Con trai 6 tuổi qua đời vì bị ngạt thở, khi đưa đến bệnh viện bác sĩ nói đó là sai lầm của mẹ khi không làm việc này

Jia You |

Câu chuyện đau lòng là bài học cho các bậc phụ huynh khi đối mặt với mối hiểm họa có thể xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.

Vào ngày 3/1 vừa qua, một cậu bé 6 tuổi sống ở Ngọc Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc đã qua đời trong sự ngỡ ngàng của bố mẹ vì một sự cố hay thường gặp ở trẻ nhỏ.

Được biết, cả nhà đang ăn uống bình thường, cậu bé đã ăn phải đậu phộng và bị ngạt thở. Quá sợ hãi, người mẹ ngay lập tức đưa con đến bệnh viện cấp cứu.

Trong camera giám sát tại tòa nhà có thể thấy được, người mẹ cố gắng dốc ngược con bằng cách cầm lấy hai chân vác lên vai với hy vọng cậu bé sẽ nhổ hột đậu phộng ra ngoài. Tuy nhiên, khi đưa đến bệnh viện, cậu bé đã không thể qua khỏi.

Giám đốc khoa cấp cứu bệnh viện Dung Huyện - bác sĩ Tôn cho biết: "Vào 6 giờ 25 phút chiều, một cậu bé 6 tuổi được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Khi đó, tim của đứa trẻ không đập, hơn nữa não bị thiếu oxy trong hơn 4 phút, cơ hội để cứu chữa chỉ có 50%. Chúng tôi đã huy động các y bác sĩ tiến hành cấp cứu, nhưng môi cậu bé tím tái, đồng tử bị giãn ra. Sau một lúc chúng tôi đành phải cáo lỗi với gia đình".

Theo như lời kể của người mẹ, ngay sau khi phát hiện con bị ngạt thở, cô đã mang con đến bệnh viện.

Trong khoảng 46 giây trong thang máy, cô cố gắng làm mọi cách để kích động để con trai có thể nhổ hột đậu phộng ra ngoài. Trước cách xử lý này, bác sĩ cho rằng người mẹ đã mắc sai lầm khá lớn khi không sơ cứu trước khi đưa đến bệnh viện.

Con trai 6 tuổi qua đời vì bị ngạt thở, khi đưa đến bệnh viện bác sĩ nói đó là sai lầm của mẹ khi không làm việc này - Ảnh 1.

Người mẹ dốc ngược con trong thang máy 46 giây.

Bác sĩ cho biết, thông thường khi những trường hợp này xảy ra, người nhà nên sử dụng phương pháp sơ cứu Heimlich Maneuver hay còn gọi là phương pháp đẩy bụng. 

Đây là thủ thuật dùng để cấp cứu khi dị vật lọt vào đường thở và choán gần hết diện tích của đường thở chỉ trong vài giây.

Nguyên tắc của hành động này là tạo một lực tác động mạnh và đột ngột vào hai buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành để tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp, đẩy dị vật ra ngoài.

Cách xử lý phương pháp này với trẻ nhỏ được các bác sĩ chia sẻ như sau:

- Nếu trẻ còn khóc được, nói được, la hét, không khó thở, bố mẹ nên đặt ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện để khám và gắp dị vật ra.

Nếu trẻ xuất hiện biểu hiện tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu thì nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành thủ thuật vỗ lưng ấn ngực.

- Đối với trẻ dưới 2 tuổi, thao tác vỗ lưng, ấn ngực được thực hiện như sau: Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vỗ lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.

Sau đó, lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu trẻ còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

Con trai 6 tuổi qua đời vì bị ngạt thở, khi đưa đến bệnh viện bác sĩ nói đó là sai lầm của mẹ khi không làm việc này - Ảnh 2.

- Đối với trẻ trên 2 tuổi thì đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn. Ẩn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh.

Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

Con trai 6 tuổi qua đời vì bị ngạt thở, khi đưa đến bệnh viện bác sĩ nói đó là sai lầm của mẹ khi không làm việc này - Ảnh 3.

Nếu trẻ ngưng thở, phải thổi ngạt hai cái chậm trước và xen kẽ thổi ngạt khi làm thủ thuật Heimlich hay vỗ lưng ấn ngực cho tới khi trẻ thở lại hoặc la khóc được. Sau khi lấy được dị vật, hoặc trẻ la khóc được, vẫn phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Không can thiệp nếu trẻ vẫn còn còn thở, ho hoặc kêu khóc được. Không cố móc dị vật ra nếu không nhìn thấy được, vì có thể làm dị vật di chuyển vào sâu hơn trong đường thở.

Đối với trường hợp trên, do người mẹ không biết sơ cứu đúng cách nên chỉ trong vòng 46 giây ở trong thang máy đã khiến tính mạng trẻ bị đe dọa. Vì vậy, các bác sĩ khuyên rằng bố mẹ nào cũng nên chuẩn bị sẵn kiến thức này cho mình để tránh trưởng hợp xấu xảy ra.

(Nguồn: hk.on.cc)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại