Con người đang tự biến Trái Đất thành "hỏa ngục" thiêu đốt chính mình: Đây là bằng chứng!

Hoa Hướng Dương |

Các nhà làm phim có thể sẽ lấy ý tưởng từ hậu quả của biến đổi khí hậu cho những bộ phim kinh dị trong tương lai không xa.

Trên tạp chí New York, nhà báo Mỹ David Wallace-Wells đã viết một bài báo có tựa đề "The Uninhabitable Earth" sau khi ông phỏng vấn nhiều chuyên gia khí hậu học và các nhà nghiên cứu lĩnh vực này.

Bài báo cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ mau chóng tàn phá thế giới và biến Trái Đất thành một hành tinh chết, không thể cư trú được. Ông cho rằng nạn đói, kinh tế sụp đổ hay cái nóng sẽ sớm thiêu đốt chúng ta.

Con người đang tự biến Trái Đất thành hỏa ngục thiêu đốt chính mình: Đây là bằng chứng! - Ảnh 1.

David Wallace-Wells cho rằng Trái Đất sẽ sớm trở thành một nơi quá nóng để sự sống tồn tại. Ảnh New York Magazine.

"Sự sống sẽ bị chúng ta thiêu đốt", là lời cảnh báo đáng sợ mà Wallace-Wells gửi tới nhân loại. Phải chăng chúng ta đốt nhiên liệu hóa thạch cũng chính là đốt đi chính sự sống!

Xem video:

Biến đổi khí hậu làm tan băng vĩnh cửu. Nguồn: Dailystar.co.uk.

"Thật vậy, sự thiếu điều chỉnh hợp lý của hàng tỉ người đối với cuộc sống của họ sẽ khiến nhiều phần của Trái Đất trở nên không thể sống được, trong khi những phần khác cũng trở nên kinh khủng để sự sống có thể tồn tại chỉ trong cuối thập kỷ này".

Và sau đây là những điều mà David Wallace-Wells dự đoán sẽ xảy ra trong thời gian không xa:

1. Những "kịch bản" đáng sợ cho Ngày tận thế

Băng tan không chỉ nhấn chìm nhiều diện tích đất liền mà còn có thể bùng nổ những đại dịch đáng sợ

Sự dâng cao của mực nước biển khi băng tan và Trái Đất ấm lên sẽ nhấn chìm nhiều diện tích đất liền và cả các thành phố lớn đông đúc dân cư gần bờ biển. Hiện nay, sự ấm lên đã làm tan chảy cả các lớp băng vĩnh cửu ở cực Bắc như sự tan băng ở vùng quần đảo Svalbard ở Na Uy.

Những lớp băng vĩnh cửu đóng vai trò giúp "giam giữ" tới 1,8 triệu tấn carbon có thể bị biến mất, số lượng gấp đôi khả năng có thể "chịu được" của khí quyển Trái Đất.

Ngoài ra còn giải phóng lượng khí methan (khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh) khổng lồ có thể đẩy nhanh quá trình ấm lên nhanh gấp 34 lần so với carbon.

Tồi tệ hơn những vi khuẩn hay virus cổ đại có thể "đội mồ sống dậy" và gây ra những dịch bệnh đáng sợ chưa từng có trước đây".

Như loại virus 30.000 năm tuổi có tên Mollivirus sibericum mà các nhà nghiên cứu Siberia phát hiện năm 2005, hay virus Mimivirus .

Nghiên cứu năm 2011 của hai nhà khoa học Boris Revich và Marina Podolnaya từng dự đoán về hậu quả khi lớp băng vĩnh cửu tan có thể dẫn tới nhiều dịch bệnh đáng sợ từ quá khứ như virus dịch hạch từ Cái chết Đen, vì những xác chết của sinh vật mang mầm bệnh dưới lớp băng sẽ lưu trữ các virus, vi khuẩn bệnh.

Thực tế, đã có nhiều trường hợp mắc bệnh do nhiễm virus bệnh từ Bắc Cực như trường hợp cậu bé 12 tuổi đến từ bán đảo Yamal đã chết vì vi khuẩn bệnh than năm 2016 từ xác một con tuần lộc chết 75 năm trước và bị đóng băng nhưng do sự ấm lên khiến lớp băng tan ra, phóng thích vi khuẩn.

Hạn hán hay bão lũ sẽ là mối đe dọa đến nguồn lương thực trong lĩnh vực nông nghiệp và tính mạng của con người và các sinh vật trên Trái Đất

Con người đang tự biến Trái Đất thành hỏa ngục thiêu đốt chính mình: Đây là bằng chứng! - Ảnh 3.

Những tác động của biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Ảnh: Climate.nasa.gov.

Biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh tới nông nghiệp và an ninh lương thực, mỗi nhiệt độ ấm lên của Trái Đất sẽ khiến sản phẩm lương thực thế giới giảm tới 10% và theo dự đoán, cuối thế kỷ này, chúng ta sẽ mất 50% nguồn lương thực khi nhiệt độ tăng lên 5 độ C.

Nhiệt độ ấm rất thuận lợi cho sự này mầm của hạt giống nhưng khi nhiệt độ quá cao, điều này lại hoàn toàn có hại, hạn hán, thiếu nước, bão lũ... cũng là nhân tố tác động rất lớn tới an ninh lương thực của các quốc gia.

Chiến tranh, xung đột nguồn nước, lương thực sẽ bùng phát ở nhiều khu vực trên thế giới, nhất là các điểm nóng như châu Phi hay Syria, đe dọa cuộc sống của những người dân nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Những cuộc di cư, dòng người tị nạn sẽ ngày một đông hơn và khó có thể kiểm soát được.

Bên cạnh đó, những sinh vật khác cũng sẽ chịu chung số phận với loài người, hiện nay các nhà khoa học cảnh báo rằng cuộc Đại diệt chủng lần thứ 6 đã bắt đầu với tốc độ nhanh gấp 4.000 lần so với Đại diệt chủng thời khủng long!

Mà nguyên nhân không tới từ tự nhiên (va chạm thiên thạch, núi lửa phun trào...) mà thủ phạm lần này chính là... con người.

Nhiều loài vật đang âm thầm biến mất, và nếu trong 20 năm tới con người không thể khắc phục được hậu quả do chính mình gây ra, chúng ta cũng sẽ chịu chung "cơn ác mộng" này.

Hơi nóng chết chóc biến Trái Đất thành "Hỏa Diệm Sơn"

Chúng ta đều biết nhiệt độ tác động rất nhiều tới tâm sinh lý của con người, khi nhiệt độ cao, chúng ta cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và dễ "bốc hỏa", kích động, căng thẳng thần kinh hay rối loạn hành vi.

Không chỉ nhiều căn bệnh bùng phát vào mùa nắng nóng hay sức khỏe của con người bị ảnh hưởng. Nhà hải dương học Wallace Smith Broecker cho rằng "Trái Đất nóng lên" sẽ biến sinh vật trên hành tinh thành những "dã thú hung dữ".

Hai nhà nghiên cứu Marshall Burke và Solomon Hsiang đã chỉ ra mối liên hệ giữa nhiệt độ và xu hướng bạo lực, cụ thể nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên 0,5 độ C sẽ làm gia tăng từ 10 đến 20% khả năng xung đột hay bạo lực giữa con người.

Vĩ mô hơn, biến đổi khí hậu và xung đột, chiến tranh cũng có mối liên hệ biện chứng.

Cái nóng và sự thiếu nước ở nhiều khu vực trên thế giới sẽ dẫn tới bệnh tật, xu hướng bạo lực, xung đột, thậm chí là chiến tranh ở các khu vực chính trị bất ổn. Con người sẽ giống như những sinh vật điên cuồng vì cái nóng như thiêu như đốt của địa ngục.

Kể từ năm 1980, Trái Đất đã trải qua 50 đợt nắng nóng kỷ lục, 5 mùa hè ấm nhất ở châu Âu từ năm 1500 đến năm 2002 (theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu - IPCC).

Mặc cho nỗ lực bé nhỏ chống biến đổi khí hậu và sự ấm lên của Trái Đất mà COP21 - Hội nghị Paris về Khí hậu đề ra, những thành phố như Karachi (Pakistan) và Kolkata (Ấn Độ) gần như trở thành những vùng đất chết chóc vì ô nhiễm và sóng nhiệt cao.

Elon Musk hay thiên tài vật lý Stephen Hawking đều đã có những cảnh báo về thảm họa này trong tương lai, thậm chí là chuẩn bị kế hoạch đưa người lên hành tinh khác để sinh sống vì họ cho rằng Trái Đất sẽ sớm biến thành một hành tinh không thể sống được.

Nếu không phải là giáo sư Stephen Hawking, có lẽ chúng ta sẽ cười và không bao giờ tin rằng Trái Đất sẽ sớm trở thành sao Kim thứ hai với nhiệt độ lên tới 250 độ C, khiến đại dương sôi trơ đáy với mưa axit sunfuric diện rộng như dự đoán của ông.

Ông còn cho rằng con người chỉ có 1.000 năm để tự cứu lấy mình bằng cách di cư tới các hành tinh khác nếu không muốn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như các sinh vật khác.

Không khí không thể thở, "rừng vàng biển bạc" dần biến mất

Con người đang tự biến Trái Đất thành hỏa ngục thiêu đốt chính mình: Đây là bằng chứng! - Ảnh 4.

Stephen Hawking cho rằng Trái Đất sẽ trở thành một hành tinh quá nóng để có thể sống được. Ảnh Express.co.uk.

Nhiều thành phố ô nhiễm trên thế giới, con người đã phải mua... khí thở oxy trong lành, nhưng chưa hết, con người trên thế giới có thể sẽ phải dối mặt với sự thiếu oxy khi nguồn khí CO2 đang dần xâm chiếm bầu khí quyển.

Dân số càng đông, chúng ta cần nhiều không khí, không gian và cả lương thực, nước uống cần thiết cho sự sống. Nhưng những điều này lại đang dần tỉ lệ nghịch với nhau theo thời gian và đà tăng của dân số.

Chỉ riêng khu rừng Amazon đã cung cấp tới 20% lượng khí oxy cho Trái Đất, được ví là lá phổi xanh của Trái Đất nhưng diện tích rừng (vốn chiếm 31% diện tích đất liền) đang bị thu hẹp vì hoạt động phá rừng hay cháy rừng do biến đổi khí hậu góp phần không nhỏ.

Mỗi phút, trung bình thế giới mất đi một diện tích rừng tương đương 36 sân bóng bầu dục hay 120.000 đến 150.000 km2 rừng biến mất mỗi năm.

Không chỉ rừng, đại dương cũng chịu chung số phận vì hoạt động phá hủy môi trường mà con người gây ra, báo cáo của Liên Hợp Quốc chỉ ra "Vùng nước chết" trên khắp thế giới hiện này là khoảng 400 (so với 150 năm 2003).

Đây là khu vực nước bị ô nhiễm do các con sống đổ ra biển mang theo hóa chất công nghiệp hay nông nghiệp, phá hủy môi trường sinh thái của các sinh vật biển.

Những bãi rác khổng lồ có diện tích lớn hơn lãnh thổ cả châu Âu với trọng lượng khoảng 100 triệu tấn ở Thái Bình Dương, điều đáng sợ hơn đa phần là rác thải nhựa khó phân hủy đã hủy hoại môi trường sống của rất nhiều sinh vật dưới nước.

Liệu rằng Hành tinh Xanh của chúng ta có trở thành một sao Kim thứ hai như lời thiên tài vật lý Stephen Hawking dự đoán, đó là điều chỉ có thời gian mới có thể trả lời, nhưng ngay chính lúc này, chúng ta đều có thể cảm thấy sự thay đổi không hề nhỏ do biến đổi khí hậu gây ra.

Bài viết được dịch từ nguồn: BBC.com, Nymag.com, Telegraph



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại