Con người can thiệp vào chu trình thải carbon mạnh hơn thiên thạch diệt chủng khủng long

Mỹ Huyền |

Thiên thạch làm khủng long tuyệt chủng cũng đã hủy diệt 75% sự sống trên Trái Đất. Con người có thể đang tiến đến đích tương tự với cuộc khủng hoảng khí hậu.

Kể từ năm 1750, con người đã can thiệp vào chu trình carbon của Trái Đất nhiều hơn nhiều vụ va chạm thiên thạch thảm khốc nhất lịch sử. Hai "con đường" này đều dẫn đến các tác động lâu dài lên hành tinh xanh.

Nghiên cứu mới này được đăng trên tạp chí Element bởi nhóm nhà khoa học Deep Carbon Observatory (DCO). DCO gồm hơn 1000 nhà nghiên cứu về sự chuyển động của carbon (từ lõi đến rìa không gian của Trái Đất) trên toàn thế giới.

Con người can thiệp vào chu trình thải carbon mạnh hơn thiên thạch diệt chủng khủng long - Ảnh 1.

Đốt nhiên liệu hóa thạch phát thải gấp 80 lần tổng lượng CO2 sinh ra do núi lửa.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét sự "nhiễu loạn" của chu trình carbon trên Trái Đất trong hơn 500 triệu năm qua. Trong thời kỳ này, sự chuyển động của carbon tương đối ổn định.

Khí carbon – tồn tại dưới dạng CO2, CO và dạng khác – đi vào khí quyển qua miệng núi lửa, lối thông hơi ngầm khá cân bằng với carbon "chìm vào đất" ở ranh giới các mảng kiến tạo. Sự cân bằng này tạo bầu không khí trong lành, khí hậu thuận hòa ở cả biển và đất liền, cho phép đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, thi thoảng sẽ có một sự kiện thảm khốc làm cán cân cân bằng nhiễu loạn. Các nhà khoa học xác định 4 vụ nhiễu loạn đó, bao gồm các vụ phun trào núi lửa khổng lồ và sự kiện thiên thạch diệt chủng khủng long 66 triệu năm trước. Nghiên cứu những sự kiện này cho thấy, thảm họa khí hậu lớn tiếp theo đang diễn ra ngay trước mắt và xuất phát từ bàn tay chúng ta.

Thực tế, tổng lượng CO2 từ đốt nhiên liệu hóa thạch phát thải mỗi năm vượt 80 lần lượng CO2 tích lũy của mọi ngọn núi lửa trên Trái Đất cộng lại.

Tác động thảm khốc

Chicxulub là một thiên thạch cỡ tiểu hành tinh bán kính 10 km. Cách đây 66 triệu năm, khi rơi xuống vịnh Mexico, nó thành "tác giả" cuộc đại tuyệt chủng 75% sự sống trên Trái Đất, bao gồm tất cả các loài khủng long không phải tổ tiên của gia cầm. Chicxulub là ví dụ tiêu biểu nhất để so sánh với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.

Thiên thạch này lao vào Trái Đất với năng lượng gấp hàng tỷ lần một quả bom nguyên tử, sóng xung kích từ vụ nổ gây động đất, núi lửa phun trào và cháy rừng, có thể giải phóng đến 1.400 tỷ tấn carbon vào khí quyển.

Hiệu ứng nhà kính nảy sinh từ nhưng vụ phát thải đột ngột thế này làm hành tinh ấm lên, axit hóa các đại dương trong hàng trăm năm tới. Khí hậu bị hủy hoại nghiêm trọng góp phần đưa hàng loạt thực, động vật đến sự tàn lụi, gọi là sự kiện tuyệt chủng kỷ Phấn Trắng – Paleogen.

Tuy nhiên, ngay cả lượng phát thải CO2 ước tính cao nhất từ vụ Chicxulub vẫn ít hơn lượng phát thải tích lũy, liên tục từ biến đổi khí hậu nhân tạo. Trong nghiên cứu viết, từ năm 1750 lượng thải lên đến 2.200 tỷ tấn CO2. Và hiện nay, khí thải nhân tạo vẫn tăng hàng năm.

Cần hiểu đúng, nghiên cứu mới này nói rằng con người còn "tồi tệ" hơn một tảng đá khổng lồ lao từ trên trời xuống, xóa sổ mọi sự sống khu vực rộng hàng trăm kilomet chỉ trong vài giây.

Thay vào đó, các nhà khoa học từ DCO đang chỉ ra, tốc độ và quy mô con người làm xáo trộn chu trình carbon có thể so sánh với những sự kiện địa chất thảm khốc nhất lịch sử. Kết quả của kỷ nguyên hiện tại có thể giống vụ Chicxulub và các thảm hỏa cổ đại khác.

Nghiên cứu kết luận, kỷ nguyên này "có khả năng để lại hệ quả tương tự một cuộc tuyệt chủng hàng loạt xuất phát từ biến đổi khí hậu do khí nhà kính, trên nền một sinh quyển vốn đã ở điểm cùng cực do mất môi trường sống".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại