"Cơn mưa" thuế ập xuống hàng Mỹ

Xuân Mai |

Ấn Độ vừa tham gia danh sách ngày càng dài của những nước trả đũa chính sách đánh thuế thép, nhôm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hôm 14-6, quốc gia Nam Á này thông báo lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với 29 mặt hàng từ Mỹ, gồm nông sản, sắt và thép, ước tính trị giá khoảng 241 triệu USD - tương đương giá trị mặt hàng thép, nhôm của New Delhi bị Washington đánh thuế.

Biện pháp trả đũa của Ấn Độ chính thức có hiệu lực vào ngày 4-8. Trong khi đó, Canada quyết định đánh thuế đến 25% lên số hàng hóa Mỹ trị giá 13 tỉ USD từ ngày 1-7.

Trước khi thấm đòn của 2 nước nêu trên, Mỹ chính thức hứng chịu mức thuế được EU áp đặt lên số hàng hóa trị giá 2,8 tỉ euro từ ngày 22-6.

Theo đài BBC, phần lớn mặt hàng của Mỹ - như môtô, quả việt quất, bơ đậu phộng... - bị EU đánh thuế 25%. Dù vậy, một số sản phẩm - như giày dép, hàng may mặc và máy giặt - của Mỹ phải chịu thuế lên đến 50%. Ngoài EU, Mexico vào đầu tháng này cũng áp thuế lên số hàng nhập khẩu trị giá 3 tỉ USD của Mỹ.

Những động thái "ăn miếng trả miếng" diễn ra sau khi chính quyền ông Trump quyết định đánh thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm nhập khẩu từ EU, Canada, Mexico và các đồng minh thân cận khác của Mỹ. Được công bố hồi tháng 3, bước đi này chính thức có hiệu lực hôm 1-6.

Ủy viên phụ trách vấn đề thương mại của EU Cecilia Malmstrom nói với đài CNN rằng hành động đơn phương, vô lý của Mỹ khiến EU không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trả đũa, đồng thời đệ đơn kiện Mỹ lên WTO.

Trong trường hợp bất đồng thương mại Mỹ - EU tiếp tục leo thang hoặc không được WTO giải quyết, EU cảnh báo sẽ tiếp tục đánh thuế khoảng 160 sản phẩm Mỹ có giá trị khoảng 4,3 tỉ USD/năm. Ông Robert Bergqvist, kinh tế trưởng của Ngân hàng SEB (Thụy Điển), lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - EU có thể tác động tiêu cực đến các thị trường tài chính và kinh tế toàn cầu.

Nỗi lo này càng gia tăng trong trường hợp cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung không hạ nhiệt. Theo trang Bloomberg, một số quan chức Nhà Trắng đang tìm cách khởi động lại đàm phán với Bắc Kinh trước khi mức thuế của Mỹ đánh vào 34 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 6-7.

Tuy nhiên, cơ hội thương lượng khá mong manh khi phe diều hâu trong chính quyền ông Trump ủng hộ trừng phạt Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại