẳng làm nên nghiệp lớn sau này". Thật không ngờ, lời nhận xét của Gia Cát Lượng về Gia Cát Chiêm năm đó sau này đã thực sự ứng nghiệm.

Khi đến tuổi trưởng thành, Gia Cát Chiêm nổi danh nước Thục không kém gì cha ở sự thông tuệ, hiểu rộng nhớ dai cũng như cầm kì thi họa. Khả năng giao tiếp khéo léo, hòa nhã giúp Gia Cát Chiêm thu phục nhân tâm và được nhiều nhân sĩ theo về. Người nước Thục đa số đều tin rằng Gia Cát Chiêm sẽ bắt kịp cha Gia cát Lượng.

Năm 234, Gia Cát Lượng mất ở Gò Ngũ Trượng, trong chiến dịch Bắc Phạt lần thứ 6. Gia Cát Chiêm khi đó mới 17 tuổi, được Hậu chủ Lưu thiện gả công chúa và phong làm Kỵ đô úy. Năm 18 tuổi, Gia Cát Chiêm được thăng làm Vũ lâm Trung Lang tướng. Chưa đầy 20 tuổi, Gia Cát Chiêm nắm chức Thượng thư Bộc xạ, gia thêm chức Quân sư tướng quân, tập tước Vũ hương hầu.

Tuy nhiên, khi Gia Cát Lượng mất, Khương Duy kế thừa sự nghiệp Bắc Phạt, trở thành người đứng đầu trong quân sự Nhà Thục còn Gia Cát Chiêm, dù danh tiếng ngày một lớn mạnh, nhưng vẫn chỉ là quan trong triều, tập trung vào việc chỉnh đốn triều chính và hỗ trợ quân lương cho Khương Duy.

Năm 261, Gia Cát Chiêm được phong Hành đô hộ Vệ tướng quân, cùng với Đổng Quyết coi chính sự. Tuy nhiên triều đình khi đó bị lũng đoạn bởi thế lực của hoạn quan Hoàng Hạo. Sai lầm lớn nhất của Gia Cát Chiêm là không sớm diệt trừ Hoàng Hạo, để hoạn quan này nhiều lần sàm tấu với Hậu chủ Lưu Thiện làm lỡ việc quân cơ. Hậu quả dẫn đến diệt thân sau này.

Năm 262, sau 9 lần Bắc phạt không đạt kết quả của Khương Duy, nhà Thục Hán suy tàn. Tư Mã Chiêu cảm thấy đây là thời điểm thích hợp để bình định nhà Thục, bèn sai Đặng Ngải và Chung Hội thống lĩnh 18 vạn quân đánh thẳng vào Thành Đô của nước Thục, năm 263.

Cánh quân của Chung Hội bị các tướng Khương Duy, Đổng Quyết, Liêu Hóa, Trương Dực chặn lại. Trong khi đó, Đặng Ngải dẫn quân lẻn qua đường núi Âm Bình, âm mưu đánh úp Thành Đô.

Khi đó, hậu chủ Lưu Thiện bèn lệnh cho Gia Cát Chiêm – con trai Gia Cát Lượng dẫn quân chặn đánh Đặng Ngải. Gia Cát Chiêm lĩnh quân, đem theo các tướng Gia Cát Thượng, Trương Tuần, Hoàng Sùng, Lý Cầu.

Quân Thục do Gia Cát Chiêm chỉ huy càng đánh càng thua Đặng Ngải, phải lui về giữ ải Miên Trúc. Đặng Ngải thừa thắng kéo đến Miên Trúc, đưa thư dụ hàng Gia Cát Chiêm: "Nếu ngài theo hàng tôi sẽ dâng biểu xin cho làm Lang Nha Vương".

Gia Cát Chiêm nghe vậy phẫn nộ, chém sứ giả, dẫn quân ra đánh, cuối cùng chết trên sa trường.

Ải Miên Trúc thất chủ, Thành Đô rơi vào tay Tào Ngụy. Hậu chủ Lưu Thiện đầu hàng, cơ đồ nhà Thục Hán đến đây là chấm dứt.

Các nhà nghiên cứu nhận định, Gia Cát Chiêm sở học hơn người, được Hậu chủ Lưu Thiện, các quan trong triều cũng như người dân quý trọng, lại là con trai duy nhất của Gia Cát Lượng, con đường công danh của Gia Cát Chiêm đúng là hanh thông toàn diện.

Tuy nhiên, thiếu sót của Gia Cát Chiêm là ông không có kinh nghiệm đánh trận. Mà thực tế này chủ yếu là do nguyên nhân khách quan. Bởi khi Gia Cát Lượng năm lần bảy lượt Bắc Phạt, Gia Cát Chiêm vẫn ở tuổi thiếu niên nên không thể theo cha ra trận. Giá như Gia Cát Chiêm được sinh sớm vài năm thì ông đã có cơ hội để học hỏi và lĩnh hội những giá trị quý báu từ cha mình trong thực chiến.

Về lòng trung thành, bản thân Gia Cát Chiêm kế thừa tấm lòng "cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi" của cha mình và đã anh dũng tử trận khi nhà Thục Hán sắp sụp đổ, tạo nên tấm gương "ba đời trung liệt" nổi tiếng lịch sử của nhà Gia Cát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại