Việc con trẻ chơi và mâu thuẫn với nhau là chuyện hết sức bình thường. Điều quan trọng là thái độ của cha mẹ khi trẻ có mâu thuẫn. Nếu xử lý đúng sẽ khiến trẻ dũng cảm hơn, còn nếu xử lý sai sẽ chỉ khiến trẻ rụt rè và sống nội tâm hơn mà thôi. Do đó, cách xử trí của bà mẹ Trung Quốc dưới đây đáng để mọi người học tập.
Minh Minh là một cậu bé 6 tuổi nghịch ngợm, vừa đi học tiểu học. Hôm nay đi học về, Minh Minh ngồi trên ghế sofa mà không nói một lời. Hành vi khác thường của Minh Minh đã thu hút sự chú ý của mẹ. Vì vậy, người mẹ liền hỏi xem đã xảy ra chuyện gì với con.
Lúc đầu, Minh Minh không nói nhưng sau khi mẹ hỏi vài lần, cuối cùng cậu bé cũng òa khóc. Cậu bé kể rằng mình đã vô tình va vào bạn cùng lớp. Dù đã xin lỗi nhưng Minh Minh vẫn bị người bạn trên và một bạn nữa đánh.
Sau khi hiểu lý do, người mẹ liền hỏi con muốn xử lý việc này như thế nào. Minh Minh nói: "Con không thể đánh lại hai người họ, vì vậy con muốn mạnh mẽ hơn. Có con dao ở nhà không? Con muốn mang theo nó". Khi nghe thấy điều này, mẹ Minh Minh nói: "Đợi đã, mẹ sẽ gói một chiếc chăn nhỏ cho con".
Lấy làm lạ khi nghe mẹ bảo sẽ mang cho mình một chiếc chăn nhỏ, Minh Minh đã hỏi tại sao. Mẹ nói: "Con trai, nếu con làm tổn thương người khác, con sẽ phải vào tù. Khi mẹ không thể chăm sóc con, con cần chuẩn bị một chiếc chăn nhỏ cho mình". Khi nghe mẹ nói điều này, Minh Minh vội vàng kêu lên: "Mẹ ơi, con không lấy dao nữa, con không muốn đi tù".
Minh Minh bị bạn bắt nạt dù đã xin lỗi (Ảnh minh họa).
Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đây. Mẹ Minh Minh biết rằng con mình đã sai, nhưng nếu không giải quyết có thể con trai cô lại sẽ bị bắt nạt. Điều này không hề tốt cho đứa trẻ. Vì vậy cô đã gửi một tin nhắn đến nhóm phụ huynh trong lớp của con.
"Hôm nay, con tôi và hai đứa trẻ đánh nhau. Tất nhiên là con tôi thua. Nó rất tức giận định hành động trả thù nhưng tôi đã ngăn lại. Tôi muốn gặp hai bạn đã đánh con trai tôi để xem họ đã làm gì? Các cha mẹ! tôi không biết mình có làm đúng không?".
Sau khi tin nhắn nhắc nhở khéo léo này được gửi đi, cha mẹ của hai đứa trẻ đánh bạn đã chủ động tìm đến và xin lỗi mẹ con Minh Minh, mâu thuẫn giữa những đứa trẻ đã được giải quyết êm đẹp. Giáo viên trong lớp cũng đã có lời khen ngợi trước cách xử lý khôn khéo và bình tĩnh của người mẹ.
Trong thực tế, khi đối mặt với xung đột giữa những đứa trẻ, nhiều cha mẹ hoặc tức giận và trực tiếp tìm đến gia đình đứa trẻ đã bắt nạt con mình, hoặc để đứa trẻ tự chịu đựng. Tất nhiên, cả hai phương pháp này đều không thể là giải pháp thực sự.
Bởi nếu cha mẹ tức giận và tìm đến đứa trẻ bắt nạt con mình để xử lý có thể khiến vấn đề nhỏ trở nên to tát và khó giải quyết hơn; còn nếu để con tự chịu đựng sẽ khiến trẻ phát triển tính cách yếu đuối.
Vậy đâu là cách chính xác để cha mẹ tránh cho con bị bắt nạt?
Nhìn vào những đứa trẻ đang bị bắt nạt, chúng ta đều thấy chúng có một điểm chung, đó là chúng tương đối gầy còi, nhỏ bé. Nếu bạn muốn con mình không bị bắt nạt, hãy đưa trẻ đi tập thể dục nhiều hơn, hoặc để trẻ học một khóa học về võ thuật chẳng hạn. Một đứa trẻ mạnh mẽ sẽ tự biết cách bảo vệ mình khi bị bắt nạt.
Bên cạnh đó, sức mạnh của một người không chỉ dựa vào chính bản thân mà còn có thể dựa vào các lực lượng bên ngoài: bạn bè cũng là một loại sức mạnh. Khi có nhiều bạn bè, những đứa trẻ khác sẽ không dám bắt nạt bạn.
Do đó, hãy khuyến khích con hòa đồng và kết bạn với những đứa trẻ khác trong lớp. Khi bạn đơn độc, bạn sẽ rất dễ bị bắt nạt.
Tất nhiên, khi một đứa trẻ bị bắt nạt, thái độ của cha mẹ là điều rất quan trọng bởi vì cha mẹ là những người đáng tin cậy nhất của trẻ. Nếu cha mẹ xử lý không khéo sẽ làm mất niềm tin của trẻ vào bạn.
Do đó, cha mẹ nên có cách chủ động giải quyết theo chiều hướng tích cực: không làm to chuyện nhưng cũng không thể bỏ qua mặc con đối mặt. Có như vậy, đứa trẻ mới có thể không lo lắng, sợ sệt khi bị bạn bắt nạt.