Vào thời nhà Thanh (Trung Quốc), để tránh những hậu hoạ do thái giám gây ra, vua Thuận Trị đã ra chỉ rằng: Cấp bậc của thái giám không được vượt quá "tứ phẩm".
Thế nhưng dưới thời Vãn Thanh, thái giám Lý Liên Anh thậm chí còn được đảm nhiệm đến chức quan "nhị phẩm", chỉ cần nhìn vào đó thôi cũng đủ thấy được sự sủng ái mà ông ta nhận được từ Từ Hi thái hậu. Tuy nhiên, đó là hào quang khi Từ Hi Thái hậu còn sống, vậy sau khi đại nhân vật này qua đời, Lý Liên Anh có kết cục như thế nào?
LÝ LIÊN ANH – THÁI GIÁM ĐƯỢC TỪ HI THÁI HẬU SỦNG ÁI NHẤT
Lý Liên Anh, tên thật là Lý Tiến Hỉ, sinh ra trong một gia đình buôn hàng da ở huyện Đại Thành, phủ Thuận Thiên (vẫn thuộc khu vực Bắc Kinh ngày nay). Khi ông 8 tuổi, do gia đình làm ăn lụi bại nên bị ép vào cung làm thái giám.
Năm 1860, liên quân Anh – Pháp đốt cháy Viên Minh Viên, vua Hàm Phong buộc phải bỏ chạy. Trong thời gian này, Lí Liên Anh đã chớp lấy cơ hội lấy lòng Từ Hi rồi từng bước thăng quan tiến chức, trở thành Nhị tổng quản khi chỉ mới 19 tuổi. Vô số các quan lại để lấy lòng Lý Liên Anh mà ra sức hối lộ của cải, ngọc ngà châu báu. Có thể nói, ngoài Lý Liên Anh ra thì còn có thái giám nào được như thế?
Thế nhưng, vinh hoa phú quý Lý Liên Anh có được là khi Từ Hi thái hậu còn sống. Năm Quang Tự thứ 34, Từ Hi và vua Quang Tự lần lượt qua đời vì bệnh, cuộc đời của thái giám quyền uy nhất cũng theo thời thế mà thay đổi hoàn toàn.
Lý Liên Anh.
CHỦ QUA ĐỜI VẪN PHẢI TIẾP TỤC SỐNG
Sau khi Từ Hi thái hậu qua đời, Lí Liên Anh liền nghĩ cách lấy lòng Long Dụ thái hậu. Ông đã thực hiện 4 điều sau đây:
Một là, để tang Từ Hi thái hậu đúng 100 ngày.
Hai là, đem tất cả tài sản của mình, tổng cộng 340 nghìn lượng vàng, bạc nộp hết cho Long Dụ thái hậu.
Ba là, giao chức Tổng quản thái giám cho thân tín của Long Dụ thái hậu – Tiểu Đức Trương.
Bốn là, ủng hộ Long Dụ thái hậu chỉnh đốn hậu cung.
Với những nỗ lực trên, Lý Liên Anh dần trở thành cánh tay đắc lực bên cạnh Long Dụ thái hậu.
Tuy nhiên, Lý Liên Anh lại không lấy được lòng Nhiếp chính vương Tải Phong khi những đề xuất giúp củng cố quyền lực sau cái chết của Từ Hi thái hậu lần lượt bị bác bỏ. Lý Liên Anh bèn cầu cạnh Viên Thế Khải bằng cách tiết lộ việc triều đình muốn đối phó họ Viên. Viên Thế Khải nhờ thoát chết, bảo toàn tính mạng.
Có Long Dụ thái hậu và Viên Thế Khải hậu thuẫn, một lần nữa Lý Liên Anh dần lấy lại được quyền lực. Tuy nhiên, những điều này chỉ là tạm thời.
CUỐI ĐỜI SỐNG ẨN DẬT
Khi Từ Hi Thái hậu còn sống, để có được sự "sủng ái" của lão phật gia, Lý Liên Anh đã đắc tội rất nhiều người. Thế nên cho dù ông ta có để lại tất cả, từ quan về quê dưỡng lão thì chắc hẳn vẫn sẽ có nhiều người muốn báo thù.
Lý Liên Anh.
Hơn nữa, ông ta lại là cái gai trong mắt của Nhiếp chính vương Tải Phong. Nhiếp chính vương đã nhiều lần muốn lấy danh "chính nghĩa" thanh trừ Lý Liên Anh nhưng lần nào cũng bị Long Dụ thái hậu ngăn lại.
3 năm cuối đời, Lý Liên Anh sống trong nơm nớp lo sợ, sợ rằng một ngày nào đó sẽ bị giết chết. Tội lỗi của ông ta khiến cho hoàng thất, quan lại và cả nhân dân bá tánh không ít lần muốn xử tử, đó là vết nhơ mà Lý Liên Anh dù có dùng hết cả phần đời còn lại để đền tội cũng không hết được.
Chẳng còn cách nào khác, ông ta phải sống ẩn dật trong một ngôi nhà nhỏ kín đáo ở Bắc Kinh, cốt để giữ được mạng.
Lý Liên Anh thoát khỏi truy sát nhưng không thoát được sự dằn vặt, đau đớn. Rời xa hoàng cung, nghĩa là không còn ai hầu hạ, mọi thói quen đều phải thay đổi, sức khoẻ của cũng kém dần, thường xuyên bị ốm. Ngoại trừ việc hàng năm cúng tế cho Từ Hi thái hậu, Lý Liên Anh không có việc gì để làm, trong lòng vô cùng trống rỗng. Cuối cùng để khoả lấp, ông ta tìm đến thuốc phiện, cứ sống lay lắt như thế cho đến khi bị kiết lỵ mà chết.
Lý Liên Anh sớm đã tiên lượng và lo hậu sự cho mình. Ông ta xây một ngôi mộ ở ngoài Đức Thắng môn, ngoài ra còn xây cả cầu đá, từ đường, miếu thờ,…và xin an táng theo nghi lễ dành cho nguyên lão triều đình.
Năm Tuyên Thống thứ 3, Lý Liên Anh qua đời, Long Dụ thái hậu nhớ tới lòng trung thành của ông ta mà làm tang lễ tiêu tốn đến 1200 lượng bạc.
Năm 1966, mộ của Lý Liên Anh bị khai quật. Nghe nói trong mộ còn chứa rất nhiều châu báu và cũng là mộ thái giám to nhất, hoành tráng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ rằng, trong quan tài chỉ có đầu mà không có thân người.
Về cái chết của Lý Liên Anh, có người cho rằng ông ta đã bị Giang Triều Tông giết, nhưng cũng có người nói Lý Liên Anh bị Nhiếp chính vương Tải Phong giết. Dù sao chăng nữa thì Lý Liên Anh cũng đã phải trả giá cho những tội lỗi của mình.